Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều dưa muối trong ngày Tết, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và thai nhi.
Dưa muối (dưa chua) là món ăn quen thuộc của người Việt, đặc biệt trong mâm cỗ ngày Tết. Bên cạnh bánh chưng, bánh tét, thịt đông, giò, nem, dưa muối giúp bữa ăn thêm ngon miệng và không bị ngấy khi ăn kèm các món chứa nhiều dầu mỡ. Đây cũng là một trong những món mà mẹ bầu thường rất thích.
Dưa muối được làm từ nhiều loại rau trong đó phổ biến nhất là rau cải (cải bẹ xanh, bắp cải…). Các loại rau này thường có giá trị dinh dưỡng thấp, trung bình trong 100 g rau cải cung cấp khoảng 16 kcal, 1,2-1,6 g chất đạm và khoảng 1,8 g chất xơ.
Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết mẹ bầu có thể ăn dưa muối để tăng thêm cảm giác ngon miệng trong thời kỳ thai nghén và cung cấp thêm chất xơ giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tuân thủ một số nguyên tắc và hạn chế ăn quá nhiều để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và thai nhi.
Đầy hơi và chướng bụng: Dưa muối phải qua quá trình lên men, tạo thành các axit lactic. Trong vài ngày đầu muối dưa, vi sinh vật chuyển hóa nitrat thành nitrit, làm hàm lượng nitrit tăng cao – chất này có hại cho sức khỏe của mẹ bầu.
Các chất nitrit trong dưa xổi kết hợp với các gốc amin trong thịt cá có thể tạo thành nitrosamin – một trong những chất gây ung thư. Nếu mẹ bầu ăn phải dưa muối xổi còn xanh hoặc đã quá chua không đảm bảo vệ sinh có thể gây đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Nguy cơ tăng huyết áp: Dưa chua chứa rất nhiều muối. Khi mẹ bầu ăn quá nhiều dưa chua, lượng muối trong cơ thể cũng tăng lên, gây tăng huyết áp, nhất là với người có tiền sử tăng huyết áp.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, tăng huyết áp khi mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng tiền sản giật hoặc sản giật, tổn thương thận và làm hỏng mạch máu của thai phụ. Điều này ảnh hưởng đến cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi.
Tăng nguy cơ gây phù: Dưa chứa nhiều muối làm tăng nguy cơ giữ nước dẫn đến xuất hiện các dấu hiệu sưng phù ở chân. Hơn nữa nồng độ natri trong máu tăng cao làm thai phụ tăng cảm giác khát nước, cơ thể dễ bồn chồn, khó thở, khó ngủ, đi tiểu ít.
Rối loạn chức năng thận, dạ dày: Ăn quá nhiều dưa muối có thể gây rối loạn chức năng thận, nhất là với người có tiền sử bệnh về thận. Thai phụ có tiền sử bệnh dạ dày nên tránh món ăn này vì dễ gây đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày.
Đảm bảo dưa muối hợp vệ sinh: Dưa muối có thể gây ra các bệnh đường tiêu hóa và tiêu chảy nếu không được vệ sinh và bảo quản đúng cách. Mẹ bầu nên ăn dưa muối tươi ngon từ những địa chỉ uy tín hoặc tự làm tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốt nhất nên chế biến dưa chín dưới dạng xào, nấu canh để đảm bảo an toàn vệ sinh. Tránh ăn các loại dưa muối xổi, còn xanh hoặc đã nổi váng lên men ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hạn chế lượng natri: Dưa muối chứa rất nhiều muối nên mẹ bầu nên ăn lượng hợp lý để tránh tăng huyết áp và phù nề.
Hạn chế lượng ăn: Đây không phải là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Thai phụ có thể ăn khoảng 50-100 g mỗi ngày và không nên thường xuyên.
Đa dạng chế độ ăn uống: Mẹ bầu nên đa dạng chế độ ăn uống để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Dưa muối là món ăn phụ nên không được dùng thay thế cho các món ăn khác để tránh ảnh hưởng mất cân bằng dinh dưỡng hàng ngày, nhất là trong dịp Tết.
Giữ cân bằng lượng nước cho cơ thể: Ăn dưa chua chứa nhiều muối và có thể dẫn đến mất nước, do đó, mẹ bầu uống đủ lượng nước trong ngày để giữ cho cơ thể cân bằng lượng muối và nước.
Chuyên viên dinh dưỡng Quỳnh khuyến cáo các mẹ bầu có các bệnh lý như viêm dạ dày, tăng huyết áp, bệnh thận cần tuyệt đối tránh thực phẩm này để hạn chế nguy hiểm. Khi mang thai, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Thúy Nguyễn