Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế |
Sau khi chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào Việt Nam, cùng với phong trào vô sản hóa đã thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam lên cao trong những năm 1925-1929. Đến cuối năm 1929, ở Việt Nam đã có 3 tổ chức cộng sản ra đời gồm: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Điều này đã phản ánh xu thế tất yếu, khách quan của cách mạng Việt Nam lúc đó, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử. Trong tình hình chung và yêu cầu của cách mạng Đông Dương, Quốc tế cộng sản nhiều lần thể hiện quan điểm về việc phải nhanh chóng thành lập một đảng cộng sản thống nhất ở khu vực này.
Nhận thấy sự chia rẽ của các tổ chức cộng sản trong quá trình lãnh đạo phong trào, chấp hành chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm đến Trung Quốc ngày 23/12/1929. Đối với Người, vấn đề thành lập Đảng là vô cùng bức thiết lúc này, vì sau gần 10 năm chuẩn bị công phu, những điều kiện chủ quan và khách quan cho việc thành lập Đảng đã chín muồi, vấn đề là phải giải quyết những bất đồng để các tổ chức cộng sản đi tới thống nhất, thành thực hợp tác. Khi tới Trung Quốc, Người quyết định triệu tập Hội nghị vào dịp tết Canh Ngọ 1930 để đại biểu thuận lợi trong việc đi lại và để đánh lạc hướng sự chú ý, theo dõi của mật thám Pháp. Từ ngày 6/1, đến ngày 7/2/1930[1], tại Hương Cảng (nay là Hồng Kông) Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để chỉ đạo Hội nghị đạt được mục tiêu thành lập một chính Đảng duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình, về những thành kiến của các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản. Với khả năng thuyết phục, cảm hóa lòng người cũng như uy tín lớn của Nguyễn Ái Quốc, những vấn đề bất đồng khó giải quyết đã được hòa giải nhanh chóng. Các tổ chức đã thẳng thắn phê bình và tự phê bình để rồi thống nhất đi đến thành lập một chính đảng.
Tên gọi được Người đưa ra và được Hội nghị thông qua là Đảng Cộng sản Việt Nam, khác với chỉ thị của Quốc tế Cộng sản là lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc và những người dự Hội nghị thành lập Đảng đó là: Tuy Đông Dương là thuộc địa của Pháp nhưng Đông Dương gồm có 3 dân tộc Việt - Miên - Lào sinh sống, có lịch sử quốc gia dân tộc hàng ngàn năm, có phong tục tập quán, nền văn hóa riêng. Phong trào công nhân ở mỗi quốc gia cũng khác nhau, nên đặt tên Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp với thực tế lịch sử và hơn thế nữa, đó còn là sự quán triệt và tôn trọng nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình: Phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc [2].
Sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc còn thể hiện rõ trong phương pháp hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là phương pháp tối ưu trong tình hình lúc bấy giờ. Cách làm của Nguyễn Ái Quốc đảm bảo nhanh gọn, giữ được đoàn kết nhưng vẫn giữ được tính nghiêm ngặt trong nguyên tắc hợp nhất thành lập Đảng.
Nguyễn Ái Quốc đã dự thảo các văn bản: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng và được thông qua ngày 7/2/1930. Tất cả hợp nhất thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, và cũng đã được công bố nhằm động viên, cổ vũ đảng viên và quần chúng tin tưởng, phấn khởi bước vào giai đoạn đấu tranh mới sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, nhận thấy sự cần thiết và vai trò to lớn của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng, trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân ít, giai cấp nông dân chiếm đa số, trình độ dân trí thấp… Việt Nam chưa từng có những tiền đề cơ bản cho sự ra đời của một Đảng Cộng sản như các nước phương Tây, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo, kết hợp yếu tố dân tộc (chủ nghĩa yêu nước) với nhân tố giai cấp (chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân) để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân và cả dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là cả một quá trình chuẩn bị công phu và nhạy bén, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.
[1] Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) quyết nghị “... từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”.
[2] Nguyễn Đình Đài (2006), Nguyễn Ái Quốc sự sáng tạo trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Giá trị Lịch sử và hiện thực, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.115.
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/xay-dung-dang/su-sang-tao-nhay-ben-kip-thoi-cua-nguyen-ai-quoc-150492.html
การแสดงความคิดเห็น (0)