Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương phát biểu tại phiên họp |
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "rất cao".
Về thể chế, đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế.
Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Chất lượng thông tin di động tăng, tốc độ tải băng rộng di động đạt 86,96 Mbps, tăng 14 bậc xếp hạng quốc gia (lên 37/110 quốc gia); tốc độ tải băng rộng cố định đạt 159,32 Mbps, tăng 7 bậc xếp hạng quốc gia (lên 35/154 quốc gia).
Việt Nam đưa vào khai thác 1 tuyến cáp biển mới, tuyến thứ 6 và là tuyến có dung lượng lớn nhất của Việt Nam (20Tbps) được đưa vào khai thác, giúp cải thiện tốc độ internet và bảo đảm sự bền vững kết nối quốc tế của Việt Nam. Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển. Giao dịch dữ liệu qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng 57%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số thủ tục hành chính).
Ngoài ra, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á...
Tại thành phố Huế, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 luôn là nội dung được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, chỉ số chuyển đổi số của Huế trong các năm qua luôn giữ vững, nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước.
Tỷ trọng đóng góp vào GRDP của kinh tế số đạt 11,53%. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có sử dụng nền tảng số đạt 73,23%. Tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng hợp đồng điện tử là 81,65%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử là 100%. Số lượng điểm phục vụ bưu chính công cộng có kết nối inetrnet băng rộng đạt 90%.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo sớm ban hành các thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý vững chắc…
Bảng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2023 |
Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Mỹ… cùng những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, BKAV… đã và đang triển khai nhiều sản phẩm, giải pháp số tại địa phương. Đặc biệt, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Huế ngày càng được củng cố nhờ sự hiện diện của hơn 13 trường đại học, 4 trường cao đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
“Trong thời gian tới, thành phố Huế mong muốn tiếp tục được chọn là nơi triển khai các mô hình mới, là nơi thử nghiệm các giải pháp mới của các tập đoàn, công ty công nghệ để triển khai nhân rộng, qua đó tạo điều kiện để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành”, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương cho biết.
Huế xếp thứ 3 toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) Trong khuôn khổ phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2023. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) xếp thứ 3 trong toàn quốc với 0,766 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2022. Trong đó, chỉ số chính quyền số 0,8449 điểm, kinh tế số 0,8373 điểm và xã hội số 0,7556 điểm. |
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/hue-da-trien-khai-nhieu-san-pham-giai-phap-so-150603.html
การแสดงความคิดเห็น (0)