Hướng dẫn người dân phân loại rác thải. Ảnh: WWF - Việt Nam |
Tuyên truyền, vận động giảm nhựa
Mỗi sáng cuối tuần, bác Phạm Xuân Phụng, phường Thuận Lộc sau khi tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại khu dân cư thường chuẩn bị các tài liệu, sổ tay để tuyên truyền giảm nhựa đến từng nhà dân. “Từ ngày tôi biết cách phân loại rác thải, giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tôi thấy nhà mình sạch hơn, còn góp phần bảo vệ môi trường nên cũng rất hăng hái tuyên truyền, vận động mọi người phân loại rác thải”, bác Phụng chia sẻ.
Bác Phụng là một trong số 742 tuyên truyền viên giảm nhựa của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (dự án TVA). Họ là những tấm gương điển hình trong thực hành các giải pháp giảm nhựa đến người thân và cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Ngự Giao, chuyên viên dự án TVA, phương pháp GDHĐ là một phương pháp do Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc (ILO) nghiên cứu và phát triển (1986 - 2000) nhằm thúc đẩy các sáng kiến tại chỗ - dựa trên hành động tự nguyện, tự lực giúp người dân địa phương thực hiện các cải thiện ngay lập tức và từng bước bằng kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có tại địa phương. Phương pháp này đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, phát triển nông thôn, phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, nước sạch vệ sinh, biến đổi khí hậu và gần đây nhất là áp dụng trong lĩnh vực giảm rác thải nhựa…
“Dựa trên kinh nghiệm triển khai phương pháp giáo dục hành động trong tuyên truyền giảm nhựa tại dự án “Giảm thiểu RTN đại dương’” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tại Phú Quốc, dự án TVA đã điều chỉnh bộ công cụ GDHĐ phù hợp với thực tế quản lý chất thải rắn tại thành phố Huế đối với hộ gia đình và hộ kinh doanh quy mô nhỏ sau 3 giai đoạn thực hiện từ 2023 - 2024. Bộ công cụ GDHĐ thường bao gồm bảng kiểm, sổ tay dành cho người hướng dẫn và các công cụ hỗ trợ tuyên truyền”, ông Nguyễn Ngự Giao thông tin.
Việc áp dụng phương pháp GDHĐ được dự án TVA triển khai trong 3 giai đoạn. Từ tháng 5/2023, Dự án đã phát triển công cụ và đội ngũ tuyên truyền viên để thực hiện truyền thông giảm rác thải nhựa tại 8 phường/xã, tập trung vào hộ gia đình và cơ sở kinh doanh. Sau 3 tháng thử nghiệm thành công, từ tháng 10/2023, dự án mở rộng truyền thông đến 19 phường/xã. Giai đoạn 3 (từ tháng 4/2024 đến tháng 10/2024) triển khai tại 26 phường/xã, áp dụng phương pháp GDHĐ để thay đổi hành vi giảm nhựa. Hiện, phương pháp đã được mở rộng thực hiện triển khai tại 31 phường trên địa bàn thành phố.
Trò chuyện, trao đổi sau mỗi buổi tuyên truyền |
Thay đổi hành vi, thói quen
Sau thời gian thực hiện, hoạt động tuyên truyền thay đổi hành vi giảm nhựa áp dụng phương pháp GDHĐ đã đạt được nhiều thành quả tích cực: 25.921 hộ gia đình được tuyên truyền giảm nhựa với 68.008 lượt thăm hộ; 492 cơ sở kinh doanh được tuyên truyền giảm nhựa với 1.214 lượt thăm hộ; giảm được trên 18 tấn rác thải nhựa…
Ban đầu, nhiều hộ gia đình còn ái ngại trong vấn đề phân loại rác thải, nhưng sau khi được những tuyên truyền viên chia sẻ về lợi ích của phân loại rác thì hầu hết người dân đều hưởng ứng. Theo thống kê của WWF – Việt Nam, có 99% hộ gia đình đã tiến hành phân loại rác tái chế tại nguồn, 98% hộ gia đình mang theo vật dụng cá nhân hoặc từ chối sử dụng bao bì ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, ước tính giảm được 2 triệu túi ni lông và hơn 800.000 các loại nhựa dùng một lần khác.
“Đối với các cơ sở kinh doanh, họ nhận được sự hỗ trợ từ dự án TVA bao gồm 2.550 ống hút giấy/gạo/tre/inox, 6.542 ly giấy/hộp giấy, 1.350 túi giấy và 195 bảng truyền thông. Qua quá trình áp dụng phương pháp GDHĐ, 100% các cơ sở kinh doanh đặt bảng tuyên truyền do dự án cung cấp, 96% các cơ sở tiến hành phân loại rác tái chế và 90% cơ sở khuyến khích khách hàng mang vật dụng cá nhân khi mua hàng”, ông Nguyễn Ngự Giao cho hay.
Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, phương pháp GDHĐ đã góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại rác thải nhựa và giảm nhựa ở hai đối tượng là hộ gia đình và hộ kinh doanh, với các hoạt động cụ thể nhằm khuyến khích, tăng cường việc giảm sử dụng nhựa dùng một lần như mang túi/giỏ/hộp đựng cá nhân khi đi mua sắm, chủ động giảm thiểu từ phía các cơ sở kinh doanh, tăng cường tham gia hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng và "Ngày Chủ nhật xanh".
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc dự án TVA cho rằng, việc thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng trong phân loại, xử lý rác thải và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần không phải là điều dễ dàng. “Nhờ sự hăng hái của những tuyên truyền viên, chúng ta đã tạo nên bước đầu đầy vững chắc. Chúng tôi kỳ vọng, từ những tuyên truyền viên hiện tại và người dân đã được tuyên truyền, phong trào giảm rác nhựa và phân loại rác tại nguồn sẽ tiếp tục lan tỏa rộng khắp toàn thành phố, trở thành nếp nghĩ, cách làm hàng ngày của mỗi người dân Huế”.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/giao-duc-hanh-dong-trong-giam-rac-thai-nhua-150500.html
การแสดงความคิดเห็น (0)