Khánh HòaChuyến khảo sát do 36 nhà khoa học Việt – Nga thực hiện trên vùng biển Việt Nam trong gần 20 ngày đã thu thập hàng nghìn mẫu vật nghiên cứu.
Thông tin được nêu tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 8 bằng tàu “Viện sĩ Oparin” trong vùng biển Việt Nam chiều 8/6, do Viện Hải dương học (Nha Trang) tổ chức. Cuộc khảo sát với mục tiêu bổ sung, cập nhật dữ liệu về đa dạng sinh học, tiềm năng tái tạo nguồn lợi, duy trì nguồn giống thủy sản; thu thập mẫu vật phục vụ nghiên cứu hóa sinh, vi sinh, tìm kiếm các hoạt chất sinh học, đánh giá chất lượng môi trường.
Tàu “Viện sĩ Oparin” cập cảng Nha Trang hôm 17/5, thực hiện khảo sát tại 11 khu vực vùng biển Nha Trang đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã thực hiện cào đáy thu mẫu tại 8 trạm, lặn khảo sát tại 20 trạm, thu được 3.640 mẫu sinh vật biển, 4.020 số liệu đo đạc và 4.044 ảnh tư liệu. Các nhà khoa học Việt Nam cũng mang một số thiết bị hiện đại như Trios… để đo phổ phản xạ nước biển.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Long (Trưởng đoàn khoa học của Việt Nam) và TS. Dmitrii Palageev (Trưởng đoàn khoa học Liên bang Nga) cho biết, ngoài lấy mẫu, các nhà khoa học cũng tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính sinh học từ các mẫu thu được trong chuyến khảo sát Oparin 7, định hướng phát triển các nghiên cứu so sánh đối chiếu trong hai chuyến khảo sát gần nhất.
Các nhà khoa học hai bên sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu về đa dạng loài trên vùng bãi ngầm, rạn san hô, vùng biển sâu; nghiên cứu hiện trạng rạn san hô, tiềm năng phân lập các chất có hoạt tính sinh học từ một số loài sinh vật biển… khảo sát phân bố trên thực địa của rong và cỏ biển phục vụ giải đoán ảnh vệ tinh. Những kết quả phân tích sẽ được các nhà khoa học hai viện hàn lâm cùng sử dụng và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.
GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực, sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong từng công việc trên biển để cùng hoàn thành nhiệm vụ của các nhà khoa học hai viện hàn lâm. Ông cho rằng, việc chia sẻ số liệu thu thập trong chuyến khảo sát, là tiền đề quan trọng để các nhà khoa học hai nước xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng nhau phân tích sâu hơn một số lượng mẫu vật lớn đã thu được.
Trong chuyến khảo sát thứ 7, thực hiện năm 2021 bởi 16 nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 19 chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu phân tích thành phần hóa học và đánh giá tiềm năng sử dụng trong y dược tại các trạm khảo sát trong vùng biển Đông đồng thời thu thập, ghi nhận các số liệu quan trắc phục vụ nghiên cứu môi trường.
Ở lần thứ 6 thực hiện hồi tháng 7 năm 2018, tàu nghiên cứu biển “Viện sĩ Oparin” khảo sát 14 ngày tại các vùng biển Việt Nam. Nhà khoa học hai nước tìm hiểu thành phần rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất trong vi sinh vật biển… khai thác ở độ sâu 500 m trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau.
Ở lần thứ 5, thực hiện năm 2015, tàu đã đến Việt Nam khảo sát trên vùng biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở độ sâu 400 m.
Tàu “Viện sĩ Oparin” dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn. Tàu có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Oparin còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn, thu mẫu ở vùng biển sâu. Chuyến khảo sát thuộc “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS).
Bùi Toàn