Tàu nghiên cứu Mặt Trăng của NASA chụp nhanh khoảnh khắc Danuri, tàu vũ trụ Hàn Quốc đang hoạt động với quỹ đạo gần như song song, lao vụt qua.
NASA công bố loạt hình ảnh ghi lại Danuri hay KPLO, tàu quỹ đạo Mặt Trăng do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc vận hành, bay qua bề mặt Mặt Trăng với tốc độ cao, Newsweek hôm 9/4 đưa tin. Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LRO) của NASA chụp những hình ảnh này vào ngày 5 – 6/3, khi hai con tàu di chuyển theo quỹ đạo gần như song song nhưng ngược chiều.
Trong loạt ảnh đen trắng mới công bố, Danuri trông giống một đường kẻ nhòe mờ cắt ngang qua bề mặt Mặt Trăng. Những bức ảnh này do nhóm vận hành LRO tại Trung tâm bay Vũ trụ Goddard chụp lại bằng camera góc hẹp khi con tàu tiếp cận Danuri đủ gần.
Kể cả khi thời gian phơi sáng của camera rất ngắn, hình ảnh về Danuri vẫn bị nhòe gấp 10 lần kích thước thật theo hướng di chuyển ngược lại do vận tốc tương đối giữa hai tàu vũ trụ rất cao, khoảng 11.500 km/h. Vận tốc này đòi hỏi nhóm vận hành phải căn thời gian rất tinh tế để camera quay sang đúng hướng vào đúng thời điểm.
“Cần nói rõ, tàu quỹ đạo Danuri không phải là một khối pixel mảnh khảnh kỳ quặc – đó là một tàu quỹ đạo trông khá bình thường. Tuy nhiên, tốc độ khủng khiếp khiến nó bị nhòe trong camera của LRO”, Paul Byrne, phó giáo sư về khoa học hành tinh, môi trường và Trái Đất tại Đại học Washington St. Louis, giải thích.
LRO được Trung tâm bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA phóng vào năm 2009 nhằm nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng và trả lời các câu hỏi cơ bản về nguồn gốc, sự tiến hóa của thiên thể này cùng với Trái Đất. Quỹ đạo của LRO nằm ở độ cao khoảng 50 km so với bề mặt Mặt Trăng.
Trong khi đó, Danuri được phóng lên từ Mỹ bằng tên lửa SpaceX vào tháng 8/2022. Con tàu giúp kiểm chứng các công nghệ cần thiết để tiếp cận và khám phá Mặt Trăng. Nó sẽ đo lực từ trên bề mặt Mặt Trăng, đánh giá các nguồn tài nguyên và lập bản đồ địa hình để giúp lựa chọn những điểm hạ cánh trong tương lai. Danuri bay vòng quanh Mặt Trăng với chu kỳ quỹ đạo khoảng hai giờ.
Thu Thảo (Theo Newsweek)