Tạo điều kiện phát triển thể thao thành tích cao; nâng cao hiệu quả hoạt động thú y cấp xã
Tại Kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh khóa XIII đã thông qua 2 nghị quyết với những chính sách hỗ trợ được giới thể thao rất mong đợi. Cùng với đó là nghị quyết giúp kiện toàn hệ thống thú y cấp xã, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chăn nuôi, thú y. Báo Bình Ðịnh giới thiệu 3 nghị quyết này.
1. Nghị quyết Quy định chế độ dinh dưỡng, tiền công huấn luyện, tập luyện thường xuyên và chế độ tiền thưởng đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh Bình Định
Đối tượng áp dụng là HLV, VĐV thể thao thành tích cao tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu tại các đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu tỉnh. HLV,VĐV được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh quyết định triệu tập và cử đi thi đấu lập thành tích tại các giải thể thao quốc gia, quốc tế. Các đoàn VĐV được cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, địa phương, đơn vị cử tham gia thi đấu lập thành tích tại các giải thể thao cấp quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh.
Theo nghị quyết, sẽ hỗ trợ chế độ dinh dưỡng hằng ngày đối với HLV và VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh trong toàn bộ thời gian tập trung tập luyện, huấn luyện thường xuyên, với mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/người/ngày đối với HLV, VĐV đội tuyển tỉnh; 160 nghìn đồng/người/ngày đối với HLV, VĐV đội tuyển trẻ tỉnh; 120 nghìn đồng/người/ngày đối với HLV, VĐV đội tuyển năng khiếu tỉnh.
Trong thời gian HLV, VĐV của tỉnh tập trung tập huấn và thi đấu thì mức chi thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND của HĐNĐ tỉnh và Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
VĐV điền kinh của tỉnh tập luyện tại SVĐ Quy Nhơn. Ảnh: H.THU |
Về chế độ tiền công đối với HLV và VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh trong thời gian tập trung tập luyện, huấn luyện thường xuyên; đối với HLV, VĐV không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được hưởng chế độ tiền công theo ngày thực tế tập luyện, huấn luyện thường xuyên, cụ thể là 26 ngày/tháng/người, được tính 12 tháng/năm. Mức tiền công 140 nghìn đồng/người/ngày đối với các HLV đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội năng khiếu tỉnh và VĐV đội tuyển tỉnh; tiền công 70.000 đồng/người/ngày đối với VĐV đội tuyển trẻ tỉnh; tiền công 50.000 đồng/người/ngày đối với VĐV đội năng khiếu tỉnh.
Đối với HLV, VĐV đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được hưởng nguyên tiền lương hiện có; được hưởng khoản tiền bù chênh lệch trong trường hợp mức lương hiện có tính bình quân theo số ngày làm việc bình thường trong tháng (chia cho 26 ngày) thấp hơn so với mức tiền công quy định nêu trên.
Nghị định quy định cụ thể mức tiền thưởng cụ thể đối với VĐV, HLV đạt thành tích thi đấu (cá nhân, môn thể thao tập thể, môn thể thao có nội dung thi đấu đồng đội) tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc, giải vô địch quốc gia; giải cúp vô địch quốc gia, giải vô địch trẻ quốc gia; giải trẻ quốc gia và các giải thể thao cấp quốc gia khác; giải phong trào và khu vực (trong nước); các kỳ đại hội TDTT cấp tỉnh và các giải thể thao cấp tỉnh hằng năm.
HLV của tỉnh đào tạo VĐV tham gia thi đấu đạt thành tích tại các giải thi đấu khu vực Đông Nam Á, châu Á, thế giới; HLV, VĐV của tỉnh tham gia thi đấu đạt thành tích tại các giải thi đấu khu vực Đông Nam Á, châu Á, thế giới thì được thưởng thêm bằng 30% mức thưởng theo quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Giám đốc Sở VH&TT BÙI TRUNG HIẾU: Tạo “cột mốc” quan trọng cho thể thao thành tích cao Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hằng ngày, chế độ tiền công, chế độ tiền thưởng theo quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐNĐ tỉnh trước đây đã được áp dụng qua nhiều năm, không còn phù hợp thực tiễn. Tất cả HLV, VĐV thời gian qua rất trông đợi có chế độ mới tốt hơn. Nghị quyết Quy định chế độ dinh dưỡng, tiền công huấn luyện, tập luyện thường xuyên và chế độ tiền thưởng đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh, cùng Nghị quyết Quy định một số chính sách đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh Bình Định đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao trong nước và quốc tế được thông qua tại Kỳ họp thứ 11 HĐND, nhanh chóng được thông tin đến HLV, VĐV để hòa chung niềm vui. Thời gian tới, Sở VH&TT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện theo quy định mới, tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc chăm lo cho VĐV, đảm bảo hơn chế độ dinh dưỡng, kích thích VĐV không ngừng phấn đấu tập luyện để cống hiến cho thể thao thành tích cao của tỉnh. ● HLV Đội tuyển điền kinh tỉnh HUỲNH MINH HIẾU: Đáp ứng tốt hơn điều kiện huấn luyện, tập luyện Hiện môn điền kinh có 2 HLV, 35 VĐV ở 3 đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội năng khiếu tỉnh. Để đạt thành tích cao, VĐV cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, có thực phẩm chức năng hỗ trợ. Thầy trò chúng tôi hết sức phấn khởi khi nghị quyết được thông qua đã nâng mức dinh dưỡng cho HLV, VĐV đội tuyển tỉnh so với trước đây được thêm 100 nghìn đồng/người/ngày; HLV, VĐV đội tuyển trẻ thêm 70.000 đồng/người/ngày; HLV, VĐV năng khiếu thêm 40.000 đồng/người/ngày. Đồng thời, mức tiền công HLV, VĐV được nâng lên và hưởng 26 ngày/tháng thay vì 22 ngày/tháng như trước đây; mức tiền thưởng cho huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc cũng được nâng lên. Điều này giúp cho VĐV yên tâm tập luyện, HLV mạnh dạn đưa vào các bài tập với lượng vận động lớn hơn, vất vả hơn, động viên và hướng đến VĐV đạt thành tích cao hơn tại các giải đấu. |
2. Nghị quyết Quy định một số chính sách đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh Bình Định đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao trong nước và quốc tế
Đối tượng áp dụng cho VĐV, HLV thể thao thành tích cao tập trung huấn luyện, tập luyện, tập huấn và tham gia thi đấu tại đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu tỉnh.
VĐV Trần Võ Song Thương đoạt HCV hạng cân 60 kg môn Kun Bokator tại SEA Games 32. Ảnh: NVCC |
HLV, VĐV sau khi lập thành tích xuất sắc tại đại hội thể thao, giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia, khu vực, châu lục, thế giới được hưởng chính sách đãi ngộ như sau (xem bảng biểu).
Đơn vị tính: triệu đồng/người/tháng | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
HLV, VĐV lập tích tại các kỳ đại hội thể thao khác các giải ở trên, có quy mô Đông Nam Á, châu Á, thế giới; các giải thi đấu thể thao vô địch trẻ thế giới, châu Á, Đông Nam Á khác được hưởng chính sách đãi ngộ với mức hưởng bằng 50% mức hưởng tương ứng quy định trên, thời gian hưởng 12 tháng.
VĐV nêu trên khi đạt đẳng cấp trong hệ thống thi đấu các giải thể thao được hưởng chính sách hỗ trợ trong 12 tháng, mức hỗ trợ cụ thể: VĐV kiện tướng (2 triệu đồng/người/tháng), VĐV cấp 1 (1 triệu đồng/người/tháng)
Mức đãi ngộ đối với HLV, VĐV sau khi lập thành tích tại các giải nêu trên chỉ áp dụng đối với thi đấu nội dung cá nhân ở các môn. Đối với thi đấu nội dung từ 2 người trở lên, môn thi đấu tập thể, thì mỗi HLV, VĐV được hưởng 50% mức hưởng của nội dung cá nhân.
HLV đội tuyển võ cổ truyền đối kháng, đội tuyển kickboxing tỉnh TRẦN ĐÌNH ĐÔ: Tạo động lực quan trọng để HLV, VĐV phấn đấu ở đấu trường quốc gia, quốc tế Để đạt thành tích cao ở các giải quốc gia, quốc tế, đòi hỏi VĐV phải không ngừng tập luyện với nỗ lực cao nhất, thi đấu với tinh thần quyết tâm nhất. Ngoài việc khen thưởng kịp thời sau khi đạt thành tích cao, cần có sự khuyến khích, động viên về lâu dài hơn để hướng đến những giải đấu tiếp theo. Yêu cầu quan trọng này đã được đáp ứng khi lần đầu tiên tỉnh có được Nghị quyết Quy định một số chính sách đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao trong nước và quốc tế, với những mức đãi ngộ rất tốt, ghi nhận những cống hiến, góp phần khuyến khích việc huấn luyện, tập luyện, thi đấu và cải thiện đời sống của HLV, VĐV có thành tích xuất sắc. Tôi cùng 3 VĐV của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đang tập trung Đội tuyển kickboxing quốc gia, sẽ tiếp tục phấn đấu huấn luyện, tập luyện hết mình để đạt thành tích cao tại các giải quốc tế, trước mắt là trong năm nay. ● VĐV TRẦN VÕ SONG THƯƠNG: Rất phấn khởi, quyết tâm hướng đến những mục tiêu mới Từ cuối tháng 6.2023 đến nay, tôi tập trung tập luyện cùng Đội tuyển kickboxing quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Biết được thông tin từ thầy về hai nghị quyết rất quan trọng đối với thể thao thành tích cao tỉnh, trong đó có chính sách đối với HLV, VĐV thể thao tỉnh đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao trong nước và quốc tế, tôi rất vui mừng. Đối với VĐV còn trẻ (23 tuổi) như tôi, chặng đường phấn đấu hướng đến những mục tiêu thành công tại các giải quốc gia, quốc tế vẫn còn dài, nên càng thấy được khuyến khích nhiều hơn từ chính sách này. Năm nay, sau khi đoạt HCV môn Kun Bokator ở SEA Games 32, tôi đang hết sức nỗ lực tập luyện, phấn đấu đạt thành tích môn kickboxing ở đấu trường quốc tế thời gian tới. |
3. Nghị quyết kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh
Nghị quyết này nhằm thay thế Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐND ngày 26.7.2006 của HĐND tỉnh cho phù hợp với Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 5.8.2016 của Bộ NN&PTNT về quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn. Nghị quyết sẽ đảm bảo tổ chức, thực hiện các hoạt động chăn nuôi, thú y có hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phát triển chăn nuôi bền vững. Đồng thời, Nghị quyết cũng sẽ giúp việc tổ chức quản lý tốt hoạt động hành nghề của lực lượng thú y hành nghề tư nhân; thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ và gắn trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương…
Nghị quyết về kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh được thông qua sẽ đảm bảo tổ chức thực hiện các hoạt động chăn nuôi, thú y có hiệu quả. Ảnh: Đ.T |
Về nội dung, nghị quyết này quy định số lượng, chế độ đối với nhân viên thú y các xã, phường, thị trấn (gọi chung là nhân viên thú y cấp xã) trên địa bàn tỉnh (trừ các xã, phường, thị trấn không có chăn nuôi theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền). Đối tượng áp dụng của nghị quyết là nhân viên thú y cấp xã; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo nghị quyết, tiêu chuẩn của nhân viên thú y cấp xã gồm: Có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về: Thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản. Đối với địa bàn cấp xã thuộc khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, nhân viên thú y cấp xã có trình độ sơ cấp trở lên một trong các chuyên ngành quy định nêu trên.
Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Biết nắm bắt và đánh giá được tình hình phát triển chăn nuôi động vật, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý; có kiến thức nhận biết dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; có năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện công tác thú y…
Về số lượng: Mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí 1 nhân viên thú y và được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng hệ số 1,3 nhân với mức lương cơ sở hiện hành. Đồng thời, nhân viên thú y cấp xã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và được hỗ trợ 100% mức phí đóng BHYT theo quy định. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí chi trả phụ cấp, hỗ trợ BHYT và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ…
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) HUỲNH NGỌC DIỆP: Giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực Lực lượng thú y cơ sở (cấp xã, cấp thôn) hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2006, góp phần phát huy hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại địa phương. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp cho lực lượng thú y cấp xã quá thấp (400 nghìn đồng/tháng từ năm 2006, nâng lên hệ số 1,0 nhân với mức lương cơ bản từ năm 2012), không có chế độ BHYT…, chưa tương xứng với công sức phục vụ. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện gây áp lực lớn cho thú y cấp xã, dẫn đến nhiều người nghỉ việc; việc này tác động rất lớn đến công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh và tổ chức phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Từ những vấn đề nêu trên, nghị quyết được thông qua sẽ giúp hệ thống thú y cấp xã được kiện toàn; từ đó tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện dịch bệnh để phối hợp bao vây, xử lý, duy trì khống chế dịch bệnh, giảm chi phí tổ chức chống dịch. Đồng thời, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn thực hiện quản lý chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, quản lý dịch bệnh động vật và thúc đẩy tăng trưởng phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương. Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước PHẠM QUANG ÂN: Nhanh chóng triển khai nghị quyết để lực lượng thú y cơ sở sớm được hưởng lợi Công việc của người làm thú y ở cấp xã được giao ngày càng nhiều, trách nhiệm lại cao nhưng chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nên không thu hút sự tham gia, thiếu ràng buộc trách nhiệm. Hơn hết, thú y là nghề độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với vi trùng, với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm, lại nguy hiểm vì đối diện với vật nuôi hung hãn mỗi khi tiêm phòng và chữa bệnh, phải di chuyển rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… Vì vậy, tôi rất vui mừng khi nghị quyết được thông qua. Mong rằng các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai thực hiện nghị quyết để lực lượng thú y ở cơ sở sớm được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ. |
HOÀI THU – HỒNG PHÚC (Thực hiện)