KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27.7.1947 – 27.7.2023)
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Châu: Vì tôi là bộ đội Cụ Hồ!
Năm 2015, cựu chiến binh Phạm Ngọc Châu xung phong làm một “đầu mối” trong hành trình di chuyển hài cốt liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Campuchia từ nghĩa trang liệt sĩ tỉnh bạn về các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh. Gần 10 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn và áp lực, ông Châu vẫn đặt trọn tâm huyết vào công việc “vác tù và hàng tổng” này.
“Nếu không có chú Châu…”
Câu nói nghẹn lại, cùng lúc những giọt nước mắt tuôn rơi trên gương mặt chị Nguyễn Thị Kiều Linh (con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Bốn, quê ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Chưa từng nhìn thấy mặt ba thì hay tin ba hy sinh, rồi mẹ tái giá, chị luôn khao khát được đưa ba về ở gần mình. Ôm thật chặt chiếc quách đựng hài cốt, chị thì thầm: “Nếu không có những CCB đầy tình nghĩa như chú Châu thì có khi cả đời này khao khát ấy sẽ không bao giờ thành hiện thực”.
Ngày 15.7, hài cốt của liệt sĩ Bốn cùng với 4 hài cốt liệt sĩ khác đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), xã Phước Nghĩa, Phước Hưng và thị trấn Tuy Phước.
● Ông có nhớ đã góp phần đưa bao nhiêu hài cốt của liệt sĩ về Bình Định không?
– Tôi không nhớ nổi đâu. Chỉ nhớ là nghỉ hưu năm 2013, biết được anh em, đồng đội các tỉnh hỗ trợ gia đình, thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về quê, tôi bắt tay ngay vào việc. Nhiều nhất là giai đoạn 2015 – 2018; dạo đó, có năm làm hai đợt, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27.7 và kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22.12, di chuyển hơn 10 hài cốt liệt sĩ về quê. Bây giờ thì ít dần đi, mỗi năm một đợt với khoảng 5 – 7 hài cốt liệt sĩ.
● Trong hành trình đưa hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang tỉnh bạn về Bình Định, ông tham gia vào những khâu nào, thưa ông?
– Theo phân công của anh em trong Chi hội Nghĩa tình người lính (trực thuộc Ban Liên lạc Đồng đội chiến trường Campuchia), tôi phụ trách chính khâu giúp thân nhân liệt sĩ quê Bình Định làm giấy tờ, hồ sơ cho người nhà, giúp họ hoàn thành những thủ tục hành chính theo quy định, bởi khá nhiều người nhà liệt sĩ là dân lao động. Tôi có thuận lợi là sau khi xuất ngũ, về Bình Định công tác trong ngành ngân hàng, hiểu và nắm quy định pháp luật có liên quan. Đó là việc chính của tôi, tuy nhiên, đa số người nhà liệt sĩ nhờ tôi làm “tất tần tật”.
Vì tình đồng đội…
Ông Phạm Ngọc Châu năm nay 70 tuổi, sống ở TP Quy Nhơn. Ông từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia giai đoạn 1978 – 1982 trong biên chế của Đại đội 11, Trung đoàn 93, Sư đoàn 2, Quân khu 5. |
Nhận thấy đa số người thân, người thờ cúng liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn đều chỉ dùng số tiền Nhà nước hỗ trợ theo quy định để lo cho mọi việc di chuyển hài cốt về nhà; vậy nhưng, từ Bình Định vào một số tỉnh phía Nam như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… nhận hài cốt rồi quay về, ông Châu tính nếu đi riêng lẻ từng gia đình thì chi phí không đủ. Vậy là, ông lập danh sách liệt sĩ theo từng xã, phường, cung cấp cho anh em CCB phía Nam, nhờ họ tìm một lần vài liệt sĩ, để trang trải đủ kinh phí đưa về một lúc. Mới đây, Chi hội Nghĩa tình người lính đã tự nguyện quyên góp để tài trợ miễn phí đợt di chuyển 5 hài cốt về Bình Định vào ngày 15.7.
● Điều gì thôi thúc ông tự nguyện làm việc này…
– Tôi có ý định đưa đồng đội về quê từ lâu lắm rồi. Năm 1990, khi vào TP Hồ Chí Minh học đại học, tôi đã thuê xe ôm lên tỉnh Tây Ninh, hỏi thăm. Người ta chỉ tôi vào một nghĩa trang rộng mênh mông, đi mãi không biết đường ra. Năm sau, tôi lại vào TP Hồ Chí Minh học đại học đợt 2, họ chỉ tôi đến nghĩa trang huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh). Lúc đến nơi, nhìn thấy đồng đội ở hết đó, tôi mừng rớt nước mắt.
Có rất nhiều thứ đã trở thành “nỗi ám ảnh” gắn chặt tôi với việc này không rời. Đó là hình ảnh người cha hơn 90 tuổi ở phường Đập Đá (TX An Nhơn) lúc nào cũng nghĩ phải đưa con trai về nhà, khi thấy quách của con về tới địa phận TX An Nhơn, cứ chắp tay vái tôi và các anh em CCB. Mình có thể góp sức trong hành trình ấy, sao có thể đứng ngoài.
Ông Phạm Ngọc Châu thường xuyên cập nhật và liên lạc thông tin về hài cốt liệt sĩ với CCB cả nước qua các trang mạng cá nhân. |
● Được biết, lúc đầu ông chỉ đưa đồng đội ở Sư đoàn 2 của mình về nhà…
– Đúng là ưu tiên đồng đội ở Sư đoàn 2 trước. Tuy nhiên, quá trình làm, ai cần tôi cũng giúp hết.
Ngày 15.7 vừa rồi, cùng với việc đưa 5 hài cốt liệt sĩ về nhà, tại huyện Tây Sơn, các cựu binh Việt Nam chiến đấu ở Campuchia đã tề tựu khá đông, tổ chức giỗ trận cho 18 liệt sĩ của Đại đội 18, Trung đoàn 812, Sư đoàn 309. Anh em từ nhiều tỉnh, thành, ở nhiều độ tuổi, cùng thắp hương tưởng nhớ đồng đội cũ, ngồi ôn chuyện cũ, nhắc kỷ niệm xưa, cảm giác như tình thân máu mủ ruột rà với nhau vậy.
Hay trong rất nhiều chuyến di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê, số anh em không có điều kiện đi theo, đã yêu cầu xe dừng dọc đường để họ soạn mâm cơm cúng đồng đội cũ.
Ông Châu hướng dẫn thân nhân làm thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê. Ảnh: N.T |
… và vì tôi là một người lính
Sáng 17.7, ông Châu châm bình trà ngon, ngồi cùng một số người nhà liệt sĩ tại nhà riêng của mình. Ông Đinh Văn Lợi (em rể của liệt sĩ Lý Anh Dũng, quê xã Nhơn Lý) cho hay, đã có người gọi điện thoại hỏi ông Châu có lấy tiền bạc gì không, tại sao ông Lợi không liên hệ thẳng cơ quan chức năng, mà thông qua ông Châu làm gì. “Tôi trả lời họ rằng, đến ly cà phê ông Châu còn giành trả tiền với tôi”, ông Lợi kể.
● Bị mang tiếng là “cò liệt sĩ”, ông có thấy buồn…
– Họ có quyền nghi ngờ, có quyền xác minh. Tôi chỉ nghĩ, mình làm nhiều rồi, mình rành, mình không giúp người nhà liệt sĩ thì tội quá. Người nhà từ huyện về Sở LĐ-TB&XH ở Quy Nhơn làm thủ tục, nhiều người còn không rành đường, thậm chí không biết đi xe máy, nên phải thuê xe ôm từ quê xuống Quy Nhơn, vừa mất tiền xe ôm, còn mất ngày công lao động. Phần tôi thì con cái đã ổn định, cũng rảnh và muốn giúp. Họ thấy tôi đi tới đi lui cực nhọc, nhưng tôi tìm thấy rất nhiều niềm vui trong việc mình làm.
● Chắt chiu nhiều điều tốt đẹp đến vậy, chắc ông còn gắn bó lâu dài với việc này…
– Tôi là CCB mà, sao có thể dừng khi còn những đồng đội chưa được về nhà. Tính của tôi khá cầu toàn, nên ai nhờ gì, tôi đã nhận lời thì phải chu toàn. Mỗi lần đi, tôi lên một danh sách đủ mọi thứ, sợ lỡ vào đến nghĩa trang mà quên thì làm sao đi mua lắt nhắt từng thứ được. Tôi làm nhiều nên quen, kể cả chai rượu nhỏ, rồi ly nhựa, bình bông, vải điều để lót trong quách. Những khoản lớn thì báo số tiền cho người nhà, chứ mấy khoản nhỏ nhỏ thì tôi lo luôn.
Không ít lần, tôi ngồi phác họa trên giấy, rồi gọi thợ hàn đến, đưa tiền bảo đi mua sắt về làm cái giá, để gác “mấy ổng” (quách đựng hài cốt) lên chứ bỏ xuống sàn, thấy tội…
● Xin cảm ơn ông. Chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình đầy nghĩa tình!
“Tôi với anh Châu từng ở cùng một trung đoàn. Anh em gặp lại, phát hiện có chung tâm nguyện di chuyển anh em liệt sĩ về quê nhà, nên gắn bó với nhau rất thân thiết. Anh Châu là người góp công sức rất lớn trong việc đưa 17 liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam về quê nhà Bình Định trong hai năm 2015 và 2016. Chúng tôi đồng cảm với nhau, xem việc tri ân đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống là trách nhiệm phải làm. Không chỉ bỏ công, bỏ sức, hai anh em nhiều lần còn bỏ tiền túi để đưa liệt sĩ về quê hương…”. Ông LÊ THANH, CCB ở tỉnh Bình Dương, thành viên Chi hội Nghĩa tình người lính |
NGỌC TÚ (Thực hiện)