(PLVN) – Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để giải quyết hiệu quả các thách thức trọng tâm trong việc thực thi các FTA thế hệ mới, nhằm tận dụng các cơ hội đang có và khắc phục một số hạn chế, qua đó hướng đến thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.
Hình ảnh minh họa. |
(PLVN) – Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để giải quyết hiệu quả các thách thức trọng tâm trong việc thực thi các FTA thế hệ mới, nhằm tận dụng các cơ hội đang có và khắc phục một số hạn chế, qua đó hướng đến thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.
Có thế nhận thấy, sau đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đang dần phục hồi, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, cùng với những cuộc cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia, tạo ra môi trường kinh tế quốc tế có nhiều biến động.
Để tháo gỡ những khó khăn, thách thức hiện nay, các quốc gia đang tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Mặt khác, nếu quốc gia nào không bắt kịp được xu hướng đổi mới công nghệ, quốc gia đó sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu nghiêm trọng (trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ). Vì vậy, bằng cách tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với nhóm dẫn đầu. Hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã tạo ra những cơ hội mới cho các nước đang phát triển, giúp khắc phục những hạn chế về công nghệ, vốn và nguồn nhân lực, nhanh chóng tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế.
Ngoài ra, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã có những thay đổi đáng kể, với sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do mới trong phát triển kinh tế và xu hướng bảo hộ thương mại. Điều này đặt ra những thách thức mới cho sự phát triển của tiến trình đa phương. Để giải quyết những bất cập của toàn cầu hóa hiện tại, nhiều quốc gia đang hướng tới một mô hình toàn cầu hóa bao trùm, nơi mà các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được thiết lập để đảm bảo rằng lợi ích của tất cả các quốc gia và mọi người dân đều được bảo vệ.
Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với việc tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, là những yếu tố quan trọng để Việt Nam thực hiện đúng các cam kết, từ đó tận dụng thành công những FTA thế hệ mới.
Quá trình cải cách cần đảm bảo tính liên tục, đồng bộ và hiệu quả, không tạo ra các xung đột pháp lí và mâu thuẫn với chính sách, tránh gây ra những xáo trộn không cần thiết cho môi trường kinh doanh, đồng thời tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các nhà đầu tư.
Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới có FTA cũng rất ấn tượng. |
Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các cam kết trong các FTA thế hệ mới, cần tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, trang bị kiến thức chuyên môn, những kĩ năng cần thiết về thông tin các quy định FTA thế hệ mới, các điều kiện, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; từ đó, tận dụng hiệu quả các ưu đãi của các FTA thế hệ mới, đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và nâng cao vị thế của đất nước.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Đây là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Các cơ quan Nhà nước cần tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về các FTA thế hệ mới thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm hay chương trình xúc tiến; đồng thời, cần xây dựng các mạng lưới kết nối để doanh nghiệp có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Chỉ khi đó, hàng hóa Việt Nam mới có thể tạo ra giá trị gia tăng cao và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong những lĩnh vực trọng yếu đang bị gây sức ép cạnh tranh bởi hàng hóa nhập khẩu bên ngoài. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mặt khác, việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng. Để giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không quá phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nhất định. Việc tiếp tục mở rộng hợp tác với các thị trường mới trên thế giới, đặc biệt là các thị trường đang phát triển nhanh, sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu tác động của các biến động kinh tế toàn cầu.
Để thành công trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời chủ động tìm hiểu và cập nhật thông tin về các FTA thế hệ mới. Việc đầu tư vào đào tạo nhân lực và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Thay vì sản xuất ồ ạt, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và đổi mới sáng tạo.
Tại FTA thế hệ mới, những cam kết chặt chẽ hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quy định so với các cam kết tương ứng trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để bảo vệ các sáng tạo của mình và nâng cao giá trị thương hiệu.
Các FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn trên thế giới, điều này cũng đặt ra một số tiêu chuẩn, quy định cao hơn ở Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Nguồn: https://baophapluat.vn/tan-dung-toi-da-co-hoi-tu-cac-fta-the-he-moi-dam-bao-muc-tieu-tang-truong-ben-vung-post535367.html