Thương vụ Việt Nam tại Belarus có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp các bên kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Thông tin cơ bản về quan hệ thương mại Việt Nam – Belarus
Năm 1993, hai nước Việt Nam và Belarus ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định về việc miễn thị thực cho công dân hai nước đi lại lẫn nhau vì việc công.
Năm 1995, ký Hiệp định về việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Belarus về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật.
Năm 1997, hai nước ký Hiệp ước về quan hệ hữu nghị và hợp tác; Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và tài sản.
Năm 1998, Belarus lập Đại sứ quán tại Việt Nam.
Năm 2003, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Belarus.
Năm 2007 – 2009, hai nước ký Hiệp định vận tải hàng không; Hiệp định Lãnh sự; Hiệp định về nguyên tắc hợp tác giữa các cơ quan hành chính địa phương Việt Nam và các cơ quan hành pháp và chỉ đạo địa phương Belarus.
Năm 2011, hai nước đã ký Hiệp định về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau (có hiệu lực từ tháng 6/2013).
Năm 2013, Ký Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Năm 2016, Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (sửa đổi lần thứ nhất năm 2017, sửa đổi lần hai năm 2020).
Năm 2023, ký Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (thay thế Hiệp định ký năm 2011).
Hợp tác thương mại song phương
Việt Nam – Belarus có lợi thế kinh tế bổ sung cho nhau và còn nhiều tiềm năng thúc đẩy thương mại ở nhiều lĩnh vực. Những năm qua, quan hệ song phương giữa hai nước đã ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực, với sự gia tăng độ tin cậy và trao đổi đoàn thường xuyên ở các cấp.
Sáng 8/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Cộng hòa Belarus. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko vào tháng 12/2023 đã mở ra hướng đi mới cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên.
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Belarus đạt 65,3 triệu USD. Tính đến quý I năm 2024, Belarus đã đầu tư 32,25 triệu USD vào 3 dự án tại Việt Nam.
Đặc biệt, với việc Việt Nam đã thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó Belarus là thành viên, đây sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác trong tương lai. Ngoài quan hệ song phương, Việt Nam và Belarus đều là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), đây là điều kiện thuận lợi để hai nước đưa quan hệ hợp tác lên một cấp độ mới, hiệu quả hơn.
Belarus chỉ có hơn 9 triệu dân nhưng là một phần của Liên minh kinh tế Á-Âu với 184 triệu dân có chính sách hải quan đồng nhất, có thể di chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, nguồn vốn và lực lượng lao động với Nga, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Armenia. Belarus cũng có điều kiện kinh doanh bình đẳng, quy định thống nhất về quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn chung về vệ sinh, thú y và kiểm dịch thực vật. Belarus có nền kinh tế mở với hơn 63% giá trị hàng hoá, dịch vụ dành cho xuất khẩu.
Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Belarus là hóa dầu, máy móc, luyện kim, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, sản phẩm từ sữa và thịt, đồ nội thất, thủy tinh, sợi thủy tinh, xi măng. Trong khi đó, Belarus nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô và linh kiện, phụ tùng máy móc, thiết bị công nghệ.
Hai nước cũng có thể hợp tác cung ứng sản xuất ô tô, phương tiện vận tải hành khách bằng điện, máy móc phục vụ xây dựng. Bên cạnh đó, ngành y tế, dược liệu của Belarus cũng rất phát triển và có thể hợp tác, chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển ngành y tế chất lượng cao.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Marketing và Nghiên cứu giá cả Quốc gia Belarus với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Moit |
Thuận lợi và khó khăn khi xuất khẩu vào Belarus
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Belarus đạt 65,3 triệu USD. Theo Thương vụ Việt Nam tại Belarus, Việt Nam có cơ hội tăng số lượng hàng lương thực thực, thực phẩm, tiêu dùng xuất khẩu vào Belarus. Tuy nhiên, hiện tại, vận tải và thanh toán vẫn là những khâu gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận, đầu tiên là chi phí sẽ cao khiến cho hàng hóa khi nhập khẩu về sẽ có giá cao kém khả năng cạnh tranh.
Thanh toán cũng sẽ khó khăn khi hầu hết các ngân hàng do lệnh cấm vận trong thời gian tới được dự đoán là sẽ dừng chuyển các khoản tiền bằng ngoại tệ là USD và Euro. Rất nhiều các công ty Belarus đã chuyển sang ký hợp đồng bằng đồng nội tệ, Rúp Nga, Nhân dân tệ của Trung Quốc, Rupi Ấn Độ… với các đối tác nước ngoài. Điều này sẽ gây tâm lý lo ngại với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó, có doanh nghiệp Việt Nam khi muốn khai thác thị trường, tìm kiếm đối tác và giao dịch với các doanh nghiệp Belarus.
Địa chỉ thương vụ: Minsk 220030, Krasnoarmeyskaia 22A/67, Belarus. Điện thoại: (375)172-260647; Fax: (375)172-260647; Email: [email protected]. Tham tán: Ông Nguyễn Tiến Phượng. |
Nguồn: https://congthuong.vn/tong-quan-ve-thuong-vu-viet-nam-tai-belarus-366974.html