Thời cơ “chín muồi” để phát triển nội lực nền kinh tế - Bài 3: Những khuyến nghị nâng tầm doanh nghiệp Việt

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam21/02/2025

(PLVN) -  Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng rất cao và để hiện thực hóa mục tiêu này, cần tạo dựng một khát vọng xuyên suốt. Từ đó sẽ có những cải cách đột biến để tạo không gian rộng mở cho doanh nghiệp Việt có động lực phát triển.


Một khát vọng xuyên suốt...

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, hiện nay Chính phủ đang đưa ra những mục tiêu phát triển khá cao trong giai đoạn tới và điều này không hề dễ để thực hiện. “Nhưng khi đã đặt ra kỳ vọng thì chúng ta phải đưa kỳ vọng ấy thành khát vọng xuyên suốt từ người lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ thực thi và cộng đồng DN. Tất cả lãnh đạo các cấp, lãnh đạo - thủ trưởng của tất cả các đơn vị phải có khát vọng. Từ khát vọng ấy sẽ tìm ra, đưa ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn để hiện thực hóa kỳ vọng và từ đó phát triển nội lực kinh tế Việt Nam” - ông Lâm chia sẻ.

Việt Nam hiện đang có lợi thế phát triển từ một cuộc cách mạng lớn về thể chế với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy. Đó là nỗ lực để giảm bớt đầu mối, bớt khâu trung gian, bớt thủ tục hành chính. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ quyền lực, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, làm tăng thủ tục hành chính. Từ việc cải cách này, môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn, DN sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và có không gian để phát triển những nội lực của mình.

Theo ông Lâm, ngay lập tức, đi cùng với cuộc cách mạng về thể chế cần có những quyết sách cụ thể để trước mắt có thể giải ngân được vốn đầu tư công. “Trước kia không có tiền, phải thu hút FDI bằng mọi cách mà hiện giờ có tiền không tiêu được. Đó là một nghịch lý cần phải tháo gỡ, giải quyết ngay. Ví dụ, cần có những cải cách thể chế, có những quy định rất độc đáo, khác biệt để đội ngũ thực thi dám làm, dám giải ngân, không sợ khi giải ngân có thể rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Vấn đề cơ bản vẫn là thể chế và vẫn là gắn trách nhiệm với người đứng đầu, phải có người chịu trách nhiệm và đồng thời làm thực sự vì công việc, vì sự vươn lên của đất nước, dân tộc” - ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, những thủ tục gây cản trở các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội hoặc tạo đường đi cho tham nhũng, nhũng nhiễu nên bỏ đi như chuyện “lại quả” trong đấu thầu, như chuyện đơn giá trong các công trình sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Cần phải có cơ chế để những người thực thi có thể được quyền quyết, được quyền thay đổi trong quá trình đầu tư công, tránh triệt để chuyện hiện nay, mỗi lần thay đổi giá lại phải trình lên trình xuống qua vài vòng, vài lượt vẫn chưa được quyết... “Tất nhiên, đi cùng với cơ chế này cũng cần một cơ chế giám sát, hậu kiểm thực sự hiệu quả” - vị chuyên gia lưu ý.

Tạo cơ chế “nuôi lớn” doanh nghiệp

Phát triển nội lực kinh tế đang có những thuận lợi khá lớn. Trước mắt đó là Nghị quyết 41-NQ/TW với những định hướng để hình thành những DN dân tộc, những DN đủ sức dẫn dắt từng ngành, lĩnh vực. Nội lực kinh tế cũng bắt đầu từ cộng đồng DN. “Trong cộng đồng DN thì DN tư nhân là những chủ thể chính, cần phải có các chính sách, biện pháp nâng cao nội lực DN, từ đó đưa họ trở thành chủ thể phát triển kinh tế” - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá: “Nội lực của Việt Nam lớn lắm, từ khối DN tư nhân đến DN nhà nước. Vấn đề quan trọng là làm sao Nhà nước có khuôn khổ chính sách, có cơ chế để tận dụng và phát huy được nguồn nội lực ấy hay không”.

Thực tế, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nếu Việt Nam muốn vươn mình được, muốn phát triển được nội lực thì chúng ta phải có những sản phẩm thuần Việt, tức là có sự phát triển của những DN “đầu đàn”, bao gồm cả những DN nhà nước, DN tư nhân để họ tạo ra được những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Cùng với đó, họ cũng đóng vai trò như một hạt nhân kết nối các DN vừa và nhỏ, để từ đó có được “cái gọi là chuỗi sản xuất” nhưng thuần Việt. Chính từ chuỗi giá trị thuần Việt này mà hình thành được nội lực của riêng mình. Điều này đòi hỏi phải tạo ra cơ chế để những DN lớn của Việt Nam có thể quy tụ được các DN vừa và nhỏ, tạo ra chuỗi sản xuất thuần Việt. Và những cơ chế, chính sách phải được quy định cụ thể, rõ ràng, những ưu tiên, ưu đãi đó phải thực tế và phù hợp với mong muốn của DN.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh ví dụ cụ thể, như cần phải có quy định nếu DN là thương hiệu quốc gia cần được ưu tiên như thế nào về thuế, về tiếp cận vốn, rồi vấn đề phát hành trái phiếu trong nước, nước ngoài ra sao... “Những ưu đãi này phải cụ thể để DN lớn có thể huy động được lượng vốn đủ lớn để từ họ làm được những sản phẩm mang tính tiêu biểu, sau đó có khả năng quy tụ được các DN xoay quanh như một hệ sinh thái sản xuất, từ đó mới xây dựng được chuỗi sản xuất thuần Việt. Khi xây dựng được những chuỗi thuần Việt thì chúng ta mới đứng được trên đôi chân của mình, mới có thể phát huy được nội lực của kinh tế Việt Nam” - PGS.TS Thịnh nói.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khát vọng của DN Việt Nam luôn rất lớn, do đó, cần “cây đũa thần” là thể chế, giám sát thực thi để có thể hiện thực hóa “khát vọng vươn mình”. TS Nguyễn Bích Lâm khẳng định, bây giờ là lúc cần phải vào cuộc mạnh mẽ tạo dựng “đất dụng võ” cho đội ngũ nhân lực thực sự hiểu biết, tâm huyết, vì lợi ích của dân tộc và cần sớm nhìn ra, loại bỏ những cá nhân trục lợi, đặt lợi ích cá nhân xen vào quá trình xây dựng nội lực kinh tế, đặt lợi ích cá nhân lên trên, đánh đổi lợi ích dân tộc.

Vẫn cần tận dụng nguồn lực FDI

Trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tới, khu vực FDI vẫn là một chủ thể quan trọng của kinh tế Việt Nam. Do đó, cần phải từng bước một, quyết liệt đưa được đội ngũ DN Việt vào trong chuỗi sản xuất của khối DN này. Đây cũng là điều mà chúng ta đã đặt ra trong gần 30 năm thu hút vốn FDI nhưng nhiều ý kiến cho rằng, do nội lực DN Việt còn yếu nên cơ hội vào sâu chuỗi sản xuất toàn cầu còn ít.

Báo cáo công bố hồi đầu tháng 12/2024 của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Rất ít DN trong nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thực chất, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác và đáng lo nhất là tỷ lệ này lại còn đang giảm xuống theo thời gian”. Theo đó, chỉ có 18% các DN có liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu trong năm 2023, thấp hơn 17 điểm phần trăm so với năm 2009. Tương tự, chưa đến 40% các DN chế tạo, chế biến của Việt Nam có liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng lại thấp hơn so với năm 2009, là thời điểm 55% DN chế tạo, chế biến có liên kết.

TS Nguyễn Bích Lâm nhận định, thực ra hiện nay Việt Nam vẫn đang dành cho nhà đầu tư nước ngoài những ưu đãi lớn. Do đó, cần phải rà soát lại những dự án FDI và đặt ra điều kiện cụ thể, ví dụ sau bao nhiêu năm phải chuyển giao công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu trong nước như thế nào để phát triển công nghiệp hỗ trợ. “Chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng cũng cần phải đưa ra các điều kiện cụ thể. Ví dụ như ngành bán dẫn chẳng hạn, ít nhất cũng phải yêu cầu công nghệ thế nào, sau bao năm chuyển giao công nghệ, sử dụng đội ngũ lao động Việt Nam ra sao, chỉ bằng cách này thì DN Việt mới có thể có cơ hội lớn mạnh cùng song hành với DN FDI” - TS Lâm đề xuất.

Theo TS Lâm, chính sách hỗ trợ hay thu hút FDI của Chính phủ cần nhắm tới mục tiêu phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực DN trong nước và khu vực DN FDI, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực DN trong nước. Đây cũng là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới khi cho rằng, chính sách kết nối DN đa quốc gia với DN trong nước là một trong những cách để nâng cao nội lực của DN Việt, qua đó nâng cao giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó nội lực của DN Việt mới được củng cố và tiến tới dần làm chủ cuộc chơi ở “sân nhà”.

Quy tụ doanh nghiệp thành một hệ sinh thái
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

“Cần có ưu đãi cho các DN tư nhân. Những ưu đãi này phải cụ thể để DN lớn có thể huy động được lượng vốn đủ lớn để từ họ làm được những sản phẩm mang tính tiêu biểu, sau đó có khả năng quy tụ được các DN xoay quanh như một hệ sinh thái sản xuất, từ đó mới xây dựng được chuỗi sản xuất thuần Việt. Khi xây dựng được những chuỗi thuần Việt thì chúng ta mới đứng được trên đôi chân của mình, mới có thể phát huy được nội lực của kinh tế Việt Nam” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Có chính sách thực thi cam kết đối với doanh nghiệp FDI

TS Nguyễn Bích Lâm.

TS Nguyễn Bích Lâm.

“Phải có chính sách cụ thể để có thể thực thi các cam kết giữa nhà đầu tư FDI với DN trong nước trong việc chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất của họ, dù khi cam kết đầu tư là họ có hỗ trợ nhưng thực sự thấp. Thực tế, khi nhìn vào các đề án, các dự án đầu tư thì đều thấy các cam kết được chỉ ra rất rõ ràng, nhưng không có ràng buộc gì để thực hiện các cam kết này” - chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê).



Nguồn: https://baophapluat.vn/thoi-co-chin-muoi-de-phat-trien-noi-luc-nen-kinh-te-bai-3-nhung-khuyen-nghi-nang-tam-doanh-nghiep-viet-post540387.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available