Việt Nam có nhiều cơ hội để tận dụng và triển khai mô hình Quốc gia thương mại tự do (FTC) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Chuỗi cung ứng toàn cầu: Xu hướng và cơ hội cho Việt Nam” do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức chiều 21/2 tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Thông báo số 418/TB-BCT ngày 17/12/2024 sau buổi làm việc với GS.John Kent về dịch vụ logistics. Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); đại diện các trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Điện lực; Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; Đại học Công nghiệp Việt - Hung; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương; đại diện VALOMA; sinh viên ngành kinh tế, thương mại, logistics.
Việt Nam có nhiều cơ hội triển khai mô hình FTC và FTZ
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, mô hình Khu thương mại tự do (FTZ) và Quốc gia thương mại tự do (FTC) đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế và giảm thiểu các rào cản trong giao thương.
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - phát biểu tại Hội thảo “Chuỗi cung ứng toàn cầu: Xu hướng và cơ hội cho Việt Nam” |
Việt Nam, với vị trí chiến lược quan trọng và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, có rất nhiều cơ hội để tận dụng và triển khai các mô hình này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mở ra nhiều cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội thảo được tổ chức là diễn đàn để cùng trao đổi, thảo luận về những lợi ích, thách thức và khả năng triển khai các mô hình này tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, GS. John Kent đến từ Trường Đại học Arkansas (Hoa Kỳ), đã có bài tham luận về “Sự hình thành các chuỗi cung ứng Mỹ - Trung Quốc, xu hướng chuyển dịch về phía Nam và cơ hội của Việt Nam”. Đây là chủ đề có tác động lớn đến chiến lược thương mại và đầu tư của nước ta trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng được nghe tham luận của nhà khoa học Trần Gia Huy, với chủ đề: “Kết nối giảng dạy và doanh nghiệp - Ví dụ từ Trường Đại học Bách Khoa California, Pomona”. Theo đó, diễn giả sẽ chia sẻ mô hình hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp tại bang California, từ đó rút ra bài học có thể áp dụng để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết lý thuyết với thực tiễn, và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong ngành thương mại quốc tế, logistics và công nghiệp.
Kỳ vọng logistics sẽ trở thành một ngành công nghiệp quan trọng
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – thông tin, logistics không chỉ là những bài học trên giảng đường hay những lý thuyết trong sách giáo khoa, đó là hành trình của khát vọng. Là sinh viên của lĩnh vực năng động này, những lựa chọn mà các bạn đưa ra, những câu hỏi các bạn đặt ra và những giải pháp các bạn thiết kế sẽ quyết định tương lai ngành logistics của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo “Chuỗi cung ứng toàn cầu: Xu hướng và cơ hội cho Việt Nam” diễn ra chiều 21/2, tại Hà Nội |
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Bằng cách tập hợp nhiều bên liên quan, chúng tôi tìm cách thúc đẩy các lộ trình hậu cần toàn diện phục vụ tốt nhất nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, con đường phía trước không phải là không có trở ngại. Biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, mất cân bằng giữa cung và cầu là vấn đề đang phải đối mặt.
“Đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta rằng, khả năng thích ứng chính là sự sống còn”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ và khẳng định, bên trong mọi thách thức đều có cơ hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, năng lượng xanh - đang định hình lại nền kinh tế. Việt Nam, với dân số trẻ và tư duy số hóa, sẵn sàng dẫn đầu. Bên cạnh đó, các nền tảng kỹ thuật số sẽ giúp hợp lý hóa vận tải và kho bãi và các hoạt động hậu cần xanh nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra việc làm.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo |
Logistics có thể đóng vai trò là kênh kết nối thành thị và nông thôn, kỹ thuật với nông nghiệp, cung cấp giải pháp ý nghĩa cho nhiều vấn đề kinh tế - xã hội sẽ có tác động lớn đến tương lai của đất nước.
Bằng cách thúc đẩy các cuộc thảo luận cởi mở và hướng tới tương lai, ông Trần Thanh Hải cho rằng, thông qua đó, có thể khai thác trí tuệ tập thể để tạo ra các giải pháp và sáng kiến đổi mới.
Về lâu dài, ông Trần Thanh Hải kỳ vọng logistics sẽ trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Gửi gắm tâm tư đến sinh viên các trường đại học tham dự hội thảo, ông Hải kêu gọi, cần nghiên cứu các xu hướng toàn cầu nhưng đưa ra những giải pháp phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam. Đồng thời, áp dụng phương pháp học tập liên ngành, kết hợp kinh tế với công nghệ, khoa học môi trường và thậm chí cả nghệ thuật và hãy bắt tay vào công việc thực tập tại một công ty logistics...
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên diễn ra chiều ngày 4/12/2024, GS. John Kent - Trường Đại học Arkansas (Hoa Kỳ) - cũng đã chia sẻ về các khái niệm Quốc gia thương mại tự do (Free Trade Country - FTC), Khu thương mại tự do (Free Trade Zone - FTZ), Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo ông, mục tiêu hướng tới của một quốc gia thương mại tự do đó là tăng lượng hàng hóa lưu thông và giảm chi phí cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Một quốc gia thương mại tự do cũng có thể có đến 10 khu vực thương mại tự do. Một quốc gia thương mại tự do có thể có thêm luật về quản lý Khu vực thương mại tự do. Một quốc gia thương mại tự do cũng cần điều hành bởi luật được viết cho các FTA. Tuy nhiên, Việt Nam đã có 17 FTA trước khi trở thành một quốc gia thương mại tự do, đây là điểm rất đột phá. |
Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-trien-khai-mo-hinh-ftc-375078.html
Bình luận (0)