Việc app VssID cập nhật sai đã gây không ít phiền hà cho người bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Viêm phổi cập nhật thành lao phổi
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện không ít người bệnh tỏ ra bức xúc vì kết quả chẩn đoán bệnh của họ hoàn toàn khác với thông tin được cập nhật trên app VssID.
Nhiều người không để ý đến khi đi mua bảo hiểm nhân thọ, phỏng vấn xin việc mới tá hỏa phát hiện thông tin trên app sai lệch ảnh hưởng đến quyền lợi.
Theo anh H.H. (37 tuổi, Hà Nội), tháng 11-2022 anh đến một trung tâm y tế ở Hà Nội để thăm khám, có chẩn đoán viêm đường hô hấp phải chuyển tuyến lên một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Tại đây anh H. được xác định mắc viêm phế quản, không phải lao phổi.
Tuy nhiên, anh H. không để ý đến thông tin được cập nhật trên app VssID, đến tháng 4-2024 lúc này kiểm tra thông tin trên app mới tá hỏa phát hiện thông tin không trùng khớp với kết quả chẩn đoán bệnh.
Cả hai nơi anh đến khám cập nhật trên app đều là lao. Anh H. đã đến hai cơ sở y tế trên để sửa thông tin.
“Tôi đến hai cơ sở y tế ngay sau khi nhìn thấy thông tin sai để yêu cầu chỉnh sửa, nhưng cả hai nơi đều nói là không sửa được vì hệ thống đã đóng. Bệnh viện nói bác sĩ sẽ ghi vào sổ rồi ký, đóng dấu xác nhận, nhưng điều này cũng không giải quyết được, sau này nếu mua bảo hiểm nhân thọ sẽ rất rắc rối. Tôi đi xin việc họ cũng rất lo ngại bệnh này”, anh H. bức xúc.
Gần đây chị V.H. có chia sẻ lên mạng xã hội trường hợp người chị đi chụp cộng hưởng từ, nhưng kiểm tra VssID lại thấy ghi là đột quỵ.
Một trường hợp khác cho biết mới đây vô tình xem lại lịch sử VssID thấy có lưu vết khám suy nhược thần kinh và đau lưng vào đầu 2018. Theo người này, thời điểm đó chị mới sinh mổ con thứ hai chưa được 20 ngày nên không đi khám.
“Đơn thuốc đều là thuốc đông y trên 623.000 đồng, thời gian từ lúc vào đến về chỉ 11 phút trên VssID” – chị cho hay.
Sửa không dễ
Không ít người dân tham gia bảo hiểm y tế sau khi tải VssID gặp phải tình trạng sai thông tin. Thậm chí từng có trường hợp người dân không khám bệnh nhưng cũng có thông tin đã khám, xét nghiệm tại bệnh viện.
Chị M. (34 tuổi, tỉnh Thái Nguyên) là một “nạn nhân” của việc sai thông tin này. Một lần khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện, sổ khám chữa bệnh hiển thị sáu tên bệnh và ghi “theo dõi” các bệnh lý này. Sau xét nghiệm, chị M. đã có kết quả hoàn toàn bình thường nhưng không được cập nhật lên hệ thống.
Sau đó, chị M. phải hai lần đến bệnh viện yêu cầu xác nhận. Sau khi nhận phản ảnh, bệnh viện đã rà soát lại hồ sơ bệnh án, xác nhận kết quả sức khỏe bình thường và có văn bản đính chính chẩn đoán chị M. không mắc thiếu máu, suy thận… như hiển thị trên ứng dụng VssID.
Lúc này công ty bảo hiểm nhân thọ mà chị M. đang tham gia mới đồng ý tiếp tục bảo vệ quyền lợi theo hợp đồng.
Là người tham gia bảo hiểm y tế, bà Loan (50 tuổi, Hà Nội) cho rằng viết sai thông tin có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, bởi kỹ thuật và xét nghiệm giá thành cao có quy định số lần được thanh toán bảo hiểm trong năm.
“Chụp PET/CT có những trường hợp chỉ thanh toán không quá 2 lần/năm. Nếu “không may” bị ghi nhầm hồ sơ, hệ thống lưu sai thì người bệnh không được chi trả. Lúc ấy bệnh viện rà soát, sửa có kịp đảm bảo quyền lợi cho người bệnh không?”, bà Loan đặt câu hỏi.
Theo thông tin từ một trung tâm y tế tại Hà Nội, thông thường ngay trong ngày thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân sẽ được cập nhật lên VssID. Nếu thông tin sai, có thể do nhân viên y tế ghi sai hoặc do lỗi hệ thống.
“Có thể do nhân viên y tế nhập sai mã số bảo hiểm hoặc do nhập sai mã bệnh, mã xét nghiệm, mã thuốc… Trong trường hợp này, nhân viên y tế phải báo cáo với Bảo hiểm xã hội để mở mã nguồn mới chỉnh sửa được”, vị này thông tin.
Theo một bác sĩ Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, thực tế cũng có trường hợp viết sai do yếu tố khách quan.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp vụ lợi, làm khống hồ sơ để trục lợi quỹ. “Vấn đề này cần nhìn từ ba phía: người dân, bệnh viện và bảo hiểm.
Về phía người dân cũng có trường hợp đúng đã mắc bệnh, chẩn đoán bệnh tại bệnh viện nhưng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ lại quay lại đề nghị bỏ thông tin – trường hợp này bệnh viện không thể can thiệp.
Đối với bệnh viện, người làm hồ sơ, nhập dữ liệu phải trung thực, cẩn trọng tránh những sai sót không đáng có. Khi có sai sót, bất kể người dân có phát hiện ra hay không cũng cần nhanh chóng báo Bảo hiểm xã hội để phối hợp giải quyết.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện khi có yêu cầu chỉnh sửa, có quy định/quy trình rõ ràng để bệnh viện có thể chỉnh sửa thông tin khi sai sót. Bên cạnh đó, hiện nhiều danh mục khám chữa bệnh chưa được chuẩn hóa, cập nhật dẫn đến việc bệnh viện khó khăn trong nhập liệu”, vị này kiến nghị.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức đưa app VssID vào sử dụng từ tháng 11-2020, ứng dụng đã cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội.
Đến nay đang có hàng chục triệu người sử dụng ứng dụng để giám sát, quản lý thông tin tham gia bảo hiểm, thay bảo hiểm y tế bằng giấy… Với số lượng lớn người đang sử dụng, việc cập nhật thông tin chính xác tiết kiệm được thời gian sửa chữa, tránh trục lợi.