Sovico có kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu; Vinaconex-ITC muốn vay công ty mẹ để làm dự án Cát Bà Amatina; 2 tỷ phú Việt ‘bắt tay’ tại dự án trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á;VIMC chốt thời điểm thoái hết vốn tại Vinabridge
T&T Group nhảy vào hàng không; Sovico phát triển trung tâm dữ liệu; 2 tỷ phú Việt ‘bắt tay’ tại dự án lớn nhất Đông Nam Á
Sovico có kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu; Vinaconex-ITC muốn vay công ty mẹ để làm dự án Cát Bà Amatina; 2 tỷ phú Việt ‘bắt tay’ tại dự án trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á;VIMC chốt thời điểm thoái hết vốn tại Vinabridge
T&T Group trở thành cổ đông chiến lược của Vietravel Airlines
CTCP Vận tải và Thương mại Hàng không T&T (T&T Airlines), Công ty TNHH Siêu cảng và Trung tâm Logistics quốc tế T&T (T&T SuperPort), CTCP Quản lý Quỹ BVIM và CTCP Tập đoàn Vietravel đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Vietravel Airlines.
Vietravel Airlines sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi các dự án hạ tầng – logistics – hàng không đã và đang được triển khai của T&T Group |
Như vậy, danh sách cổ đông của Vietravel Airlines tính đến thời điểm này bao gồm: Tập đoàn Vietravel, CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel, T&T Airlines, T&T SuperPort, Quỹ BVIM và 2 cổ đông cá nhân là ông Trần Đoàn Thế Duy và ông Đoàn Hải Đăng.
Vietravel Airlines sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi các dự án hạ tầng – logistics – hàng không đã và đang được triển khai của T&T Group. Cùng với Cảng Quảng Ninh, Cảng hàng không Quảng Trị, “siêu cảng” logistics Việt Nam SuperPort tại Vĩnh Phúc, Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ, Tổ hợp công nghiệp hàng không – logistics – dịch vụ – thương mại – đô thị sân bay tại Quảng Trị và giờ là mảnh ghép quan trọng – Vietravel Airlines, T&T Group đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của vận tải đa phương thức và tạo ra những đột phá mới cho ngành logistics Việt Nam.
“Với tinh thần đã không làm thì thôi, nhưng khi làm thì phải dẫn đầu, T&T Group cam kết sẽ dành nhiều tâm huyết, quyết tâm và các nguồn lực để đưa Vietravel Airlines dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam và khu vực. Cùng với hệ sinh thái của T&T Group, chúng ta sẽ không chỉ cùng bay mà còn mở rộng các dịch vụ mặt đất, dịch vụ hàng không, phát triển theo mô hình, chiến lược mà các hãng hàng không hàng đầu thế giới đang thực hiện; tạo động lực tham gia vào phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel Airlines cho biết, sự tham gia của 3 cổ đông chiến lược là T&T Airlines, T&T SuperPort và Quỹ BVIM sẽ mở ra những cơ hội mới cho Vietravel Airlines để tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng mạng lưới đường bay và nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Việc chuyển nhượng cổ phần này cũng là một bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch đầu tư và phát triển của Vietravel Airlines. Với sự đồng hành của các cổ đông mới, chúng tôi tin tưởng vào tương lai tốt đẹp và bền vững của Vietravel Airlines trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định.
Thành lập vào tháng 4/2020, Vietravel Airlines đã có gần 4 năm hoạt động.
VIMC chốt thời điểm thoái hết vốn tại Vinabridge
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC) sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ 60% vốn góp tại Công ty TNHH Khai thác Container Việt Nam (Vinabridge), với giá chào bán lên đến hơn 25 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ chỉ gần 9,9 tỷ đồng.
Thời gian tổ chức đấu giá vào 14h30 ngày 27/12, tại trụ sở Công ty Đấu giá hợp danh VNA, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tháng 1/2024, HĐQT VIMC đã phê duyệt chủ trương này. Một trong những nguyên nhân chính là do hoạt động kinh doanh của công ty con không được như kỳ vọng.
Thực tế, kết quả kinh doanh mà Vinabridge thật sự ảm đạm, với doanh thu liên tục sụt giảm, đồng thời thường xuyên chịu lỗ trong suốt giai đoạn 2019 – 2023. Trong năm 2023 gần nhất, Vinabridge chỉ mang về gần 49 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 34% so với năm 2022 và sau cùng chịu lỗ sau thuế gần 6,8 tỷ đồng.
Vinabridge trước đây là Công ty Liên doanh khai thác Container Việt Nam, là liên doanh giữa VIMC với hãng tàu K’Line Singapore (Kawasaki Kaisha Kisen) được thành lập ngày 12/04/1995. Đến năm 2015, thời hạn liên doanh kết thúc, Công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH Khai Thác Container Việt Nam.
Vinabridge hiện tại đặt trụ sở tại khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng, chuyên cung cấp dịch vụ khai thác kho hàng lẻ (CFS), depot, giao nhận vận tải, tích hợp logistics.
Trong đợt chào bán công khai này, VIMC sẽ chào bán cho các đối tượng không phải thành viên góp vốn của Vinabridge. Được biết, trong cơ cấu cổ đông được công bố trên bản thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Vinabridge tại ngày 25/01/2024, bên sở hữu 40% còn lại là CTCP Vận tải và Dịch vụ Container Việt Nam (Vincotrans), trên tổng số hơn 16,4 tỷ đồng vốn điều lệ.
Sovico có kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu
Theo thông tin từ Reuters , Tập đoàn Keppel của Singapore và Sovico Group của Việt Nam đang có những cuộc thảo luận về kế hoạch xây dựng cáp quang dưới biển mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của khu vực.
Các quốc gia Đông Nam Á – điểm nối chính của các tuyến cáp nối châu Á với châu Âu, đang tìm cách mở rộng mạng lưới của mình để đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ về các dịch vụ AI và trung tâm dữ liệu. Riêng Việt Nam dự kiến có 10 tuyến cáp ngầm mới vào năm 2030.
Theo một kế hoạch, một tuyến cáp sẽ được lắp đặt để nối trực tiếp Việt Nam với Singapore. Tổng vốn đầu tư có thể rơi vào khoảng 150 triệu USD.
Theo kế hoạch thứ hai, tuyến cáp kết nối với Việt Nam do Sovico phát triển sẽ là một nhánh của một tuyến cáp dài hơn. Nguồn tin cho biết có thể đây sẽ là tuyến cáp ngầm sẽ chạy từ Singapore đến Nhật Bản với các liên kết đến các quốc gia dọc theo tuyến đường.
Nguồn tin của Reuters cho biết, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào.
Vinaconex-ITC muốn vay công ty mẹ để làm dự án Cát Bà Amatina
Lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC) đã có văn bản phê duyệt khoản vay tối đa 300 tỷ đồng từ công ty mẹ Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Dự án khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà Amatina) ở đảo Cát Bà, Hải Phòng |
Công ty con sẽ vay trong vòng 12 tháng tính từ ngày được giải ngân để đầu tư vào dự án khu đô thị du lịch Cái Giá (tên thương mại là Cát Bà Amatina) nằm ở đảo Cát Bà, Hải Phòng; đồng thời sẽ dùng nguồn thu từ dự án này để đảm bảo cho khoản vay.
Cuối quý 3 vừa qua, VCR đang còn phải trả công ty mẹ gần 848 tỷ đồng, sau khi nhận 2,2 ngàn tỷ đồng trong một hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư ký vào năm 2021.
Mới đây, giữa tháng 10, HĐQT VCR cũng chấp thuận việc sẽ vay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) số tiền 2,8 ngàn tỷ đồng cho giai đoạn 3 năm tiếp theo. Công ty còn đang nợ dài hạn ngân hàng này hơn 1,1 ngàn tỷ đồng trong một thỏa thuận vay vốn để làm dự án trên.
Cát Bà Amatina có thể xem là dự án mang tính biểu tượng, không chỉ với VCR mà cả công ty mẹ VCG. Dự án ước tính cần gần 11 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư và VCR đã rót vào đây hơn 4,7 ngàn tỷ đồng, chiếm phần lớn tài sản của doanh nghiệp này nhưng chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, ít nhất là về mặt sổ sách.
Bằng chứng là VCR vẫn chưa thể ghi nhận doanh thu trong 3 quý đầu năm nay, dù đã có khách hàng góp vốn mua đất, đặt chỗ mua biệt thự gần trăm tỷ đồng. Lỗ lớn năm 2023 khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm trầm trọng, đến ngày 30/09 vừa qua đã là 534 tỷ đồng.
2 tỷ phú Việt ‘bắt tay’ tại dự án trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á
Tập đoàn Hòa Phát thông báo sẽ cung cấp 10.000 tấn ống thép cỡ lớn vào dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á tại Đông Anh, Hà Nội. Được khởi công từ tháng 8/2024, dự án do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư |
Với tổng quy mô lên tới 90 ha, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia sẽ trở thành trung tâm triển lãm lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lớn thứ 5 châu Á và thuộc Top 10 thế giới. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện thương mại, triển lãm lớn của Việt Nam và toàn cầu.
Sản phẩm được sử dụng tại dự án là các loại ống thép cỡ lớn để gia công kết cấu thép. Các loại ống gồm: ống tròn đường kính phi 141, 168, 219, 273, 323mm và ống thép vuông . Tổng khối lượng ống thép Hòa Phát cấp vào dự án khoảng 10.000 tấn.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia được chủ đầu tư giao cho 3 nhà thầu kết cấu thép lớn tại Việt Nam là Đại Dũng, ATAD và QH Plus. Đây đều là những đối tác lâu năm của Hòa Phát, trong đó, nhà thầu Đại Dũng nhận cung cấp khối lượng lớn nhất, chiếm tới 60-70% dự án. Nhà thầu này cũng từng tham gia xây dựng sân vận động Lusail Iconic và 974 phục vụ cho World Cup 2022 tại Qatar.
Năng lực sản xuất ống thép của Hòa Phát hiện đạt 1 triệu tấn/năm, số 1 Việt Nam. Ống thép Hòa Phát chất lượng cao, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn khắt khe nhất như ASTM A500 Grade B (Mỹ), hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và ISO 14001: 2015.
Với chất lượng ổn định, trọng lượng đủ đầy, Ống thép Hòa Phát là lựa chọn hàng đầu của các công trình cầu đường, khung kết cấu thép hay giàn chịu lực cho các siêu công trình quốc gia, nhà ga, sân bay, hệ thống ống dẫn khí, dẫn dầu….
Gần đây, ống thép Hòa Phát đã cung cấp vào nhiều dự án trọng điểm quốc gia như dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Long Thành….
Nguồn: https://baodautu.vn/tt-group-nhay-vao-hang-khong-sovico-phat-trien-trung-tam-du-lieu-2-ty-phu-viet-bat-tay-tai-du-an-lon-nhat-dong-nam-a-d232475.html