ANTD.VN – Bộ Tài chính dự kiến bổ sung một số đối tượng ưu đãi thuế để tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, công nghệ cao, công nghệ sinh học… Tuy nhiên, địa bàn ưu đãi thuế sẽ thu hẹp để tránh dàn trải.
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để vừa hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế, cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng bền vững, vừa phát huy vai trò, hiệu quả của chính sách ưu đãi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) về: thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế, chuyển lỗ; sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc, điều kiện ưu đãi thuế TNDN.
Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện chính sách này. Theo đó, bộ đã rà soát, sắp xếp lại các lĩnh vực ưu đãi và địa bàn ưu đãi thuế nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu; tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi lần này sẽ bao quát được hết các ưu đãi thuế tại các văn bản luật |
Ngoài ra, chính sách tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành: dịch vụ chất lượng cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xã hội hóa, bảo vệ môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, đối với lĩnh vực đặc biệt ưu đãi về thuế TNDN, dự thảo bổ sung các lĩnh vực được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020; bổ sung hoạt động cung cấp một số dịch vụ phần mềm quan trọng và sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số cần ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ…
Đối với lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất sắp xếp lại theo hướng, bổ sung các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), cơ sở ươm tạo DNNVV; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV, để đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư.
Ngoài ra, dự thảo lược bỏ lĩnh vực: “tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản”, “phát triển ngành nghề truyền thống”, vì đây là những lĩnh vực mà đối tượng ưu đãi không rõ về tiêu chí để thực hiện.
Đối với địa bàn ưu đãi thuế, Bộ Tài chính cho biết đã rà soát để sắp xếp, thu gọn địa bàn ưu đãi thuế, đảm bảo ưu đãi đúng đối tượng, khắc phục việc ưu đãi dàn trải. Các ưu đãi mới này hướng tới khuyến khích nhà đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đảm bảo có sự phát triển đồng đều, giải quyết được tình trạng ưu đãi cào bằng gây lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, các quy định về ưu đãi đối với khu kinh tế (KKT) sẽ được sửa đổi theo hướng không áp dụng thống nhất cùng một mặt bằng chính sách ưu đãi mà có sự phân biệt dựa theo trình độ phát triển, điều kiện của từng khu vực trong KKT. Đối với khu công nghiệp (KCN), chỉ áp dụng ưu đãi đối với phần diện tích KCN nằm trên địa bàn ưu đãi thuế hoặc đặc biệt ưu đãi thuế.
Không áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao mà không phải dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thực hiện tại địa bàn ưu đãi thuế chỉ được áp dụng ưu đãi thuế đối với phần thu nhập phát sinh tại địa bàn ưu đãi thuế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, mặc dù số trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN chỉ chiếm khoảng 3% tổng số DN (năm 2016 là 3,02%, năm 2017 là 3,12%, năm 2018 là 3,01%, năm 2019 là 2,93% và năm 2020 là 3,25%) nhưng số thuế TNDN được miễn, giảm chiếm tỷ trọng lớn trong số thu thuế TNDN (năm 2017 là 37,18 %, năm 2018 là 30,67%, năm 2019 là 27,38% và năm 2020 là 27,01%).
Thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành cũng đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách ưu đãi thuế hiện nay vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành thời gian qua, tại một số văn bản luật vẫn tiếp tục có các quy định về chính sách ưu đãi thuế đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, làm tăng tính dàn trải và giảm tính trung lập của thuế. Do đó, tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi lần này phải bao quát được hết các ưu đãi thuế tại các văn bản luật.