Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi tại Dự thảo Luật Đầu tư PPP nếu được thông qua sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho các dự án BT.
Chiều 11/9, tại TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu.
Nội dung nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các địa phương là đưa vào Dự thảo việc, tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư để khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này như: tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày các điểm mới về đầu tư theo hợp đồng BT trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư PPP – Ảnh: Lê Toàn |
Dự thảo cũng làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp bồi thường, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Và bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP gồm: dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; tăng thu ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho chi đầu tư phát triển.
Trong Dự thảo cũng đưa ra những quy định nhằm xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp. Trong đó, cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Đồng thời, Dự thảo cũng quy định cụ thể cách thức xử lý đối với hợp đồng dự án BT có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng căn cứ ý kiến kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước để bảo đảm xử lý dứt điểm các dự án BT chuyển tiếp, góp phần khai thông nguồn lực đất đai đang tồn đọng ở các dự án này.
Với các quy định được đưa ra trong Dự thảo, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM rất đồng tình với các nội dung này và cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua thì tháo gỡ rất nhiều vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án BT.
Bởi vì thực tế hiện nay, TP.HCM có nhiều dự án BT vướng mắc nhiều năm chưa giải quyết xong. Trong đó, phải kể đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I, có mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án này bế tắc trong việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư dẫn đến Dự án dừng thi công từ năm 2020 đến nay chưa giải quyết xong việc thanh toán để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I dừng thi công từ năm 2020 đến nay do chưa được thanh toán quỹ đất BT – Ảnh: TN |
Ngoài ra, TP.HCM còn có 2,7 km đường Vành đai 2 đầu tư theo hình thức BT cũng tắc nghẽn từ năm 2027 đến nay chưa thanh toán cho nhà đầu tư.
Tương tự là Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư. Mới đây, UBND TP.HCM quyết định chấm dứt đầu tư theo hình thức BT để chuyển sang hình thức đầu tư công.
Từ những vướng mắc mà TP.HCM đang gặp phải, ông Quách Ngọc Tuấn kiến nghị, đối với hợp đồng BT trả bằng đất nên quy định khi có quỹ đất rồi thì mới thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để tránh trường hợp chọn nhà đầu tư xong không có đất để trả.
Đồng thời, cần quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất là tài sản công để thanh toán cho dự án BT, nếu không quy định rõ thì nhà đầu tư và chính quyền sẽ có các quan điểm khác nhau dẫn đến không thực hiện được.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án BT nếu phát sinh tăng chi phí dự án mà lỗi không phải của nhà đầu tư thì cần quy định rõ việc thanh toán bổ sung chi phí này như thế nào, loại tài sản thanh toán, thời điểm thanh toán?
Nguồn: https://baodautu.vn/sua-luat-dau-tu-ppp-se-thao-go-diem-nghen-cho-du-an-bt-d224694.html