Bén duyên với nghề giáo
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao Bằng, cô Bế Thùy Trinh, người dân tộc Tày, đã trải qua tuổi thơ đầy gian khó. Cô mồ côi cha từ nhỏ, mẹ phải một mình gánh vác gia đình, nuôi hai chị em khôn lớn. Chính trong những tháng ngày khó khăn đó, cô đã hình thành ý chí vươn lên, xem con chữ như con đường duy nhất để thay đổi cuộc đời.
Cô giáo Bế Thùy Trinh nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2025 (Ảnh: NVCC).
Năm 2009, cô thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm đèn sách, năm 2013, cô Trinh tốt nghiệp, quyết định trở về cống hiến cho quê hương và nhận công tác tại Trường THPT Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Những ngày đầu đi dạy, cô phải vượt qua quãng đường gần 40 km từ sáng sớm với địa hình đồi núi hiểm trở, đặc biệt khó khăn vào mùa đông lạnh giá để tới trường.
Nhưng chính tình yêu với nghề, với học trò đã giúp cô vượt qua tất cả. Từ năm 2020 đến nay, cô được điều chuyển về Trường THPT thành phố Cao Bằng giảng dạy môn địa lí.
Suốt 10 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, cô Trinh không chỉ là một giáo viên tận tâm mà còn là người mẹ, người chị thứ hai của học sinh nơi đây. Cô tâm sự về lớp học đầu tiên mà mình chủ nhiệm: "Ở thời điểm đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý lớp, bởi khi đó mình còn trẻ, không hơn các em học sinh bao nhiêu tuổi, các em nhiều cá tính nên không nghe mình nói.
Nhưng dần dần tôi cứ làm hết trách nhiệm của mình và quan tâm đến các em mỗi ngày. Đến khi các em tốt nghiệp, tôi rất xúc động khi các em chạy tới ôm mình và đồng thanh gọi mình là "mẹ trẻ".
Cho đến tận bây giờ đó vẫn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà nghề đem lại cho tôi".
Cô Trinh (bên trái) cùng học trò hoạt động ngoại khóa (Ảnh: NVCC)
Trong giảng dạy, cô Trinh là người tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài học. Cô cũng tiên phong trong việc sử dụng phần mềm Canva trong giảng dạy bộ môn địa lý tại trường, giúp các em học sinh cảm thấy kiến thức sinh động hơn và hứng thú với môn học.
Cô tâm niệm, một người giáo viên luôn luôn phải học hỏi tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn. Đối với cô, dạy học không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng hơn là khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, giúp học trò hiểu rõ hơn về giá trị của cuộc sống.
Nhiệt huyết với công tác Đoàn
Không chỉ là một giáo viên trên bục giảng, cô Trinh còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, góp phần tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Hiện tại, cô giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn Trường THPT thành phố Cao Bằng.
Đối với cô, công tác Đoàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các em học sinh vùng cao được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tiếp cận gần hơn với công nghệ thông tin, từ đó, khuyến khích các em vượt qua khó khăn đến trường, phát triển bản thân, sống năng động và lành mạnh.
Nữ giáo viên chia sẻ thêm: "Công tác Đoàn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm đam mê giúp tôi gần gũi hơn với học trò, hiểu và chia sẻ với các em nhiều hơn".
Cô Trinh cùng học trò hoạt động dưới cờ (Ảnh: NVCC)
Mỗi năm học, cô cùng Đoàn trường đều tổ chức rất nhiều hoạt động và các chương trình ngoại khóa cho học sinh, tuyên truyền phổ biến pháp luật, phong trào tình nguyện tại chỗ và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, cuộc thi Olympic tiếng Anh...
Trong năm qua, những ý tưởng đóng góp và sáng kiến của cô đã đem lại rất nhiều đổi mới trong cách giảng dạy của nhà trường như "Đổi mới hình thức tiết sinh hoạt dưới cờ nhằm phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên thanh niên trong thời đại mới" hay "Phát huy tinh thần sáng tạo của đoàn viên thanh niên thông qua đổi mới hoạt động của các câu lạc bộ trong nhà trường"...
Trong đó, điều cô tâm đắc nhất chính là sáng kiến xây dựng confession "Thanh âm cuộc sống".
Xuất phát từ những trăn trở về việc giúp học sinh bớt áp lực trong học tập, cô đã đề xuất ý tưởng tạo ra một hòm thư ảo nơi mà có thể đón nghe những tâm sự của các em học sinh, giúp các em giãi bày.
Từ tháng 3/2024, chương trình Radio "Thanh âm cuộc sống" cứ đều đặn phát sóng mỗi sáng thứ 6 hàng tuần và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh và giáo viên trong trường với hơn 1.700 lượt yêu cầu bài hát và hơn 200 thư tâm sự thông qua hòm thư ảo.
"Ban đầu khởi xướng tôi chỉ mong mỗi giờ ra chơi, chương trình sẽ giúp các em bớt đi sự căng thẳng sau mỗi tiết học. Mỗi lá thư một nỗi niềm, tôi cảm thấy gắn kết với các em hơn sau mỗi số phát sóng, nhìn thấy nụ cười của các em đó là động lực để tôi tiếp tục cố gắng", cô tâm sự.
Những sáng kiến của cô Bế Thị Trinh đã được Thành đoàn Cao Bằng công nhận và trao tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2023-2024.
Trong năm 2024, cô cũng đạt được hàng loạt danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương, Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Cao Bằng, Chiến sĩ thi đua cơ sở xuất sắc, giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh,...
Giải thưởng Lý Tự Trọng là động lực để cô Trinh tiếp tục cống hiến, lan tỏa tích cực đến học sinh và thanh niên (Ảnh: NVCC)
Đặc biệt hơn, với những nỗ lực và cố gắng của mình, vừa qua cô đã vinh dự trở thành một trong hai đại diện của tỉnh Cao Bằng nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2025 - giải thưởng được trao cho những cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc, có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần thúc đẩy phong trào thanh thiếu nhi và sự phát triển của tổ chức Đoàn tại địa phương.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2025, cô Trinh cho biết: "Tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động vì đó là sự ghi nhận to lớn cho những nỗ lực cố gắng của bản thân trong công tác Đoàn và công tác chuyên môn thời gian qua.
Nó càng đáng quý hơn vì đây không chỉ là thành tích của riêng cá nhân tôi, mà là sự đoàn kết chung tay cùng hoạt động của Đoàn trường".
"Khi ngọn lửa cống hiến còn cháy ở trong trái tim của chúng ta thì tuổi trẻ vẫn còn, nó sẽ thôi thúc mình sáng tạo hơn, năng động hơn đối với thanh niên trong thời đại mới", cô giáo sinh năm 1991 này khẳng định.
Hoàng Tiến
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-9x-nguoi-tay-mang-thanh-am-cuoc-song-den-voi-hoc-sinh-vung-cao-20250329212548830.htm
Bình luận (0)