(QNO) – Những rừng đước, mắm khi được trồng phục hồi đã tạo môi trường thuận lợi cho tôm cá kéo nhau về sinh sống giúp người dân làm nghề sống nước ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) có được nguồn thu nhập bền vững.
Nguồn thủy sản được phục hồi
Ông Trần Tấn Trưởng (66 tuổi, tổ 2, thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, Núi Thành) gần như gắn chặt đời mình với nghề chài lưới trên sông Trường Giang vì đây là kế sinh nhai duy nhất cho những người lớn tuổi như ông. Theo ông Trưởng, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên rừng ngập mặn chết dần chết mòn, diện tích rừng ngập mặn cũng thu hẹp dần, cá tôm ít hơn trước khiến nghề của vợ chồng ông thêm khó khăn.
“Những năm trước, do không còn nơi trú ngụ, các loài thủy sản không sinh sản được nên vợ chồng tôi bắt cả đêm trên sông cũng chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, khi chính quyền triển khai dự án phục hồi rừng ngập mặn trên đảo nhỏ thì ai cũng vui mừng và ủng hộ” – ông Trưởng nói.
Dù không phải là thành viên của tổ trồng rừng ngập mặn song ông Trần Tấn Trưởng cũng tìm cách xin 100 cây đước con về trồng ở khu vực rừng ngập mặn gần nhà mình. Sau hai năm chăm sóc, hơn 50 cây đước khỏe mạnh đã vươn lên xanh tốt.
“Tôi trồng là để tự tái tạo môi trường để cá, tôm, cua có nơi trú ngụ, sinh sản. Việc này giúp mình có nguồn khai thác lâu dài và để chắn sóng gió, hạn chế sạt lở, xâm biển thực, bảo vệ nơi sinh sống, nhất là khi đến mùa mưa bão” – ông Trưởng cho biết.
Cũng theo ông Trưởng, từ khi rừng ngập mặn được phục hồi thì các loại thủy sản trên sông Trường Giang tăng lên nhiều. Dù không bằng so với thời điểm chục năm trước đây nhưng cũng giúp người dân Long Thạnh Tây có thu nhập ổn định.
“Ở đây đánh bắt được nhiều nhất là cua và tôm sông, loại này rất được ưa chuộng vì lớn lên trong môi trường tự nhiên nên mỗi đêm đánh bắt, vợ chồng chúng tôi thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. Tôi tính năm nay sẽ tìm thêm khoảng 100 cây đước nữa để trồng dặm vào số cây đã chết. Cứ trồng rồi mai sau con cháu mình hưởng lợi” – ông Trưởng nói.
Tương tự, ông Lê Văn Sinh – người ở cùng thôn cũng khẳng định rừng ngập mặn giống như bức bình phong bảo vệ ốc đảo này vào mùa mưa bão. Các loài cây đước, mắm, bần có tác dụng chắn sóng ngăn sạt lở bờ đất, hạn chế sức gió mùa mưa bão. “Rừng ngập mặn giống như bức tường tự nhiên bao bọc nơi sinh sống cho người dân Long Thạnh Tây trước thách thức của tự nhiên” – ông Sinh nói.
[VIDEO] – Rừng ngập mặn ở xã đảo Tam Hải:
Bảo vệ môi trường sống
Ông Phạm Minh Quang – Trưởng thôn Long Thạnh Tây cho biết, nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các cánh rừng ngập mặn đã giúp những người lớn tuổi không đủ sức đi biển có được nguồn thu nhập đủ sống hằng ngày. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trên ốc đảo Long Thạnh Tây đã trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng. Đến mùa trái đước chín, tổ trồng rừng ngập mặn thu hoạch và ươm cây giống.
“Người dân thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, gỡ bỏ ốc, hàu bám vào cây để cây phát triển khỏe mạnh. Và nhờ tích cực tuyên truyền mà tình trạng chặt cây đước làm củi đốt hoặc lấn rừng ngập mặn để nuôi thủy sản lồng bè đã không còn” – ông Quang thông tin.
Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng, trước đây, bao quanh xã là những cánh rừng dương liễu, rừng đước ngập mặn gồm nhiều chủng loại cây tự nhiên bản địa quanh năm xanh tốt, rộng hàng trăm hecta, là nơi sinh trưởng của nhiều loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao sinh sống.
Những cánh rừng này không chỉ là lá phổi tự nhiên mà còn là tấm lá chắn hiệu quả cho cộng đồng trong mỗi mùa mưa bão. Tuy nhiên, người dân nuôi tôm trên cát không đúng quy hoạch đã chặt phá nhiều rừng dương liễu, lấn rừng ngập mặn.
Trước thực trạng này, UBND xã đã thành lập tổ trồng và bảo vệ rừng ở các thôn Long Thạnh Tây, Bình Trung và Xuân Mỹ nhằm bảo vệ, phục hồi các rừng dương liễu, rừng ngập mặn còn sót lại. Đồng thời, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung, Việt Nam” do Tổ chức phi chính phủ CRS (Mỹ) hỗ trợ được triển khai tại xã Tam Hải đã mang lại hiệu quả kép.
“Sau gần 10 năm triển khai, đến nay, diện tích rừng trồng mới của địa phương là hơn 20ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn trên đảo lên trên 65ha. Chúng tôi và người dân địa phương nhận thức chỉ có trồng rừng mới là cách bền vững để bảo vệ hòn đảo này trước nạn sạt lở cũng như hạn chế tác động của biến đối khí hậu. Xa hơn, những cánh rừng ngập mặn sẽ góp phần giúp địa phương chúng tôi phát triển du lịch xanh trong tương lai” – ông Hùng khẳng định.