(CLO) Lễ hội đền Và cùng các lễ hội trong vùng bảo lưu nhiều lễ thức và phong tục xưa, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa của một vùng đất cổ.
Chiều 11/2, Ban tổ chức Lễ hội đền Và thực hiện lễ "phong triều" (mặc áo, đội mũ) cho Đức Thánh Tản ở hậu cung; dựng cờ hội và mở cửa nghi môn, chính thức khai hội đền Và Xuân Ất Tỵ 2025.
Lễ hội đền Và năm 2025 diễn ra từ ngày 11-14/2 (từ ngày 14-17 tháng Giêng âm lịch). Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 9h ngày 12/2 (rằm tháng Giêng). Sau phần khai mạc là nghi lễ tế chính và tế tạ.
Nghi lễ "phong triều" khai hội đền Và
Phần hội tại Lễ hội đền Và năm 2025 gồm các trò chơi dân gian truyền thống: Cờ tướng, múa rối nước, liên hoan văn nghệ, bịt mắt đập bóng, nấu cơm thi, nhảy bao bố, kéo co và giải bóng đá mừng Đảng, mừng Xuân…
Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, nằm trên địa bàn phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội). Đền được cho là một cung trong tứ cung của xứ Đoài, thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt.
Đền tọa lạc trên một khu đồi lim cổ thụ, hình con rùa đang bơi về hướng mặt trời mọc. Xung quanh đền phía Tây là những đồi bát úp trải dài, phía Bắc là dòng sông Tích quanh co uốn lượn. Xa xa in đậm trên nền trời xanh, sừng sững ngọn núi Ba Vì cao ngất, bốn mùa mây trắng vờn quanh.
Đền Và không chỉ là một công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa được cha ông ta làm nên, mà còn là một bảo tàng tâm linh của một vùng văn hóa cổ.
Trong nhiều huyền tích, câu chuyện Đức Thánh Tản chống thiên tai lũ lụt, cứu hộ cho muôn dân, giúp dân đào giếng lấy nước, dạy dân làm ra lửa, kéo vó, giăng bẫy, đem quân đánh dẹp giặc hoặc múa hát mở hội… đã được các thế hệ người dân vùng xứ Đoài truyền tụng và tôn thờ.
Dưới các triều đại phong kiến xưa, đền Và đã được các vua chúa phong tặng 18 đạo sắc phong. Năm 1964, đền Và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2016, lễ hội đền Và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, rừng lim nghìn năm tuổi được công nhận cây di sản Việt Nam.
Du khách dâng hương tại đền Và, ngày 11/2/2025
Lễ hội đền Và có từ thế kỷ XVIII, đến nay vẫn duy trì tổ chức xuân thu nhị kỳ. Cứ 3 năm đền Và lại tổ chức lễ hội lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Lễ hội đền Và cùng các lễ hội trong vùng bảo lưu nhiều lễ thức và phong tục xưa, chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa của một vùng đất cổ. Vì thế, lễ hội đền Và nổi tiếng cả nước về quy mô, cũng như giá trị tinh thần của nhiều thế hệ. Dân gian vẫn tương truyền câu ca: “Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng giêng đền Và…".
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/son-tay-khai-hoi-den-va-post334073.html
Bình luận (0)