TPO – Liên quan đến chế độ đặc cách công nhận học sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên thành học sinh giỏi cấp tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Lê Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, chính sách này đã nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của học sinh. Điều này được minh chứng qua sự gia tăng liên tục về thứ hạng điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
TPO – Liên quan đến chế độ đặc cách công nhận học sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên thành học sinh giỏi cấp tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Lê Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, chính sách này đã nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của học sinh. Điều này được minh chứng qua sự gia tăng liên tục về thứ hạng điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
Hà Tĩnh đặc cách công nhận học sinh có điểm IELTS 7.0 trở lên và chứng chỉ quốc tế môn tiếng Pháp là học sinh giỏi cấp tỉnh. Ông có thể cho biết, việc thực hiện đặc cách này nhằm những mục tiêu nào, trong bối cảnh đổi mới chương trình GDPT như hiện nay?
Trước hết cần khẳng định, hiện nay nhiều người hay dùng cụm từ “Hà Tĩnh đặc cách IELTS”, trên thực tế đây là chính sách đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho những môn Ngoại ngữ tỉnh có tổ chức thi học sinh giỏi tương ứng. Việc đặc cách công nhận học sinh đạt chứng chỉ quốc tế như IELTS từ 7.0 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh nhằm hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông.
Thứ nhất là góp phần thực hiện đổi mới giáo dục phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tập trung phát triển năng lực, phẩm chất người học thay vì chỉ dừng lại ở việc đánh giá kiến thức qua các kỳ thi.
Thứ hai là góp phần thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường mầm non, phổ thông Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2025. Theo đó, đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các bậc học, cấp học, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông.
Thứ ba là tạo động lực thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ cho các em học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở địa phương đồng thời khuyến khích học sinh không chỉ học ngoại ngữ để thi cử mà còn sử dụng ngoại ngữ như một kỹ năng sống thiết yếu, phục vụ giao tiếp và hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Lê Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. |
Thứ tư, thay vì chỉ dựa vào hình thức thi truyền thống, việc đặc cách công nhận dựa trên các chứng chỉ quốc tế giúp học sinh rèn luyện và phát triển toàn diện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, và viết khi học ngoại ngữ.
Ngoài ra, chính sách này khuyến khích học sinh tiếp cận với những tiêu chuẩn đánh giá toàn cầu, tạo điều kiện để các em tự tin hơn khi tham gia vào các kỳ thi hoặc môi trường học tập, làm việc quốc tế trong tương lai.
Đây không phải là năm đầu tiên địa phương áp dụng chính sách đặc biệt này. Qua các năm triển khai, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có đánh giá được việc học ngoại ngữ của học sinh có thực sự được khuyến khích?
Từ khi chính sách đặc cách được triển khai thí điểm từ năm học 2017-2018 và chính thức từ năm học 2018-2019, đến nay chất lượng học ngoại ngữ của học sinh đã có sự cải thiện đáng kể qua từng năm. Điều này được minh chứng rõ ràng qua sự gia tăng liên tục về thứ hạng điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, đội tuyển học sinh giỏi môn ngoại ngữ của tỉnh liên tục đạt thành tích cao tại các kỳ thi quốc gia.
Điểm trung bình môn Ngoại ngữ của học sinh Hà Tĩnh tăng từng năm.
Cụ thể: Năm 2020, Hà Tĩnh xếp thứ 42/63 tỉnh, thành; đến năm 2021, tăng lên vị trí thứ 36/63; năm 2022, tiếp tục tăng lên vị trí thứ 28/63; năm 2023 đạt vị trí thứ 22/63; và đặc biệt, năm 2024 vươn lên mạnh mẽ, xếp thứ 14/63.
Chính sách này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ học sinh khu vực thuận lợi, mà còn lan tỏa đến cả những vùng khó khăn. Đã có những học sinh ở các khu vực miền núi đạt điểm IELTS cao, từ 7.5 đến 8.0, thậm chí là 8.5, khẳng định rằng cơ hội học tập ngoại ngữ đang được mở rộng đến mọi đối tượng.
Quan trọng hơn, chính sách giúp phổ biến các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong toàn tỉnh. Nhờ đó, học sinh không chỉ quen thuộc hơn với các tiêu chuẩn đánh giá toàn cầu, mà còn được trang bị hành trang để tiếp tục học tập và làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài trong tương lai.
Để dần từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, địa phương dự kiến lộ trình, chuẩn bị các điều kiện như thế nào? Khó khăn ra sao khi nhiều học sinh còn thuộc vùng khó khăn?
Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một mục tiêu lớn, đầy tham vọng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng lộ trình rõ ràng. Trong thời gian tới, Ngành sẽ tham mưu xây dựng một kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu này theo từng giai đoạn.
Trước tiên, là triển khai thí điểm việc dạy song ngữ các môn Toán và Khoa học Tự nhiên tại một số trường trọng điểm. Sau giai đoạn thí điểm, sẽ mở rộng quy mô sang nhiều trường học hơn, đặc biệt tập trung vào các khu vực có điều kiện thuận lợi. Cuối cùng, khi đã đạt được sự đồng bộ về chương trình và phương pháp giảng dạy, tiếng Anh sẽ dần trở thành ngôn ngữ giao tiếp phổ biến, không chỉ trong các môn Khoa học Tự nhiên mà còn ở các môn Khoa học Xã hội, giúp học sinh sử dụng tiếng Anh như một công cụ học tập toàn diện.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh khẳng định, chính sách khuyến khích học ngoại ngữ đã mang lại hiệu quả, nâng cao trình độ của học sinh trên toàn tỉnh. |
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu này, việc chuẩn bị các điều kiện nền tảng là vô cùng quan trọng. Ngành sẽ tập trung phát triển đội ngũ giáo viên để thầy cô tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại và xây dựng môi trường học tập tích cực; khuyến khích giáo viên học hỏi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị bạn.
Việc bổ sung sơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng hệ thống tài liệu học tập phù hợp cũng được chú trọng, bao gồm sách giáo khoa và tài liệu song ngữ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Hỗ trợ học sinh và giáo viên, nhất là ở các vùng khó khăn như các chính sách hỗ trợ thiết bị học tập, tổ chức lớp học miễn phí…
Một yếu tố quan trọng nữa là tăng cường môi trường sử dụng tiếng Anh trong nhà trường như việc thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi hùng biện, tranh luận và viết luận. Những hoạt động này không chỉ tạo cơ hội thực hành ngôn ngữ mà còn xây dựng sự tự tin và kỹ năng giao tiếp thực tiễn cho các em.
Dĩ nhiên, hành trình này không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng giáo dục còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT, các cơ quan, ban ngành liên quan và sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh, những rào cản này sẽ sớm từng bước được khắc phục để ngoại ngữ không chỉ mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế, góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ tự tin, năng động và sẵn sàng cho tương lai.
Cảm ơn ông!
Ngoài ra, có 1 học sinh đạt chứng chỉ DELF B2 tiếng Pháp được đặc cách công nhận giải Nhất.
Nguồn: https://tienphong.vn/so-gddt-ha-tinh-li-giai-chuyen-dat-ielts-70-duoc-cong-nhan-hoc-sinh-gioi-cap-tinh-post1700972.tpo