Không có lương, phải tự lo mọi chi phí ăn uống, đi lại nhưng Đoàn Thế Khanh vẫn chấp nhận để được thực tập ba tháng tại một ngân hàng thương mại.
Ngày 13/5, Khanh, sinh viên năm cuối ngành Luật kinh tế, đến Hội chợ việc làm – Cầu nối nhân lực năm 2023 do Học viện Ngân hàng tổ chức để tìm cơ hội việc làm.
Tham gia phỏng vấn trực tiếp ngay tại trường với đại diện một ngân hàng thương mại, nam sinh nói có đến 70% khả năng trúng tuyển vào vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân. Sự tự tin này một phần đến từ kỳ thực tập ba tháng tại chính ngân hàng này hồi năm thứ hai đại học.
Khi đó, công việc của Khanh chủ yếu là tư vấn, tìm hiểu, khai thác nhu cầu của khách hàng với thẻ tín dụng. Khanh được hướng dẫn tận tình để có kỹ năng làm việc này. Tuy nhiên, nam sinh không có lương, tự lo chi phí đi lại, điện thoại, ăn uống.
Ưu điểm của thực tập không lương là thời gian linh hoạt. Thế nhưng, áp lực khi vừa phải hoàn thành công việc ở nơi thực tập và các môn học ở trường cũng khiến Khanh căng thẳng trong tháng đầu. Đổi lại, Khanh cải thiện được kỹ năng giao tiếp, tư duy khi thường xuyên phải cung cấp thông tin, trả lời thắc mắc và thuyết phục khách hàng. Em cũng hiểu hơn về môi trường làm việc thực tế, nhìn ra các hướng đi mới với ngành Luật kinh tế.
Trần Thị Vui, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị kinh doanh, đi thực tập từ năm thứ nhất. Biết Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tuyển thực tập sinh về truyền thông – marketing, Vui làm hồ sơ và trúng tuyển sau khi qua vòng kiểm tra và phỏng vấn.
Tại đây, nữ sinh làm các công việc liên quan đến nền tảng số Techfest247 rồi hỗ trợ ở mảng công nghệ giáo dục. Dù lo lắng, Vui quan sát các anh chị làm, rồi bắt tay vào lên ý tưởng, lập kế hoạch, học cách quản lý, tổ chức sự kiện. Đến năm thứ hai, nữ sinh được một công ty ký hợp đồng cộng tác viên nửa năm, tham gia tổ chức các sự kiện, hội thảo về công nghệ giáo dục.
“Em được giao nhiều việc tưởng chừng quá sức, như tiếp xúc, làm việc với chủ tịch một doanh nghiệp hay lãnh đạo trường đại học. Nhưng nhờ đó, em phát triển được bản thân, có thêm nhiều mối quan hệ”, Vui nói. Nữ sinh cho rằng điều này giúp em hiểu thêm về hướng đi nghề nghiệp của mình.
Khanh hay Vui nằm trong số nhiều sinh viên chấp nhận thực tập không lương sớm thay vì đợi đến các kỳ thực tập của trường, nhằm cải thiện kỹ năng, kinh nghiệm, từ đó làm đẹp hồ sơ để xin việc khi ra trường.
Hiện doanh nghiệp cả trong và ngoài nước có nhiều chương trình tuyển thực tập sinh với hai hình thức có lương và không lương.
Chuyên gia của trang web việc làm toàn cầu Indeed cho biết thực tập sinh có lương gần giống với nhân viên bán thời gian, được đào tạo tại chỗ nhưng nhà tuyển dụng để họ độc lập hơn.
Trong khi đó, những thực tập sinh không lương thường có cố vấn hướng dẫn, làm những việc mang tính hỗ trợ để quan sát, học hỏi từ những nhân viên khác. Thời gian làm việc với nhóm này cũng linh hoạt.
Chuyên gia của Indeed nhận định các kỳ thực tập dù không lương cũng giúp sinh viên có thể quan sát các chuyên gia nơi làm việc và nhận được hướng dẫn cũng như lời khuyên từ kinh nghiệm quý báu của họ.
Không có thống kê về số thực tập sinh nhưng theo các chuyên gia tuyển dụng, tại Việt Nam, thực tập không lương phổ biến hơn có lương, chủ yếu dành cho sinh viên hai năm cuối đại học.
Bà Đoàn Thị Minh Phương, thành viên khối Quản trị nguồn nhân lực Ngân hàng Tiên Phong, cho biết hàng năm đều tuyển dụng thực tập sinh, chủ yếu là sinh viên năm cuối các ngành khối Kinh tế. Tuy nhiên, sinh viên năm hai, năm ba có nguyện vọng vẫn được xem xét.
Theo bà Phương, các vị trí thực tập không được trả lương nhưng đổi lại sinh viên được đào tạo các kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn cơ bản, là dịp tìm hiểu văn hóa của tổ chức, làm việc thực tế.
“Các sinh viên tham gia thực tập sớm thường thể hiện tốt hơn khi đi xin việc”, bà Phương nhận định.
Lê Mạnh Cường, 26 tuổi, cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, có việc ngay sau khi ra trường ở một công ty chuyên thiết kế và lắp đặt tủ điện. Anh cho biết đợt thực tập tại công ty này vào năm thứ tư góp phần rất lớn tới khả năng trúng tuyển.
“Nếu coi trọng thực tập dù là không lương, sinh viên sẽ có định hướng nghề nghiệp đúng và cơ hội việc làm rộng mở hơn khi ra trường. Ít nhất, phần kinh nghiệm làm việc trong CV cũng đẹp hơn để thuyết phục nhà tuyển dụng”, Cường nói.
Vui nhìn nhận được những lợi ích của việc đi thực tập từ sớm. Vì vậy, hôm 13/5, em đến hội chợ việc làm của trường để tìm hiểu các vị trí thực tập ở các ngân hàng. Em muốn thử sức ở một hướng mới trước khi đưa ra lựa chọn trong tương lai.
“Không nhận lương nhưng em được nhận nhiều thứ khác”, Vui nói, cho biết em xác định thu nhập không phải vấn đề cần ưu tiên khi còn đi học. Thay vào đó, nữ sinh chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng với hy vọng ra trường nhận được mức lương tốt.