Ông Nguyễn Ngọc Thủy xin các nhà đầu tư giảm lãi cũ và dừng lãi mới trong 3-5 năm tới – thời điểm Egroup, Apax Leaders có thể trả nợ.
Trong buổi họp mặt nhà đầu tư hôm qua, ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch Egroup, xin lỗi vì chưa khôi phục được tập đoàn như mong đợi. Chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders/Apax English – xương sống kinh doanh của Egroup – dù đang hồi phục, vẫn còn gặp khó về tài chính, cần dồn mọi nguồn lực để vực dậy.
Do đó, theo ông, lạc quan nhất, thời điểm thanh toán được nợ cho nhà đầu tư bắt đầu từ 3-5 năm tới. Trước mắt, doanh nghiệp này ưu tiên hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư lớn tuổi hoặc bị bệnh tật, tai nạn. Còn lại, Egroup “không thể giải quyết các trường hợp đòi nợ nhỏ lẻ”, tất cả đều phải đợi chung một thời điểm.
Hiện tại, ông Thủy cho biết đang ở bước chốt công nợ. Thời gian này, Egroup sẽ xin được giảm phần lãi trong quá khứ và dừng tính lãi cho đến thời điểm trả được nợ, tức 3-5 năm tới.
“Quan điểm của tôi là lời ăn lỗ chịu, nhưng quan trọng nhất với Egroup lúc này là phải sống. Do đó, chúng tôi cần tiền để phục hồi hoạt động kinh doanh, chỉ có cách đó mới tạo ra dòng tiền trả lại các nhà đầu tư”, ông Thủy nói thêm.
Tính đến nay, doanh nghiệp này đã được 80 nhà đầu tư hỗ trợ miễn lãi cho các khoản nợ đã vay, tổng lãi được miễn khoảng 500 tỷ đồng. Nhóm này đồng ý khoanh nợ và không phát sinh thêm lãi cho tới thời điểm nhận lại tiền gốc.
Ngoài ra, Egroup cũng đưa ra các biện pháp để hoán đổi nợ gồm đổi lấy bất động sản, gói đầu tư vào các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và đồ gia dụng.
Với gói tái cấu trúc nợ bằng bất động sản, Egroup không công bố số lượng mà chỉ cho biết đã triển khai xong cho nhiều người bằng các dự án tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang. Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án có pháp lý đầy đủ, giá cả hợp lý và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giá trị các sản phẩm hoán đổi nợ đang được Egroup đưa ra không hợp lý, nhất là bất động sản và đồ gia dụng. Trả lời VnExpress về việc này, ông Nguyễn Ngọc Thủy nói các sản phẩm hoán đổi nợ được định giá qua đơn vị thẩm định độc lập. Ngoài ra, phía tập đoàn cũng yêu cầu đối tác hỗ trợ cho khách hàng vay vốn từ ngân hàng nếu có nhu cầu.
“Chúng tôi cam kết không nâng giá, tất cả sản phẩm tái cấu trúc nợ đều có giá tham chiếu bằng hoặc thấp hơn giá thị trường”, ông Thủy nói.
Thời gian tới, Egroup và mảng kinh doanh cốt lõi Apax Leaders/Apax English tập trung vào kế hoạch phục hồi và phát triển. Đến nay, Tổng giám đốc Apax Leaders Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã mở cửa trở lại 34 trung tâm với hơn 12.000 học sinh. Tỷ lệ lắp đầy vẫn ở mức thấp, chưa đạt 50%, nhưng số học sinh mới đã đem lại cho chuỗi này khoảng một tỷ đồng, tính riêng tháng 5. Từ nay đến tháng 7, Apax Leaders dự kiến mở lại 14 trung tâm, tập trung chủ yếu ở TP HCM.
Tổng cộng trong năm 2023, chuỗi dạy tiếng Anh cho trẻ em này sẽ lấy lại quy mô 44-48 trung tâm, ghi nhận hơn 16.700 học sinh và tạo ra doanh số hơn 60 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, mục tiêu năm nay là phải “sống lại”. Sau đó, đến năm 2024, Apax Leaders sẽ tiến vào giai đoạn phát triển và từ năm 2025 sẽ bùng nổ mạnh mẽ.
Song song đó, doanh nghiệp này cũng tập trung xây dựng lại chương trình tiếng Anh, trước mắt đã vận hành trở lại Chungdamn. Đây là chương trình học từng giúp Apax từ một trung tâm Anh ngữ duy nhất phát triển thành hệ thống lớn với 130 điểm dạy vào thời hoàng kim.
Ngoài ra, công ty đã miễn nhiệm 7 phó tổng giám đốc và các chức vụ không cần thiết khác để cấu trúc gọn nhẹ, tiết kiệm. Ông Tuấn nói, riêng khối học thuật từng có chi phí lương 4 tỷ, sau tinh gọn chỉ còn 100 triệu đồng. Theo đà trên, nếu Apax phát triển 130 trung tâm như cũ, theo ông, chỉ cần 65% nhân sự và 40% quỹ lương, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận.
“Tôi quan niệm rằng, một doanh nghiệp trải qua khủng hoảng mà không ‘chết’, chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp chưa từng vấp ngã”, ông Thủy nói thêm.
Tất Đạt