Nhiều giáo viên nước ngoài nói bị Apax Leaders nợ 100-120 triệu tiền lương, khiến họ rơi vào cảnh túng quẫn, nhưng gần như hết hy vọng lấy lại tiền.
Avinash Soni, người Nam Phi, đến dạy tại một trung tâm của Apax Leaders vào năm 2019. Một năm sau, dịch Covid-19 bùng phát. Soni cho biết ban đầu công ty hứa vẫn trả lương, ngay cả khi giáo viên dạy online do giãn cách xã hội.
“Khá sốc là sau đó công ty trễ hẹn thanh toán, nhưng vì các nơi khác cũng khó khăn nên giáo viên chúng tôi vẫn lạc quan”, anh nói.
Alexander Wood, người Mỹ, nhận định thời điểm Apax Leaders bắt đầu gặp vấn đề tài chính cũng là lúc Việt Nam áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh.
“Vậy nên, lúc đó chúng tôi thấy lo về dịch bệnh và phong tỏa, hơn là lo về tiền lương”, anh nói.
Cuối cùng, họ và nhiều đồng nghiệp bị nợ lương cho tới nay, không ít người phải vật lộn với cuộc sống, suy giảm niềm tin về công việc ở các trung tâm anh ngữ. Họ cũng cảm thấy “không còn hy vọng” được Apax Leaders trả lương.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, còn được gọi là “Shark Thủy” thành lập hệ sinh thái Egroup năm 2008, trải rộng nhiều lĩnh vực, nổi bật là chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders. Thời kỳ đỉnh cao, Apax Leaders cho biết có 120 trung tâm trong cả nước, với khoảng 120.000 học viên.
Cuối năm 2020, 2021, phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành đồng loạt khiếu nại Apax Leaders vì đóng tiền cho con học tiếng Anh nhưng dở dang vì các trung tâm bị đóng cửa.
Đến nay, ở TP HCM, Apax Leaders nợ học phí của 4.400 học sinh, với khoảng 94 tỷ đồng. Trung tâm này cũng nợ lương giáo viên, nhân viên 11,5 tỷ đồng, kèm nợ bảo hiểm xã hội 32 tỷ. Chưa có thống kê những con số này trong phạm vi cả nước.
Theo Avinash và Alexander, Apax hiện nợ họ khoảng 120 triệu đồng mỗi người. Còn Hannah Clemett, người Anh, nói bị nợ hai tháng lương, tổng hơn 100 triệu đồng, tính đến tháng 8/2021.
“Điều này gây áp lực tài chính đáng kể cho tôi suốt một thời gian, khiến tôi thấy vô cùng lo lắng”, cô nói.
Avinash và Clemett đều rời khỏi Apax Leaders sau đó, nhưng không phải ai cũng làm vậy. Đến từ Nam Phi, Callan Williams cho hay khoảng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết giáo viên nước ngoài ở Apax nghỉ việc, nhưng anh tiếp tục vì sợ không gia hạn được thị thực (visa).
“Tôi làm đám cưới với vợ người Việt vào cuối năm 2021 và phải đợi vài tháng để lấy visa mới. Nếu nghỉ việc ở Apax lúc đó, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời Việt Nam, không biết khi nào mới gặp lại vợ”, Callan lý giải, cho biết Apax nợ anh hơn 300 triệu đồng.
“Trong ngày cưới, tôi không còn đồng nào trong tài khoản. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi vợ và gia đình cô ấy phải lo toàn bộ đám cưới. Suốt gần một năm trời, tôi phụ thuộc tài chính vào vợ”, anh nói.
Dù vậy, Callan khẳng định rằng anh “chưa phải là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Có giáo viên bị nợ gần 500 triệu đồng, không còn tiền thuê nhà, rơi vào cảnh vô gia cư, hay có người được mời từ nước ngoài sang Việt Nam, song sau đó không được nhận lương.
Alexander cho hay đã cùng một số đồng nghiệp ở Apax Leaders khiếu nại lên các cơ quan chức năng, ngay khi các biện pháp phong tỏa phòng Covid-19 được tháo gỡ.
Khi đó, anh còn khoảng 200 triệu đồng tiền lương chưa được thanh toán. Sau nhiều nỗ lực, anh lấy lại được 80 triệu. Tuy nhiên, theo Alexander, một số nhân viên kém may mắn hơn và cho đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào.
Beth Maxwell, giáo viên người Anh, rơi vào trường hợp này.
“Tôi đã gửi vô số email, tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý, gọi đến văn phòng. Mọi việc đều vô ích. Cuối cùng bộ phận nhân sự Apax đã chặn địa chỉ email của tôi”, Maxwell nói. Đến nay, cô vẫn chưa lấy lại được 25 triệu đồng và phải về nước.
Đối với Oliver, người Anh, tình hình cũng không khá hơn. Bị Apax nợ 120 triệu đồng, Oliver phải tiêu gần hết số tiền tiết kiệm của mình để duy trì cuộc sống. Anh từng liên hệ với một luật sư, người ban đầu tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng sau khi chuyển tiếp các tài liệu liên quan, luật sư đó đã ngừng trả lời email của anh.
“Tôi đến trụ sở mới của Apax với mong muốn quay lại làm việc, nhưng ngay khi đề cập đến các hồ sơ bồi thường hoặc tiền thuế, tôi thấy mọi cánh cửa nhanh chóng đóng lại, trước khi tôi có thể nói chuyện với bất cứ ai”, Oliver kể.
Một giáo viên khác là người Mỹ cho biết theo thống kê của một nhóm giáo viên nước ngoài, Apax đang nợ ít nhất 81 người, với tổng số tiền là 13,4 tỷ đồng. Nữ giáo viên nói đã làm thủ tục kiện Apax.
“Bây giờ ông Thủy đã bị bắt, chúng tôi không còn hy vọng lấy lại được số tiền”.
Shark Thủy bị bắt ngày 25/3 với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại Egroup. Sau đó, Apax Leaders cho biết sẽ tạm dừng xác nhận học phí và công nợ trong thời gian giới chức điều tra. Hiện, chuỗi này chỉ còn 8 trung tâm đang hoạt động, chủ yếu ở phía Bắc.
Alexander Wood lo ngại về ngành giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Anh cho rằng tác động tiêu cực từ việc Shark Thủy quản lý kém, nợ học phí của phụ huynh và lương giáo viên, có thể dẫn tới sự ngờ vực với các trung tâm và cơ sở dạy tiếng Anh nói chung.
Các giáo viên khác cũng nói trải nghiệm ở Apax Leaders khiến họ sụt giảm niềm tin vào công việc ở các trung tâm Anh ngữ.
“Niềm tin bị Apax phá vỡ sẽ không bao giờ được xây dựng lại hoàn toàn”, nữ giáo viên Hannah Clemett, người Anh, chia sẻ. Còn Beth thì “sợ hãi và cảnh giác khi làm việc ở nước ngoài”.
Giờ đây, khi đã lên chức bố, Callan định ở lại Việt Nam, nhưng không còn thiết tha với lĩnh vực giáo dục.
“Nếu có cơ hội nào ngoài công việc giảng dạy, tôi sẵn lòng thay đổi nghề nghiệp”, anh nói.
Oliver thì tìm được công việc mới tại một trường quốc tế. Cũng như Callan, anh không có ý định rời Việt Nam vì muốn cưới bạn gái người Việt, song không muốn làm việc cho bất kỳ trung tâm ngoại ngữ nào.
“Làm việc cho một công ty mà không thể tìm sếp để nói chuyện, đó là công việc mà tôi không muốn làm”, theo Oliver.