Giới chuyên gia kinh tế đã nhanh chóng phân tích tác động của nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, xuất phát từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Hãng tin DW dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng Carsten Brzeski tại Ngân hàng ING (Đức), chính sách thuế quan của ông Trump đánh dấu khởi đầu của "chiến tranh thương mại toàn diện" dự báo còn leo thang trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, giới chuyên môn đưa ra nhiều nhận định, dự báo về những tác động tại Mỹ cũng như trên toàn cầu về lâu dài.
Lợi bất cập hại
Khi tuyên bố chính sách thuế quan, ông Trump nói rằng điều này sẽ "tạo của cải to lớn cho đất nước chúng ta, giúp trả hết nợ và làm cho nước Mỹ giàu có trở lại". Tổ chức nghiên cứu Tax Foundation ước tính đợt áp thuế này sẽ giúp Mỹ thu thêm khoảng 100 tỉ USD/năm, nhưng một trong những tác động là giá hàng tiêu dùng sẽ tăng. Một mặt tích cực của tăng thuế là giúp Mỹ bớt lo ngại về việc mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất vào tay những nước có chi phí lao động thấp. Tuy vậy, Viện Cato (Mỹ) cho rằng thuế quan thường dẫn đến "chủ nghĩa bảo hộ lan rộng và tạo ra môi trường thuận lợi cho tham nhũng".
Ông Trump tăng thuế, Trung Quốc trả đũa ngay
Theo tạp chí Forbes dẫn lời Giáo sư Andrew Leahey tại Đại học Drexel (Mỹ), nếu thiếu sự giám sát, thuế quan sẽ bị lợi dụng bởi các công ty và quan chức. "Những người vận động hành lang, đóng góp cho chiến dịch và các mối quan hệ chính trị có thể quyết định ai được hưởng lợi và ai phải chịu gánh nặng thay vì các yếu tố kinh tế khách quan", ông nhận định.
Trên một khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng thuế quan có thể là "công cụ mặc cả" với các nước nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng Viện Cato nhận định thuế quan nằm trong số những "tác hại nhiều mặt của các biện pháp bảo hộ". Một nghiên cứu mới đây của các nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Đại học Zurich (Thụy Sĩ), Đại học Harvard (Mỹ) và Ngân hàng Thế giới đã kết luận các khoản thuế trả đũa mà Trung Quốc và các quốc gia khác áp dụng đối với hàng hóa Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã "tác động tiêu cực đến việc làm", đặc biệt là đối với nông dân.
Giới chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây cảnh báo các chính sách thuế quan của Mỹ có thể kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Trong khi nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 lên 3,3%, tổ chức này cảnh báo "chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn nhất gây rủi ro bất lợi", cũng như căng thẳng địa chính trị và nợ công cao.
Theo AFP dẫn báo cáo của OECD, việc gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm tăng chi phí và giá cả, ngăn cản đầu tư, làm suy yếu sự đổi mới, giảm tăng trưởng, trong khi làm tăng giá nhập khẩu, tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và giảm mức sống của người tiêu dùng.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Edward Fishman tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng thế giới đã thay đổi kể từ "thương chiến lần 1" của ông Trump. Trung Quốc, Nga và thậm chí các đồng minh của Mỹ đã phát triển những lựa chọn trả đũa có thể gây tổn hại đến nền kinh tế và tiêu chuẩn sống ở Mỹ. "Trung Quốc đã rút ra bài học, tỉ mỉ vạch ra các chuỗi cung ứng toàn cầu, xác định các điểm nghẽn mà họ có thể biến thành vũ khí với tác động tàn phá", ông Fishman nhận định, đề cập việc Trung Quốc xác định lợi thế khoáng sản trọng yếu, đầu tư để xóa điểm yếu trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Phố Wall lo lắng ông Trump khơi mào thương chiến, chuyên gia nhận định gì?
Các nước khác cũng tăng cường năng lực chiến tranh kinh tế, như Nga đã tận dụng lợi thế về khí thiên nhiên, nhiên liệu hạt nhân, giảm lệ thuộc vào USD. Nhật Bản gần đây bổ nhiệm vị trí bộ trưởng nội các phụ trách an ninh kinh tế, còn EU và Anh tăng cường đáng kể năng lực cấm vận. "Nếu tiếp tục, ông Trump sẽ gặp rủi ro phát động một vòng luẩn quẩn trả đũa làm tan vỡ nền kinh tế toàn cầu. Khi chuỗi cung ứng bị phá vỡ, giá cả sẽ tăng, tình trạng khan hiếm sẽ quay trở lại và mức sống của chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng", ông Fishman cảnh báo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/se-ra-sao-neu-thuong-chien-keo-dai-185250206214008294.htm
Bình luận (0)