Dùng nước mắt giáo dục trẻ em: Lạm phát cảm xúc?

Báo Thanh niênBáo Thanh niên07/02/2025

Từ nhiều năm trước đã có phong trào các diễn giả đi khắp các trường học, đi đến đâu cũng làm cho học sinh và giáo viên rơi nước mắt, khóc sướt mướt với các câu chuyện ủy mị về tình yêu gia đình.


Nhiều nhà trường ủng hộ cách làm này vì cho rằng đó là phương pháp giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh hiệu quả. Rất nhiều người nghĩ rằng diễn giả càng làm cho học sinh xúc động, rơi nước mắt nhiều về các chủ đề hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, ông bà… thì càng thành công, nếu không làm học sinh xúc động được thì coi như thất bại. Thời gian gần đây, "mô típ" kiểu này có vẻ đang quay trở lại các trường học và gây ra sự băn khoăn cho nhiều người làm việc trong lĩnh vực giáo dục.

Phóng viên Báo Thanh Niên trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục, về hiện tượng này.

Dùng nước mắt giáo dục trẻ em: Lạm phát cảm xúc?- Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam

Lợi dụng cảm xúc là việc làm phản giáo dục

Ông có quan điểm như thế nào về các chương trình giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh bằng cách làm cho học sinh "khóc càng nhiều càng tốt"?

Tôi cho rằng sự xúc động chân thành trước những chân giá trị của đời sống luôn là điều đáng quý và cần gìn giữ. Thế nhưng trước tiên cần phải phân biệt nó với những thứ tình cảm bồng bột kiểu "lên đồng".

Tâm lý học đã nghiên cứu hiện tượng "tâm lý đám đông", còn gọi là "hiện tượng bầy đàn", và kết quả cho ta biết rằng khi ở trong đám đông, con người ta thường có xu hướng hòa nhập với tập thể và mất đi ý thức cá nhân. Điều đó khiến cho nhiều người có thể thực hiện những hành vi phấn khích, khác thường, mà họ có thể không làm khi ở một mình.

Khi những người xung quanh cùng biểu hiện một cảm xúc cao độ trước một sự vật hiện tượng thì cảm xúc đó nhanh chóng lan truyền và tác động lên tất cả các thành viên của đám đông. Sóng cảm xúc lan truyền, phản hồi qua lại, kết hợp và cộng hưởng giống như sóng trên mặt nước. Hiệu ứng đám đông càng mạnh khi mà thành viên của đám đông là những người chưa có nhiều kiến thức, ít trải nghiệm, giống như các bạn học sinh của chúng ta.

Nhiều người đã lợi dụng cơ chế sao chép cảm xúc của đám đông để thao túng cảm xúc và điều khiển hành vi của người khác. Mục đích của việc này có thể tốt hoặc xấu, có thể mang lại lợi ích hoặc gây ra tác hại, phụ thuộc vào tình huống và bối cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lợi dụng cảm xúc là một việc làm phản giáo dục.

Như vậy, các chương trình giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh bằng kỹ thuật "thao túng cảm xúc" có thể gây hệ lụy?

Phần lớn các chương trình trên đều truyền tải thông điệp tích cực tới học sinh, trong đó đề cao tình cảm gia đình, giáo dục lòng biết ơn và trách nhiệm đối với cha mẹ. Đây là những giá trị đạo đức quan trọng cần giáo dục cho học sinh, đặc biệt trong bối cảnh con người ngày càng xa cách với gia đình do ảnh hưởng của công nghệ và đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, việc thao túng cảm xúc của học sinh là phản giáo dục và làm suy giảm giá trị của thông điệp. Rất nhiều học sinh sau cơn "xúc động cấp tính", khi tỉnh lại thì có cảm giác bị dẫn dắt, bị lừa, có thể nảy sinh ra các cảm xúc tiêu cực.

Chính vì vậy không nên khuyến khích triển khai các chương trình "giáo dục kỹ năng sống" dưới hình thức làm học sinh khóc đồng loạt như thế trong các trường học.

Dùng nước mắt giáo dục trẻ em: Lạm phát cảm xúc?- Ảnh 2.

Hàng trăm học sinh một trường rơi nước mắt sau khi nghe một diễn giả nói chuyện về công ơn cha mẹ, thầy cô giáo

Việc làm người khác rơi nước mắt - lợi dụng cảm xúc không chỉ xảy ra trong trường học

Có vẻ như vấn đề mà ông đề cập nó không chỉ xảy ra trong các trường học, mà còn xảy ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn thấy trên mạng xã hội?

Có cảm tưởng như trong thời đại này, cảm xúc đang bị lạm phát. Các cơn bão cảm xúc "quần thảo" trên không gian mạng từ ngày này qua ngày khác, liên tục chuyển từ sự kiện này qua sự kiện khác. Con người nếu bị lạm dụng cảm xúc quá nhiều sẽ dần trở nên vô cảm trước những giá trị tình cảm chân thực trong đời sống.

Ở chiều ngược lại, với những người có vấn đề về cảm xúc, nếu bị thao túng thường xuyên sẽ dẫn tới suy nhược, rơi vào cảm giác tệ hại. Nếu không vượt qua được thì tâm bệnh sẽ ngày càng nặng. Số trường hợp bị khủng hoảng tâm lý do mạng xã hội xảy ra ngày càng nhiều là minh chứng cho điều đó.

Ở ngoài đời sống thì hình thức thao túng tâm lý dựa trên hiệu ứng đám đông cũng diễn ra ở nhiều nơi. Chúng ta có thể thấy trong các tổ chức lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa tiền bạc của người dân. Thay vì "lên đồng" cùng họ, chúng ta cần cảnh báo người dân trước những hiện tượng này để họ biết cách phòng chống rủi ro cho bản thân.

Cần giáo dục nghiêm túc và có hệ thống trong nhà trường về trí tuệ cảm xúc

Vậy trong trường học và hoạt động dạy học, theo ông đâu là phương pháp hiệu quả mà các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh có thể vận dụng để giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh?

Tôi luôn cho rằng mục tiêu con người hướng tới là hạnh phúc, hạnh phúc là do cảm xúc mang lại. Mặc dù cảm xúc có thể mang lại hạnh phúc, nhưng nó cũng có thể gây hại, làm cho cuộc sống của con người tệ đi. Do đó cảm nhận sai về đời sống là hết sức nguy hiểm.

Một trong những điều khó nhất mà con người phải học trong suốt đời mình, đó là làm chủ cảm xúc của bản thân. Cảm xúc vô cùng mạnh mẽ, là chất xúc tác làm sản sinh nguồn năng lượng vô tận, nhưng cảm xúc vốn mù lòa nên nó cần được dẫn dắt bởi tri thức và trí tuệ.

Do đó, trí tuệ cảm xúc là thành tố quan trọng hàng đầu trong cơ cấu trí khôn của con người, nó quyết định rất lớn đến sự thành công của mỗi cá nhân. Trí tuệ cảm xúc không phải là khả năng thấu hiểu cảm xúc của bản thân và của mọi người, mà là khả năng điều khiển cảm xúc để nó giúp đỡ và mang lại lợi ích cho mình, không để nó chống lại mình, làm hại mình và gây hại cho xã hội. Vì vậy, trẻ em cần phải được giáo dục một cách nghiêm túc và có hệ thống trong nhà trường về trí tuệ cảm xúc, bắt đầu từ việc giáo dục lòng đồng cảm cho học sinh từ khi các em học lớp 1.

Trong đó, trẻ em cũng cần phải được giáo dục về lòng biết ơn. Biết ơn rất quan trọng bởi vì nó giúp mỗi người xác định được vị trí của bản thân trong chuỗi giá trị. Biết được phạm vi ảnh hưởng, trường tác dụng của bản thân, từ đó biết tiết chế, biết cư xử đúng mực. Đó chính là nền tảng của một hạnh phúc bền lâu.

Quay lại vấn đề giáo dục lòng yêu thương và biết ơn đối với cha mẹ, người thân, gia đình, tôi cho rằng đây là một trong ba yếu tố quan trọng trong việc giáo dục lòng biết ơn, bao gồm: biết mình nhận gì từ ai; biết mình đóng góp được gì; biết mình mang lại lợi ích cho ai. Cả ba cái "biết" này chỉ có thể hình thành trong quá trình học tập và lao động. Một người lười học tập, lười lao động thì không thể nào biết ơn được, dù là có khóc đến bao nhiêu đi chăng nữa.

Xin cảm ơn ông!



Nguồn: https://thanhnien.vn/dung-nuoc-mat-giao-duc-tre-em-lam-phat-cam-xuc-185250123172510346.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available