Đức lo ngại Nga, Mỹ can thiệp bầu cử, Hàn Quốc chặn DeepSeek, Philippines và Mỹ thảo luận về "tái lập răn đe" ở Biển Đông, Mỹ đồng loạt chuẩn bị biểu tình phản đối Tổng thống Trump, Argentina tuyên bố rút khỏi WHO, đụng độ đẫm máu tại biên giới Niger… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 6/2. (Nguồn: Tân Hoa Xã) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Philippines và Mỹ thảo luận về "tái thiết lập răn đe" ở Biển Đông: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tái khẳng định cam kết "không thể lay chuyển" của Washington đối với hiệp ước phòng thủ chung với Philippines trong cuộc điện đàm với người đồng cấp ở Manila, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông.
Theo thông cáo của Lầu Năm Góc về cuộc điện đàm ngày 5/2 giữa ông Hegseth và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr, "các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tái thiết lập răn đe ở Biển Đông" và nhu cầu tăng cường "năng lực và khả năng" của quân đội Philippines.
Tháng 1 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã chỉ trích các hành động trên biển "nguy hiểm và gây mất ổn định" của Trung Quốc, tuyên bố đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt. (Bloomberg)
*Hàn Quốc chặn truy cập DeepSeek trên máy tính quân sự: Giới chức Hàn Quốc ngày 6/2 cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã chặn truy cập công cụ trí tuệ nhân tạo DeepSeek trên các máy tính của bộ được sử dụng cho mục đích quân sự.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Hàn Quốc đã chặn truy cập công cụ DeepSeek của Trung Quốc do lo ngại nguy cơ thu thập dữ liệu người dùng. (Reuters)
*Chủ tịch Trung Quốc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan: Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại thủ đô Bắc Kinh ngày 6/2 trong bối cảnh hai nước đang hướng tới quan hệ chặt chẽ hơn khi toàn cầu ngày càng bất ổn.
Bà Paetongtarn đang thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5-8/2, chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của bà kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái. Chuyến thăm diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Thái Lan.
Cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và bà Paetongtarn diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với cuộc thương chiến mới với Mỹ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc khởi kiện Mỹ lên WTO, dùng 'độc trị độc' đáp trả tương xứng |
*Trung Quốc khởi kiện Mỹ tại WTO: Ngày 5/2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết Trung Quốc đã khởi kiện về thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trong tuyên bố được WTO trích dẫn, chính phủ Trung Quốc cho biết các biện pháp nêu trên dường như không phù hợp với các nghĩa vụ của Mỹ theo thỏa thuận dẫn đến việc thành lập cơ quan thương mại này.
Trước đó, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc đáp trả bằng các loại thuế nhắm vào hàng nhập khẩu năng lượng, ôtô và phụ tùng máy móc của Mỹ. (THX)
*Pakistan muốn giải quyết mọi vấn đề với Ấn Độ thông qua đàm phán: Ngày 5/2, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết Pakistan muốn giải quyết mọi vấn đề, bao gồm cả Kashmir, với Ấn Độ thông qua đàm phán khi ông nhắc lại sự ủng hộ "không ngừng" của mình đối với người dân Kashmir.
Thủ tướng Sharif kêu gọi: “Ấn Độ nên thoát ra khỏi suy nghĩ về ngày 5/8/2019 và thực hiện những cam kết với Liên hợp quốc cũng như khởi động một cuộc đối thoại”. Ông ám chỉ đến việc Ấn Độ năm 2019 đã bãi bỏ Điều 370 của Hiến pháp vốn hủy bỏ quy chế đặc biệt của Jammu & Kashmir cũng như chia bang này thành hai Vùng lãnh thổ Liên minh.
Ấn Độ nhiều lần tuyên bố mong muốn quan hệ láng giềng bình thường với Pakistan. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ sau khi Ấn Độ bãi bỏ Điều 370. (the Dawn)
Châu Âu
*Nga, Mỹ gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh: Hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đang ở “giai đoạn cao điểm”.
Ông Slutsky tiết lộ cuộc gặp có thể diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 tới. Quan chức Hạ viện Nga bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình Trung Đông.
Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin đều bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc gặp với chương trình nghị sự có thể bao gồm kiểm soát vũ khí hạt nhân và giá năng lượng toàn cầu, cũng như mục tiêu đã tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ là nhanh chóng chấm dứt chiến sự ở Ukraine. (Reuters)
* Đức lo ngại Nga và Mỹ can thiệp bầu cử: Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Hiệp hội công nghiệp Bitkom của Đức tiến hành cho thấy có gần 90% người dân nước này lo ngại các chủ thể nước ngoài, chủ yếu từ Nga và Mỹ, đang cố gắng gây ảnh hưởng đến những cuộc bầu cử sắp tới thông qua mạng xã hội.
Cuộc thăm dò dư luận của Bitkom đã tiến hành lấy ý kiến của hơn 1.000 cử tri hợp lệ vào tháng trước. Kết quả ghi nhận 45% người được hỏi cho rằng Nga đang đi đầu trong các nỗ lực thao túng bầu cử, theo ngay sau là Mỹ với 42%, vượt xa Trung Quốc (26%) và Đông Âu (8%). (DW)
*Nga thay lãnh đạo Cơ quan hàng không vũ trụ: Ngày 6/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh cách chức Tổng giám đốc Cơ quan hàng không vũ trụ LB Nga (Roscosmos) Yuri Borisov và bổ nhiệm quan chức Bộ giao thông Dmitry Bakanov vào vị trí này.
Bình luận về quyết định nhân sự tại cơ quan quan trọng này, Phó chủ tịch thứ nhất Uỷ ban Duma quốc gia (Hạ viện) Nga về chính sách kinh tế Denis Kravchenko khẳng định ngành hàng không vũ trụ Nga đang cần có những thay đổi mạnh, liên quan đến sự tham gia của nhà nước và cân bằng giữa lợi ích tư nhân và quốc gia. (Sputniknews)
TIN LIÊN QUAN | |
![]() |
Nga chỉ ra 'công thức' cho Mỹ để bình thường hoá quan hệ |
*Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc về hòa bình ở Ukraine: Đại sứ Nga tại London Andrey Kelin cho biết Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại rất nghiêm túc về giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraine, nhưng không thay đổi lập trường trước đây của mình.
Vị Đại sứ lưu ý "hiện tại rất nhiều thứ phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra trong những tuần và tháng tới", nhưng Nga cần hiểu rõ những gì sẽ được đưa ra tại các cuộc đàm phán sắp tới. Theo ông, Nga sẵn sàng tiến hành đàm phán dựa trên dự thảo thỏa thuận hòa bình đã được đưa ra tại Istanbul vào mùa Xuân năm 2022.
Theo ITV, ông Kelin cũng khẳng định Nga sẽ không sẵn sàng đi đến bất kỳ thỏa thuận nào cho đến khi Ukraine tổ chức bầu cử Tổng thống mới. Đại sứ Nga cho biết hiện Moscow đang tiến hành "các cuộc tiếp xúc rất sơ bộ với phía Mỹ". (TASS)
*Thủ tướng Pháp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội: Thủ tướng Pháp Francois Bayrou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội do phe cánh tả cứng rắn đề xuất, sau khi đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu và đảng Xã hội trung tả không ủng hộ kiến nghị này.
Ngày 5/2, 128 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị đầu tiên, thấp hơn nhiều so với mức 289 phiếu cần thiết.
Các nghị sĩ cực tả đã đệ trình 2 kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Bayrou sau khi ông viện dẫn quyền hiến định đặc biệt để thông qua dự luật ngân sách năm 2025. (Reuters)
*Ukraine gia hạn tình trạng chiến tranh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký luật gia hạn tình trạng chiến tranh và lệnh tổng động viên trên toàn quốc thêm 90 ngày, từ ngày 8/2 đến ngày 9/5.
Các đại biểu Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) đã bỏ phiếu gia hạn tình trạng chiến tranh và lệnh tổng động viên ngày 15/1 và hết hiệu lực ngày 7/2.
Ngày 24/1 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết vấn đề ở Ukraine. Ngày 4/2, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán với lãnh đạo Nga nếu "không còn lựa chọn nào khác".
Trước đó, vào tháng 10/2022, ông Zelensky đã ký sắc lệnh từ chối đàm phán với Nga trong thời gian ông Putin là nguyên thủ quốc gia. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
*Quân đội Israel lập kế hoạch cho người dân Gaza "tự nguyện rời đi": Truyền thông Israel đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz ngày 6/2 đã chỉ thị quân đội chuẩn bị kế hoạch cho phép người dân "tự nguyện rời khỏi" Dải Gaza.
Chỉ thị này được đưa ra sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch Mỹ tiếp quản Gaza, tái định cư người Palestine đang sinh sống tại đây và biến lãnh thổ này thành "Riviera của Trung Đông".
Kênh truyền hình Channel 12 của Israel dẫn lời ông Katz: "Tôi hoan nghênh kế hoạch táo bạo của Tổng thống Trump, người dân Gaza nên được tự do rời đi và di cư, như thông lệ trên toàn thế giới".
Channel 12 đưa tin, kế hoạch của ông Katz sẽ bao gồm các phương án di dời qua các cửa khẩu đường bộ, cũng như những sắp xếp đặc biệt cho việc di chuyển bằng đường biển và không vận. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
![]() |
Mỹ 'chữa cháy' sau đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Trump về tiếp quản Dải Gaza |
*Đụng độ đẫm máu tại khu vực biên giới Niger: Quân đội Niger vừa công bố thông tin về vụ đụng độ nghiêm trọng tại khu vực biên giới phía Tây, khiến 10 binh sĩ thiệt mạng và buộc phải thực hiện không kích trả đũa, tiêu diệt 15 phần tử khủng bố.
Theo thông báo từ phía quân đội Niger ngày 5/2, vụ việc xảy ra tại khu vực Tillaberi giáp ranh với Burkina Faso, khi một đơn vị quân đội đang thực hiện nhiệm vụ truy tìm những kẻ tình nghi trộm gia súc đã bị phục kích vào ngày 3/2. Mặc dù đã điều động lực lượng tăng viện trên bộ và không quân ngay sau khi sự việc xảy ra, nhưng các đối tượng tấn công đã kịp tẩu thoát.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Niger đang trải qua những biến động chính trị sau cuộc đảo chính hồi tháng 7/2023, khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum, người được đánh giá là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel. (AFP)
* UAE làm trung gian trao đổi 300 tù binh Nga và Ukraine: Trong một bước tiến đáng kể hướng tới nỗ lực hòa giải nhân đạo, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thành công trong việc làm trung gian cho cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn giữa Nga và Ukraine. Theo thông báo từ hãng thông tấn Emirates (WAM), 150 tù binh từ mỗi bên đã được trao trả an toàn vào ngày 5/2.
Đây được xem là thành công đáng ghi nhận thứ 12 trong chuỗi nỗ lực hòa giải của UAE kể từ đầu năm 2024. Tính đến nay, tổng số tù binh được phóng thích thông qua vai trò trung gian của UAE đã lên tới 2.883 người từ cả hai phía. (Al Jazeera)
*Mỹ bác bỏ khả năng tấn công Iran:Theo báo Times of Israel ngày 5/2,Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận các báo cáo cho rằng Mỹ và Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Iran, nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận với Tehran.
Ông Trump tuyên bố: "Tôi muốn Iran trở thành một quốc gia vĩ đại và thành công, nhưng không được sở hữu vũ khí hạt nhân. Các báo cáo cho rằng Mỹ sẽ hợp tác với Israel tấn công Iran là phóng đại quá mức. Tôi thích một thỏa thuận hạt nhân cho phép Iran phát triển và thịnh vượng một cách hòa bình". (Times of Israe)
*Somalia bắt giữ tàu chở vũ khí bất hợp pháp: Lực lượng an ninh Somalia vừa bắt giữ một tàu chở hàng quân sự trái phép tại bang Puntland, miền Đông Bắc nước này. Sự việc diễn ra trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng sau cuộc không kích của Mỹ nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Theo thông báo ngày 5/2 từ Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Puntland, con tàu bị chặn lại vào đêm 3/2 khi đang di chuyển ngoài khơi bờ biển khu vực Qaw thuộc vùng Bari - điểm cực Đông của vùng Sừng Châu Phi. Tàu này chở theo một số lượng lớn quân phục và thiết bị quân sự. Con tàu do các công dân Somalia điều khiển, tuy nhiên điểm đến và mục đích của chuyến hàng vẫn đang được điều tra làm rõ. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản Gaza mà không cần binh sĩ: Tổng thống Donald Trump ngày 6/2 tuyên bố Israel sẽ bàn giao Dải Gaza cho Mỹ sau khi chiến sự kết thúc và Lầu Năm Góc không cần triển khai binh sĩ tại đây.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, bổ sung cho những bình luận gây tranh cãi về tương lai của Gaza trong tuần này, ông Trump viết: “Israel sẽ bàn giao Dải Gaza cho Mỹ khi kết thúc chiến sự. Người Palestine... sẽ được tái định cư tại những khu vực an toàn và đẹp đẽ hơn nhiều, với những ngôi nhà mới hiện đại, trong khu vực”. Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Mỹ không cần triển khai bất cứ binh sĩ nào!”. (Reuters)
*Panama bác tin miễn phí cho tàu Mỹ đi qua: Cơ quan quản lý kênh đào Panama tối 5/2 tuyên bố họ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào liên quan đến phí hoặc quyền qua kênh đào này, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các tàu của Chính phủ Mỹ có thể đi qua đây mà không phải chịu những khoản phí như vậy.
Tuyên bố trên nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Cơ quan quản lý kênh đào Panama, như đã nêu rõ, sẵn sàng thiết lập đối thoại với các quan chức Mỹ liên quan tới việc các tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này.
Trước đó cùng ngày, trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: "Chính phủ Panama đã đồng ý không thu phí đối với tàu của Chính phủ Mỹ khi quá cảnh qua kênh đào Panama". (Reuters)
*Tổng thống Mỹ chuẩn bị sắc lệnh hành pháp giải thể Bộ Giáo dục: Kênh truyền hình CNN ngày 5/2 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp nhằm khởi động kế hoạch loại bỏ Bộ Giáo dục. Đây là hành động mới nhất của ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng nhằm mau chóng thực hiện các cam kết tranh cử.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng đề nghị sáp nhập Bộ Giáo dục và Bộ Lao động, nhưng kế hoạch này đã bất thành cho dù đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. (AFP)
*Nước Mỹ đồng loạt chuẩn bị biểu tình phản đối chính sách của ông Trump: Một phong trào biểu tình quy mô lớn đang lan rộng khắp nước Mỹ, nhằm phản đối các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump và đặc biệt là Dự án 2025 - một cẩm nang chính trị được cho là mang xu hướng cực hữu về cách điều hành chính phủ và xã hội Mỹ.
Theo thông tin từ hãng tin AP, phong trào này đang được tổ chức rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội với hai hashtag chính là #buildtheresistance và #50501. Con số này tượng trưng cho kế hoạch tổ chức đồng loạt 50 cuộc biểu tình tại 50 bang của nước Mỹ trong cùng một ngày. Các nhà tổ chức đã lên kế hoạch chi tiết cho các cuộc biểu tình, với địa điểm chính là các tòa nhà quốc hội bang và nhiều thành phố lớn khác. (AFP)
*Brazil khẳng định BRICS có quyền tìm giải pháp thay thế USD: Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có quyền tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng USD trong giao thương quốc tế, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại với Brazil.
Tổng thống Lula da Silva còn đưa ra cảnh báo cứng rắn về việc Brazil sẽ áp dụng nguyên tắc có đi có lại nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thuế quan: "Chúng tôi sẽ không ngần ngại điều chỉnh thuế lên đến mức 35% theo quy định của WTO nếu cần thiết".
Nhà lãnh đạo Brazil cũng bày tỏ quan ngại về việc sự phụ thuộc vào đồng USD đang tạo ra những rào cản thương mại và hạn chế chủ quyền tài chính của các nước đang phát triển. (AFP)
*Argentina tuyên bố rút khỏi WHO: Ngày 5/2, người phát ngôn Phủ Tống thống Argentina Manuel Adorni tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và khẳng định với quyết định này, Buenos Aires “đang hướng tới một quốc gia có chủ quyền trong các vấn đề y tế".
Cùng ngày trên tài khoản X, Tổng thống Milei cũng chỉ trích chính sách phong tỏa được áp dụng ở Argentina trong đại dịch COVID-19, trong đó ông cáo buộc WHO đã tiếp tay cho hành động này và việc cách ly là “tội ác chống lại loài người”. Việc Argentina rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực khi Tổng thống Milei ký sắc lệnh thông qua. (AP)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-62-nga-my-gap-rut-chuan-bi-gap-thuong-dinh-trung-quoc-khoi-kien-my-len-wto-ukraine-gia-han-tinh-trang-chien-tranh-303432.html
Bình luận (0)