Chiều 18/2, trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác của Bộ và Sở GTVT các địa phương có mặt trên quốc lộ 53 để kiểm tra hiện trường.
Từ điểm đầu của quốc lộ 53 tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, đoàn công tác đi về hướng Trà Vinh và dừng chân trên quốc lộ ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo các phương án mở rộng, nâng cấp tuyến quốc lộ 53, Thứ trưởng lưu ý các đơn vị, địa phương về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, các phương án xây dựng mới, mở rộng các cầu trên tuyến.
Trước đó, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo ba tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có tuyến quốc lộ 53 nối Vĩnh Long và Trà Vinh, tổng mức đầu tư cho tuyến quốc lộ này dự kiến hơn 2.617 tỷ đồng.
Đối với quốc lộ 53, phạm vi mở rộng dự kiến từ Km 11+295 thuộc địa phận xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối dự kiến tại Km 56+180 thuộc xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Chiều dài toàn tuyến là 41km, trong đó đoạn qua Vĩnh Long dài 25km, qua Trà Vinh dài 16km.
Dự án sẽ nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Mặt đường rộng 11m bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ đã đảm bảo quy mô sẽ giữ nguyên hiện trạng.
Đáng chú ý, trong dự án này sẽ xây dựng tuyến tránh, dự kiến từ Km 23+300 – Km 46+325 (tránh thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Chiều dài tuyến tránh là 17km, rút ngắn 5km so với tuyến cũ.
Sau chuyến kiểm tra tại quốc lộ 53, đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu tiếp tục di chuyển đến huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để kiểm tra hiện trường phục vụ dự án nâng cấp kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền.
Trước đó, hồi cuối năm 2023, Bộ GTVT giao Ban Quản lý các dự án đường thủy lập báo cáo, nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp tuyến kênh này.
Kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền đi qua các huyện Lai Vung, Châu Thành và thành phố Sa Đéc của Đồng Tháp. Đây là tuyến đường thủy ngắn nhất nối sông Tiền và sông Hậu.
Dù vậy, hiện trạng lòng kênh rộng 25 – 40m nhưng nông dưới 2m, nhiều đoạn cong, hẹp, tĩnh không cầu dưới 3,5m khiến tàu lớn khó lưu thông.
Kinh phí dự kiến cho dự án này hơn 2.270 tỷ đồng. Sau nâng cấp, tuyến kênh này sẽ đạt chuẩn luồng tàu kênh cấp 3 – đường thủy nội địa.
Công trình sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa sông Tiền và sông Hậu còn 20km, và gần hơn 45km khi từ cảng Sa Đéc đi cảng Cái Cui của thành phố Cần Thơ, ước tính giảm 30% chi phí vận chuyển.