Mở hướng đột phá cho khoa học

Người Lao ĐộngNgười Lao Động23/02/2025

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường, cho rằng NQ57 có thể được coi là "khoán 10" trong lĩnh vực KH-CN.


Sau khi xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thể ra lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng lòng chung sức xây dựng đất nước phát triển.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội (QH) thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Kỳ vọng tạo đà bứt phá

Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW (NQ57) ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành, QH đã thông qua nghị quyết quan trọng với nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, với những chính sách lần đầu được cho phép thí điểm, nhằm thể chế hóa, sớm đưa NQ57 vào cuộc sống và được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển bứt phá cho KH-CN trong thời gian tới.

Khi thảo luận ở tổ về nghị quyết của QH, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghị quyết thí điểm của QH đưa ra không chỉ vì mục tiêu khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hệ thống pháp luật mà còn góp phần thúc đẩy, khuyến khích để phát triển KH-CN.

Theo Tổng Bí thư, KH-CN là miền đất hoang vu cần khai thác, có sự mạo hiểm, rủi ro, chứ không phải đường rộng thênh thang ai cũng có thể đến được; nếu để chờ đầy đủ điều kiện thì rất khó. Nghị quyết thí điểm của QH là bước đầu để thể chế hóa NQ57, về lâu dài cần tiếp tục sửa chữa các luật để đồng bộ, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, có sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học. Chúng ta cần đổi mới tư duy, cách làm, nhìn thẳng vào vấn đề của thực tế để có cách tháo gỡ và không ngại vấn đề gì.

Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ hai và lần thứ ba (khóa X) vừa diễn ra, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có những hiến kế việc MTTQ tham gia triển khai thực hiện NQ57.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường, cho rằng NQ57 có thể được coi là "khoán 10" trong lĩnh vực KH-CN. Với vai trò và sứ mệnh của mình, MTTQ phải sử dụng và phát huy tối đa lực lượng nòng cốt là Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, bởi nếu biết động viên, lắng nghe tiếng nói của các nhà khoa học, sẽ tạo đột phá trong phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Khách tham quan gian hàng của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: THẾ HOÀNG

Khách tham quan gian hàng của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: THẾ HOÀNG

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, nhìn nhận NQ57 ra đời không chỉ tạo cảm hứng cho các nhà khoa học, doanh nghiệp mà còn mở ra hướng đột phá cho KH-CN.

Theo ông Huân, đứng trước làn sóng KH-CN, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử, công nghệ sinh học, nếu không nắm bắt được thì đất nước sẽ tụt hậu, nắm bắt được thì Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia phát triển. Vì vậy, ông đề nghị MTTQ cần nắm bắt cơ hội đất nước đang đón làn sóng KH-CN để ra lời kêu gọi toàn dân thi đua, tham gia vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học, doanh nghiệp để kiến nghị tháo gỡ khó khăn, từ đó thúc đẩy, tạo đột phá trong phát triển KH-CN.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhấn mạnh KH-CN là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc, đã được thực tiễn chứng minh. Việc cần làm là hoàn thiện thể chế, từ đó huy động mọi nguồn lực để phát triển KH-CN, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hoàn thiện thể chế, thu hút nhân tài

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, muốn đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đất nước cần tập hợp, có chính sách, trong đó có vấn đề nhập lại quốc tịch, để thu hút được đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài cống hiến cho đất nước.

Đồng tình, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, cho rằng trong tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam sẽ có những kiến nghị tới Đảng, Nhà nước để sớm giải quyết vấn đề quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được cấp căn cước công dân và định danh cá nhân, để kiều bào luôn hướng về quê hương, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), cho rằng mỗi kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc luôn sẵn sàng tâm thế góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, trong đó chú trọng hợp tác về lĩnh vực KH-CN.

Vui mừng khi NQ57 ban hành, ông Trần Hải Linh cho biết VKBIA đã nhanh chóng cùng các đơn vị tại Hàn Quốc phối hợp, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phát triển KH-CN.

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển mạng lưới sẵn có tại Hàn Quốc và các nước khác, phát triển đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Hy vọng đối với những lĩnh vực về đầu tư bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, VKBIA sẵn sàng là cầu nối hữu hiệu, không chỉ mang tới giá trị về kinh tế, thương mại mà còn mang lại chất xám, giá trị đầu tư về con người" - ông Linh bày tỏ.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm chủ về năng lượng và công nghệ sẽ tạo ra nội lực giúp đất nước đứng vững và có được bước phát triển đột phá, vượt bậc trong kỷ nguyên mới. Để làm được điều đó, cần từng bước hoàn thiện thể chế và phát triển con người. Tiến trình này cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Lòng dân phấn chấn, tự hào

Liên quan đến ý kiến các đại biểu kiến nghị MTTQ ra lời kêu gọi toàn dân cùng bước vào kỷ nguyên mới, ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết lòng dân phấn chấn, tự hào và tự tin khi Đảng, Nhà nước đưa ra quyết sách có tính lịch sử, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình.

"Ban Thường trực sẽ nghiên cứu kỹ, xây dựng từng đề án cụ thể, thống nhất với những cơ quan liên quan và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền để Đoàn Chủ tịch có thể ra lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, đồng lòng chung sức xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - ông Đỗ Văn Chiến nói.



Nguồn: https://nld.com.vn/mo-huong-dot-pha-cho-khoa-hoc-cong-nghe-196250222220852477.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Nhân vật

Người cha Pháp đưa con gái về VN tìm mẹ: Kết quả ADN sau 1 ngày không tin được
Cần Thơ trong mắt tôi
Video 17 giây cảnh Măng Đen đẹp tới nỗi dân mạng nghi ngờ cắt ghép
Mỹ nhân phim giờ vàng gây sốt vì vai nữ sinh lớp 10 quá xinh dù chỉ cao 1m53

No videos available