Chia sẻ với PV VNN, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết cơ cấu bữa ăn của người Việt có sự thay đổi rõ rệt trong 10 năm qua. Khẩu phần ăn cân đối hơn, gần tiếp cận với nhu cầu khuyến nghị về các chất sinh năng lượng từ glucid, protein, lipid.
Tuy nhiên, tính cân đối của khẩu phần vẫn chưa đảm bảo, khẩu phần ăn hàng ngày ở nhiều nơi vẫn còn quá nhiều đạm động vật. Mức tiêu thụ thịt bình quân 134 gam/người/ngày, trong đó thịt đỏ là 95,5g (nhu cầu khuyến nghị 70g/người/ngày), thịt gia cầm 36,2g, các sản phẩm từ thịt là 4,7g. Với khu vực thành thị, mức tiêu thụ thịt còn cao hơn, riêng thịt đỏ là 155,3g, thịt gia cầm 36,5g và các sản phẩm từ thịt là 3,9g.
Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau xanh và hoa quả) của người Việt đã làm gia tăng các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rối loạn mỡ máu,…
Ăn thịt đỏ bao nhiêu để an toàn cho sức khỏe?
Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa kỳ đã đưa ra khuyến nghị nên tiêu thụ không quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần. Tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350 – 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.
7 dấu hiệu cơ thể cảnh báo bạn đang ăn quá nhiều thịt
Chướng bụng, đầy hơi
Các protein trong thịt, đặc biệt là thịt đỏ, làm cơ thể khó phá vỡ, dẫn đến đầy hơi. Chúng cũng chứa nhiều chất béo khiến dạ dày trống rỗng, chướng lên hoặc khó chịu. Tiêu hóa thịt không đúng cách có thể gây tích tụ chất độc trong cơ thể.
Táo bón thường xuyên
Nếu bạn đang ăn quá nhiều thịt, ít chất xơ, bạn có thể bị táo bón. Mặc dù thịt bò là một trong những protein dễ tiêu hóa nhất, nhưng ăn quá nhiều có nghĩa là làm mất cân bằng trong chế độ ăn uống của bạn. Nên ăn thịt chừng mực và phải đảm bảo ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ và giữ nước.
Hay đói
Nếu bạn luôn thấy đói, dù vừa ăn xong, điều đó có nghĩa là cơ thể đã hấp thụ quá nhiều chất đạm. Khi bạn không có đủ carbs, lượng đường giảm đi, cơ thể không sản sinh đủ hormone serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng, khiến bạn thấy đói. Thử cắt giảm thịt trong vài ngày, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.
Huyết áp cao
Thịt khi được chế biến và nấu chín có hàm lượng natri cao vì chúng được ướp, bảo quản bằng muối. Ngoài ra, hàm lượng chất béo bão hòa cao trong thịt đỏ có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến bệnh tim mạch.
Hay buồn ngủ
Thịt là loại thực phẩm giàu protein, có khả năng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Nhưng vấn đề là protein được cơ thể hấp thụ chậm. Do đó, protein không thể cung cấp năng lượng nhanh, tức thời cho cơ thể như các thực phẩm có nhiều tinh bột. Vì thế, bộ não có thể kém tập trung và tạo cảm giác buồn ngủ.
Quầng thâm dưới mắt
Nhiều người nghĩ rằng quầng thâm dưới mắt là do thiếu ngủ, mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu bạn đột nhiên thấy chúng xuất hiện rất nhiều sau khi ăn thịt, đó là dấu hiệu cơ thể không tiêu hóa thịt đúng cách. Khi đó, thành ruột bị tổn thương, các chất độc có thể ngấm vào máu. Cơ thể cố gắng tạo ra kháng thể để loại bỏ các chất lạ nên chúng tạo ra quầng thâm dưới mắt.
Xuất hiện mùi cơ thể
Khi bạn ăn, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng để tiêu hóa và xử lý thức ăn. Đây được gọi là quá trình sinh nhiệt do chế độ ăn gây ra, và nó thực sự có thể làm tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể.
Vì protein là thức ăn cần nhiều năng lượng nhất để tiêu hóa, nên nó có thể có tác động lớn hơn đến quá trình sinh nhiệt so với các loại thực phẩm khác. Vì vậy, việc ăn quá nhiều thịt sẽ làm cơ thể bạn đổ mồ hôi nhiều hơn và gây nên mùi cơ thể khó chịu.