Hoạt động giao lưu quốc tế với các trường đại học Việt Nam không hiếm, nhưng với trường trung cấp còn khá mới mẻ.
Lần đầu biết sơ chế hải sản
Gần như mỗi ngày, nhóm sinh viên, giảng viên Hungary sẽ học chung với các lớp sinh viên, học viên Việt Nam. Mỗi buổi như thế, các bạn được giảng viên, đầu bếp Việt Nam hướng dẫn một món ăn mới. Từ những món quen thuộc như phở bò, phở gà, bún chả, gỏi cuốn, lẩu hải sản, đến những món lạ tai hơn như dê chiên riềng, gà tre hấp mắm nhỉ, cua lột xốt X.O…
Bạn Zahorán Gábor Tamás, sinh viên ngành bếp tại Trung tâm đào tạo nghề Békéscsaba, cho biết mỗi món ăn Việt Nam với bạn là một hành trình trải nghiệm độc đáo vì có nhiều khác biệt với ẩm thực Hungary. Chẳng hạn, cách nêm nếm gia vị đậm đà hơn và cầu kỳ hơn. Những buổi đầu Gábor nói mình không biết cách phối hợp muối, đường, nước mắm như thế nào để nêm ra đúng vị của giảng viên Việt Nam.
Bạn cho rằng lý thú nhất là các món hải sản. Ở Hungary không có biển nên các món hải sản khá nghèo nàn, thay vào đó các món truyền thống của Hungary chỉ tập trung vào thịt heo, thịt bò và rau củ. Vì vậy mà trong những tiết học làm các món tôm, cua, ốc… Gábor và các bạn không ít lần phải há hốc mồm khi lần đầu chứng kiến những kỹ thuật sơ chế, chế biến các loại thực phẩm này.
“Đặc biệt khi phải sơ chế cua sống, mình khá sợ, nhưng cuối cùng được hướng dẫn thì cũng biết cách làm. Lần đầu tiên mình được học những kỹ thuật này”, Gábor nói.
Còn nữ sinh Karasz Zóra, đang học ngành bếp, cho biết khá bất ngờ khi nhiều món ăn của Việt Nam khá cay so với chuẩn chung của người Hungary. Tiêu, ớt được dùng nhiều trong các món gỏi, xào, lẩu… Zóra để ý thấy các món nước chấm của Việt Nam, gần như nước chấm nào cũng được thêm một tí ớt.
Zóra nói đây là lần đầu tiên bạn “xuất ngoại” tham gia một chuyến trao đổi nghề bếp, mà lại đi sang tận một nơi xa như Việt Nam. Nhưng theo Zóra, đã theo học nghề bếp, trải nghiệm là điều tất yếu.
“Trải nghiệm không chỉ trong mà còn ở ngoài nhà trường. Chẳng hạn tại Việt Nam, những món ăn đường phố rất đa dạng và chúng tôi cũng học hỏi từ đó rất nhiều”, Zóra chia sẻ.
Chuyện chiếc máy chuyển ngữ
Ông Hegyi Béla, quản lý bộ phận F&B (dịch vụ ẩm thực) và ông Horváth Ferenc, giáo viên bếp thuộc Trung tâm đào tạo nghề Békéscsaba, là hai thầy tham gia học cùng nhóm sinh viên Hungary trong hơn ba tuần vừa qua.
Cả hai ông đều không giỏi tiếng Anh, và dĩ nhiên là không biết tiếng Việt. Vì vậy trước khi lên đường sang Việt Nam, hai ông sắm cho mình một chiếc máy dịch, sử dụng phần mềm chuyển ngữ của Google để dịch hai chiều giữa tiếng Việt và tiếng Hungary.
Chiếc máy như vật bất ly thân trong mỗi tiết học của ông Béla và ông Ferenc. Khi muốn các đầu bếp Việt Nam lặp lại những đoạn quan trọng, các ông sẽ bấm máy, thu âm và “xi nhan” những giảng viên này hãy nói chậm rãi để máy kịp dịch.
Ngược lại, nếu muốn nói gì, hai ông đưa máy lên như với một chiếc micro, sau đó máy sẽ phát giọng đọc tiếng Việt đã được chuyển ngữ cho giảng viên và bạn học người Việt.
Ông Béla cười và chia sẻ nghe có vẻ rườm rà vậy thôi nhưng ông đã học gần như đầy đủ các chi tiết trong từng bài học với chiếc máy dịch. Ông khoe với mỗi bài, tương ứng với một món ăn, ông ghi chép chi tiết vào điện thoại từ nguyên liệu, phương pháp nấu ăn đến những chi tiết lưu ý nhỏ. Từng công đoạn, ông đều chụp hình và quay phim lại để có thêm tư liệu khi trở về nước.
Chiếc máy dịch cũng được ông Ferenc mang “ngao du” đến một số lễ hội ẩm thực trong thời gian tại TP.HCM, trong đó có một lễ hội ẩm thực lớn quy tụ gần như đầy đủ các món ăn nổi tiếng khắp ba miền. Ông xem đây là dịp may của mình khi có thể cùng một lúc thưởng thức trọn vẹn đặc trưng ẩm thực của nhiều địa phương Việt Nam.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ, ông có thể hỏi thăm những đầu bếp tại các sự kiện về bí quyết làm các món ăn. “Tôi thích nhất là các món hải sản và món phở bò, phở gà của Việt Nam”, ông Ferenc chia sẻ.
Mở ra cơ hội làm việc tại châu Âu
ThS Võ Thị Mỹ Vân, hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cho biết hoạt động trao đổi học thuật với trường nghề ở Hungary lần đầu được trường triển khai từ năm 2024.
Sau khi đoàn sinh viên, giảng viên từ Hungary sang Việt Nam để học hỏi về nghề bếp Việt Nam, dự kiến vào tháng 9 năm nay, một đoàn sinh viên, giảng viên của trường cũng sẽ lên đường sang Hungary trải nghiệm học tập tại đây.
Theo bà Vân, các liên kết quốc tế giúp sinh viên có cơ hội học hỏi, giao lưu và mở ra cơ hội làm việc tại Hungary nói riêng và các nước châu Âu nói chung.
Tin vào con đường của mình
Gábor cho biết trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, được trải nghiệm đến nhiều quốc gia là ước mơ từ nhỏ của bạn. Gábor kể ở nhà khi biết bạn theo học đầu bếp, một số người thân cho lời khuyên làm nghề này khá cực và áp lực.
Bạn cũng khá đồng cảm khi biết ở Việt Nam, nhiều phụ huynh thường khuyên con chọn những hướng đi khác nếu con có mong muốn học nghề bếp vì sợ con vất vả mà lương không cao.
“Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, quan trọng là bạn biết mình muốn gì và đi theo lựa chọn của bản thân. Khi bạn đã có đam mê thì nên đi theo đam mê đó. Những người xung quanh có thể cho bạn những góp ý, nhưng người quyết định tương lai chính là bạn” – Gábor nói.
“Kiên trì và sáng tạo, tôi nghĩ đây là bí quyết thành công cho những bạn trẻ theo học đầu bếp như tôi”, Gábor thêm.