Tính đến thời điểm tháng 8/2023, đã có nhiều chính sách pháp luật có hiệu lực và đi vào cuộc sống, trong đó có nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Tập huấn các luật có hiệu lực tháng 7/2023. Ảnh: K.P
Nhiều luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023
Các Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong đó, Luật quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.
Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Luật thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Luật bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.
Đối với Luật Thanh tra, quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra. Đây cũng là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
Các chính sách tác động mạnh đến đời sống người dân
Đó là quy định được đăng ký xe tại nơi tạm trú, kể từ ngày 15/8, người dân được đăng ký xe mô tô tại nơi tạm trú, công an cấp xã theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an. Khoản 2, Điều 3 nêu rõ, chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú (thường trú, tạm trú) tại địa phương nào thì được đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó; trừ trường hợp trúng đấu giá biển số xe. Với quy định như vậy, từ ngày 15/8, người dân hoàn toàn có thể làm thủ tục đăng ký xe tại nơi tạm trú mà không cần trở về địa phương nơi thường trú để đăng ký, cấp biển số xe.
Ngoài việc cho phép đăng ký xe tại nơi tạm trú, Thông tư 24/2023 của Bộ Công an còn ghi nhận nhiều quy định mới khác như: xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe được giữ lại biển số để cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình; không nộp phạt vi phạm giao thông, người vi phạm không được giải quyết thủ tục đăng ký xe…
Một chính sách cũng được nhiều người dân quan tâm là quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Theo đó, từ ngày 15/8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam của Quốc hội chính thức có hiệu lực.
Luật cũng nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật.
Bên cạnh đó còn một số quy định mới đáng chú ý như bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu; bỏ yêu cầu hộ chiếu phải còn thời hạn 6 tháng đối với người xuất cảnh tạo điều kiện cho công dân di chuyển sang nước ngoài; được làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông online…
Kim Kim