>> Bài 1: Từng bước vượt khó
Bài 2: Chuyển biến từ nhận thức
Vươn mình từ “vùng trũng” giáo dục để thành công như ngày nay là kết quả minh chứng rõ nhất cho sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội đến công tác giáo dục – đào tạo (GD-ĐT). Chính từ nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của sự nghiệp “trồng người” nên cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã cùng chung tay xây dựng nền tảng, “chắp cánh” cho nền giáo dục Bạc Liêu bay cao.
Trẻ mầm non 5 tuổi tham gia Hội thi “Bé vui trò chơi Kidsmart” cấp thành phố, năm học 2012 – 2013 do Phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu tổ chức.
Từ đổi mới cách nghĩ
Việc triển khai, quán triệt sâu sát, hiệu quả Nghị quyết (NQ) 29 đến từng cán bộ, đảng viên… đã góp phần quyết định thay đổi nhận thức của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của NQ. Từ đó, đã có nhiều cách làm hay, nhiều tập thể, cá nhân điển hình hết mình chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Ông Võ Văn Lực – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xem con người là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành công của cách mạng. Tư tưởng xuyên suốt của Đảng là không ngừng đổi mới GD-ĐT nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện NQ 29. Từ đó góp phần thay đổi căn bản, toàn diện nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp giáo dục, tạo đà cho nền giáo dục tỉnh nhà phát triển bền vững”.
Từ việc thay đổi về cách nghĩ đã tạo nên những đổi mới mạnh dạn trong cách làm. Theo Sở KH&ĐT, trong 10 năm (2013 – 2023), UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực giáo dục với tổng mức trên 2.671 tỷ đồng. Song song đó là các nguồn vốn đầu tư phát triển cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư phát triển (nguồn vốn nước ngoài) với hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT được 6 dự án với tổng mức đầu tư trên 284 tỷ đồng. Trong đó đã có 4 dự án đi vào hoạt động.
Nói về sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bà Lê Kim Thúy – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, cho biết: “Sau khi được quán triệt NQ 29, Kế hoạch 30 của BTV Tỉnh ủy, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 38 và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, công tác xây dựng đảng trong trường học được đặc biệt chú trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT cũng được quan tâm hơn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, ngành Giáo dục TP. Bạc Liêu đã có những bước tiến vượt bậc, không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất cho các hoạt động GD-ĐT mà còn gặt hái nhiều thành công khi nâng dần chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của NQ 29”.
Giờ thực hành môn Vật lý của thầy và trò Trường THPT Giá Rai, năm học 2022 – 2023. Ảnh: C.K
Đến hành động quyết liệt
Cũng chính từ quá trình thay đổi tư duy, nhận thức toàn diện về công tác giáo dục trên cơ sở “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” theo tinh thần NQ 29, các cấp ủy đảng đã có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực, từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để chắp cánh cho nền giáo dục tỉnh nhà bay cao.
Theo đó, các cấp ủy đảng nói chung, ngành Giáo dục nói riêng đã cùng lúc triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các phong trào thi đua của ngành, góp phần xây dựng nền nếp, kỷ cương trong nhà trường. Công tác chăm bồi, phát triển đảng viên trong giáo viên, sinh viên và học sinh THPT được quan tâm. Tính đến ngày 31/3/2023, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên có 5.613 đảng viên, đạt tỷ lệ 62,15%. So với cuối năm 2013 tăng 2.408 đảng viên. Trong đó, các trường THPT có 635 đảng viên (tỷ lệ 56%), các trung tâm GDTX có 98 đảng viên (đạt 75,97%). Trường đại học Bạc Liêu có 149 đảng viên, trong đó có 21 đảng viên là sinh viên.
Về chất lượng giáo dục, những sự thay đổi không chỉ đến từ các con số minh chứng ngày càng tốt hơn mà còn thể hiện cụ thể ở từng đơn vị trường học trong từng cấp học. Trường THPT Giá Rai là đơn vị đầu tiên và duy nhất của cấp học THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt chất lượng kiểm định giáo dục cấp độ 3. Ông Dư Quốc Kiệt – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Sau 10 năm triển khai thực hiện NQ 29, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục cùng với sự nỗ lực của tập thể, từng cá nhân trong đơn vị, các thế hệ học sinh, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân nên sự nghiệp giáo dục của trường THPT Giá Rai đã không ngừng phát triển”.
Cụ thể là đơn vị đã xây dựng được khối đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể sư phạm, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Hợp đồng trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình học sinh, các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó là các giải pháp phù hợp như: nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy học phân hóa phù hợp với năng lực học tập của học sinh; thường xuyên đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; thực hiện tốt công tác giáo dục tri thức cho học sinh theo định hướng “phát triển năng lực học sinh”; thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các tổ chức đoàn thể và Ban đại diện cha mẹ học sinh, các hoạt động ngoài giờ lên lớp…
Với sự chuyển biến đó, chất lượng giáo dục đại trà của đơn vị hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được nâng cao khi số lượng, chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh của đơn vị luôn đạt và vượt chỉ tiêu, đứng đầu các trường THPT trong tỉnh.
Châu Khánh