Генеральный секретарь То Лам работает с ключевыми лидерами провинции

Việt NamViệt Nam06/02/2025


14:54, 06/02/2025

BHG - Sáng 6.2, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chủ trì buổi làm việc.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc về phía T.Ư có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng; Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH T.Ư Đảng, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng T.Ư Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Các đại biểu dự buổi làm việc.

Về phía tỉnh ta có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố; các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của tỉnh.

Thường trực Tỉnh ủy tặng tranh điêu khắc cho Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thường trực Tỉnh ủy tặng tranh điêu khắc cho Tổng Bí thư Tô Lâm.

Báo cáo khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh khẳng định: Với ý chí quyết tâm và sự đoàn kết, thống nhất cao, BCH Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà người có công.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tặng quà người có công.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng

Thực hiện các định hướng, chỉ đạo của T.Ư, BCH, BTV Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động; trong đó, trên 30 nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực, điển hình như các nghị quyết về: Phát triển giáo dục và đào tạo; xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; xây dựng Công an tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…

Thực hiện Kết luận số 09 ngày 24.11.2024 của Ban Chỉ đạo T.Ư về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành T.Ư, BCH, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện theo đúng định hướng của T.Ư, đảm bảo thời gian, tiến độ sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện.

Chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030, các cấp ủy đã quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 35, ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã hoàn thiện lần 5 xin ý kiến đại hội các chi bộ, đảng bộ cơ sở; 100% đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã hoàn thành xây dựng báo cáo chính trị; tổ chức thành công Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với kết nạp đảng viên mới được chú trọng. Kết nạp thêm được trên 10.200 đảng viên; cử 148 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số đi đào tạo nguồn cán bộ cấp tỉnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 36 tổ chức đảng và 1.145 đảng viên…

Kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng

Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân (GRDP) giai đoạn 2020 – 2024 đạt 5,32% (trong đó năm 2024 đạt 6.05%). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.600 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp đồng bộ; các tuyến quốc lộ trên địa bàn được mở rộng quy mô từ 1 làn xe lên 2 làn xe; gần 1.400km đường trục xã, trục thôn và nội đồng được cứng hóa; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% số thôn có đường xe cơ giới đến trung tâm; Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang được triển khai thực hiện. Có 96,1% thôn, 94,8% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Chuyển đổi số, thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện: Hoàn thành 71/83 nhiệm vụ, 37/44 mô hình thực hiện Đề án số 06; chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân đạt 5,6%/năm, với gần 46.200 hộ thoát nghèo, trong đó trên 44.500 hộ dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2020 – 2024, xóa được 19.553 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ. Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng: 100% các huyện có trường THPT Dân tộc nội trú; thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang; toàn tỉnh có 10,17 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,25%...

Du lịch tăng trưởng mạnh, năm 2024 đón gần 3,3 triệu lượt khách, dự kiến năm 2025 đón trên 3,5 triệu lượt khách, tăng trên 33% so với nhiệm kỳ trước. Hà Giang được nhiều tổ chức uy tín trên thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới…

Tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 14 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; trong nhiệm kỳ đã truy tố 173 vụ, 295 bị can. Tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các định hướng của T.Ư về công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Cần sự quan tâm, hỗ trợ của T.Ư

Báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh thông tin: Hà Giang có trên 90.165 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ; đã rà phá được 13.733 ha, chiếm 15,2% tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm. Do đó, đề nghị Quân ủy T.Ư, Chính phủ, Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí, phương tiện, nhân lực trước năm 2030 hoàn thành việc rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, giải phóng đất đai, tạo sinh kế cho Nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên tuyến biên giới của tỉnh.

Để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và đạt hai con số giai đoạn 2026 - 2030, đúng tinh thần chỉ đạo của T.Ư, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm, tỉnh đề nghị T.Ư quan tâm bố trí kinh phí đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang và quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư duy tu, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn; cho chủ trương di dời thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) ra khỏi vùng nguy cơ sạt trượt.

Nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đề nghị T.Ư hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (khối bệnh viện tuyến tỉnh).

Chung tay vì Hà Giang phát triển

Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành T.Ư thành viên đoàn công tác T.Ư đồng tình cao với báo cáo của tỉnh. Đồng thời khẳng định đồng tình, ủng hộ với các đề xuất của tỉnh; các bộ, ngành sẽ phối hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội cho chủ trương thực hiện các dự án đầu tư thúc đẩy phát triển KT – XH, an sinh xã hội cho Hà Giang trong thời gian tới. Các đại biểu gợi mở một số giải pháp phát triển cho tỉnh như: Làm tốt công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, nhất là công tác nhân sự và xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển trong thời gian tới. Cần bám sát vào những định hướng đã xác định trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 để xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện quy hoạch; xác định lại mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh. Khi kinh tế chưa thể phát triển bứt phá phải tập trung làm cho người dân hạnh phúc, được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ giáo dục, y tế; an sinh xã hội được đảm bảo, tạo được sinh kế cho người dân.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển thương mại biên mậu, thương mại điện tử. Khai thác lợi thế về phong cảnh thiên nhiên, văn hóa để phân tích và phát triển du lịch. Làm tốt việc xóa điểm trường lẻ, thành lập các trường nội trú THCS, THPT tại các huyện. Có chế độ chính sách tốt hơn đối với người học và người dạy, nhất là cho các trường nội trú, bán trú; ngoài ngân sách của Nhà nước cần làm tốt công tác xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm…

Tập trung phát triển 3 lĩnh vực trụ cột kinh tế

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Hà Giang đã làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Tổng Bí thư ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực của tỉnh trong 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Hà Giang.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Hà Giang còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, hạ tầng KT – XH và nguồn lực hạn chế, nền kinh tế quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, ngân sách hạn chế… khiến tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh chậm, sự phát triển chưa đạt kỳ vọng.

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá Hà Giang có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, như: Tài nguyên thiên nhiên độc đáo, quý giá cho phát triển nông nghiệp đặc hữu. Tài nguyên du lịch dồi dào và đặc sắc, tiềm năng du lịch rất lớn cần được đánh thức, phát triển. Có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, thị trường rộng lớn và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, lợi thế phát triển kinh tế biên mậu. Có lực lượng lao động trẻ dồi dào, chịu khó… Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Hà Giang cần đánh thức và phát huy hiệu quả các tiềm năng sẵn có để phát triển và tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột: Du lịch; Kinh tế biên mậu; Nông lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao.

Đưa Hà Giang phát triển toàn diện

Về những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối đại đoàn kết toàn dân. Rà soát lại các mục tiêu, chi tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cách làm phải nghiêm túc, khoa học, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần khẩn trương nhất, khuyến khích tạo việc làm mới cho lực lượng lao động dôi dư.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt là công tác nhân sự Đại hội và xây dựng văn kiện Đại hội, thể hiện ý chí khát vọng vươn lên, vững tin bước vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đẩy mạnh phát triển KT – XH, phát huy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, đưa Hà Giang phát triển toàn diện, phấn đấu ít nhất phải bằng mức bình quân chung của cả nước. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, muốn hiện thực hóa những tiềm năng này thành những thành tựu lớn trong phát triển, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của Hà Giang phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, đổi mới chính mình, dám nghĩ, dám làm, cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tìm giải pháp không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của T.Ư.

Đồng chí Tổng Bí thư lưu ý: Phải thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong cả nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, khắc phục những hạn chế về phân mảnh, nhỏ lẻ và chia cắt; tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, đặc sản, hữu cơ, an toàn gắn với phát triển du lịch; phát triển du lịch bền vững với chiến lược đòi hỏi sự năng động, đổi mới, sự hợp tác, liên kết trong xây dựng hệ sinh thái các ngành nghề phục vụ du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch. Đặc biệt là bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa đa dạng, giữ gìn bản sắc thiên nhiên, tính gắn kết cộng đồng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị: Hà Giang cần chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu, phát triển dịch vụ logistics, hạ tầng y tế, giáo dục và các hạ tầng thông minh. Đồng chí nhấn mạnh: Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử lại càng quan trọng với những địa phương xa xôi cách trở như Hà Giang. Chú trọng quản lý phát triển rừng và tài nguyên nước, đây là 2 tài nguyên quý giá tác động lớn đến tương lai phát triển bền vững của tỉnh; gìn giữ, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội, an ninh biên giới phải gắn với bảo vệ văn hóa và phát triển kinh tế biên giới; nâng cao ý thức quốc phòng, khuyến khích các dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới và duy trì ổn định địa bàn.

Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là những kiến nghị rất xác đáng, rất cần thiết và nên tiến hành sớm nhất có thể. Tổng Bí thư lưu ý việc di chuyển  thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) là cần thiết và phải làm sớm, tỉnh có báo cáo chi tiết xin ý kiến các bộ, ngành trình Chính phủ quyết định; các bộ, ngành trình Chính phủ ưu tiên cho Hà Giang thực hiện rà phá bom mìn; tiếp tục cho triển khai giai đoạn 2 cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang từ Tân Quang (Bắc Quang) đi cửa khẩu Thanh Thủy theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh thúc đẩy kinh tế biên mậu, du lịch của Hà Giang. Tổng Bí thư Tô Lâm ủng hộ đề xuất xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (khối bệnh viện tỉnh) nhưng tỉnh cần định hình lại mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo hướng mỗi xã có ít nhất 1 - 2 bác sĩ và mỗi người dân được khám sức khỏe ít nhất 1 năm 1 lần; tiếp tục khai thác, tận dụng hiệu quả nguồn lực 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh:  Với tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang tổ chức thật tốt các chủ trương của Đảng, bám sát trụ cột tăng trưởng mới, biến nhận thức thành hành động hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên cùng đoàn kết, thống nhất cùng triển khai thực hiện thắng lợi theo đúng quan điểm trọng tâm là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và phồn vinh, hạnh phúc.

Tin, ảnh: Nhóm PV



Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202502/tong-bi-thu-to-lam-lam-viec-voi-lanh-dao-chu-chot-cua-tinh-4a038f6/

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available