Интеллектуал, названный в честь реки в его родном городе

Việt NamViệt Nam09/02/2025


(QBĐT) - Đây là một nhân vật đặc biệt, được nhiều trí thức tên tuổi kính nể, đến mức trang. Wikipedia gọi ông là “học giả”. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Thanh Huyên (1931-2013), quê làng Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh). Làng Quảng Xá nằm bên sông Kiến Giang nên ông lấy bút danh là Nguyễn Kiến Giang từ năm 1956, khi được chọn ra công tác ở Nhà xuất bản (NXB) “Sự thật”…

 

Chỉ riêng việc Nguyễn Kiến Giang-một thanh niên tỉnh lẻ xa Thủ đô, bằng cấp chỉ mới đến năm thứ hai bậc trung học (ngày trước gọi là “đệ nhị”), lại được một cơ quan Trung ương tuyển ra làm biên tập viên NXB quan trọng của Đảng khi mới 25 tuổi đã là “sự lạ”.

 

Có sự “đặc cách” này vì nhiều người xem Nguyễn Kiến Giang là “hạt giống đỏ”, do thân phụ của ông-Nguyễn Trung Thầm (1911-1947), tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, bị Pháp bắt giam ở Đồng Hới thời kỳ 1930-1931…

 

Trong bài viết có tính hồi ký “Cha tôi” vừa được công bố trong cuốn sách xuất bản đầu xuân 2025, Nguyễn Kiến Giang kể: “…Tôi sinh ra khi cha tôi còn bị giam. Mẹ tôi kể lại rằng hồi đó, mẹ tôi bế tôi đi thăm cha tôi trong chiếc áo rộng thùng thình của cha tôi. Chuyện ấy về sau thành một điểm “đỏ chót” trong lý lịch của tôi, mà như người ta nói, tôi là “cộng sản từ trong bào thai!...”.

 

Sau khi ra tù, ông Nguyễn Trung Thầm hoạt động trên nhiều “mặt trận”, có khi núp bóng kinh doanh (như mở hiệu thuốc, làm đại lý cho hãng rượu Nam Đồng Ích) tại Đồng Hới để tiện liên lạc với những đồng chí trong tỉnh và miền Trung. Trong “Hồi ký” của Nguyễn Kiến Giang đã dẫn có đoạn viết về cảnh ông Thầm làm “đại lý hãng rượu” như sau: “…Ngoài những người ở các nơi trong tỉnh đến liên hệ mua bán, thỉnh thoảng tôi lại thấy có những người lạ mặt đến gặp cha tôi, thì thào bàn những chuyện gì đó mà tôi “còn là con nít” không biết. Sau này, mẹ tôi nói đó là những đồng chí cách mạng của cha tôi, đến từ các nơi xa. Mẹ tôi có dẫn ra những cái tên Phan Đăng Lưu, Lê Văn Hiến… từ Huế hay từ Đà Nẵng ra. Thường những người này ở lại một vài hôm rồi “biến mất”.

Hai cuốn sách “Suy nghĩ 90” và “Nguyễn Kiến Giang (1931-2013) Niên biểu và Di cảo”.  
Hai cuốn sách “Suy nghĩ 90” “Nguyễn Kiến Giang (1931-2013) Niên biểu và Di cảo”.  

Những năm 1936-1939, khi Chính phủ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, ông Thầm càng hoạt động sôi nổi. Cuộc đời hoạt động của ông Nguyễn Trung Thầm giai đoạn tham gia Việt Minh trước Cách mạng tháng Tám đã được ghi lại trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình”. Lúc đó, Nguyễn Kiến Giang tuy còn ở tuổi thiếu niên, nhưng đã biết theo dõi và cuối đời ghi lại trong “Hồi ký” đã dẫn như sau: “…

 

Các tổ chức Việt Minh được thành lập trong làng và trong vùng, mà cha tôi là một đầu mối quan trọng. Những “đồng chí Việt Minh” trong vùng đến gặp cha tôi bàn bạc công việc, nào tổ chức mít tinh, nào tuyên truyền xung phong, nào phát truyền đơn chống Nhật bắt lính, trong nhà cứ vui như hội. Làng trở thành lá cờ đầu của phong trào Việt Minh trong vùng. Tôi không thể nào quên được không khí thiêng liêng của buổi tối thành lập Việt Minh và tuyên thệ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng…”.

 

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Nguyễn Trung Thầm được điều lên tỉnh, được giao nhiệm vụ Trưởng ty Thông tin tuyên truyền… Thật tiếc, khi ông trên đường ra dự hội nghị cán bộ tỉnh tại chiến khu Thuận Đức, ông bị đột quỵ, liệt nửa người và đã trút hơi thở cuối cùng ngày 3/8/1947. Khi đó, ông mới chỉ 36 tuổi! 

 

Có một người cha như vậy, lại sống trong một làng quê giàu truyền thống cách mạng như thế, nên Nguyễn Kiến Giang tham gia Việt Minh khi mới 14 tuổi, đến 16 tuổi-theo “điều lệ” Đảng lúc đó-được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được dự các lớp huấn luyện, trong đó có lớp do Xứ ủy Trung kỳ mở cuối năm 1945 và năm 1949 đi dự lớp giảng viên của Trường Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc…

 

Sau năm 1954, khi đang công tác tại Tỉnh ủy Quảng Bình, ông dịch cuốn “Luận cương kỷ niệm 50 năm của Đảng Cộng sản Liên Xô (1903-1953)" từ một tờ báo tiếng Pháp, rồi “thử gửi cho NXB Sự thật xem sao”. Không ngờ, năm 1955, NXB in thành cuốn sách mỏng 50 trang. Nhờ đó, ông được điều ra công tác tại NXB Sự thật. Sáu năm công tác tại đây (1956-1962) Nguyễn Kiến Giang đã cho xuất bản liên tiếp nhiều cuốn sách về lịch sử và cách mạng Việt Nam, Liên Xô…

 

Tháng 8 năm 1962, Nguyễn Kiến Giang vẫn được xem là “hạt giống đỏ”, nên đã được cử sang học ở Liên Xô!... Sau đó, những biến động lớn trên chính trường quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và chuẩn mực các giá trị tại nhiều quốc gia. Và thế là ông và một số người-hầu hết là các đồng chí đã tham gia cách mạng từ rất sớm-mạnh dạn bày tỏ những ý kiến mới, không dễ được chấp nhận lúc đó, nhất là khi miền Bắc phải đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc. Thế là ông phải “ẩn danh” cho đến hôm nay, sau 63 năm, mới lại được “chính danh” Nguyễn Kiến Giang trên hai cuốn sách được phát hành đầu xuân 2025 đúng vào dịp 94 năm ngày sinh của ông! Nói cách khác, những thay đổi tư duy “tiền đổi mới” của Nguyễn Kiến Giang đã được thừa nhận!…

 

Điều đặc biệt nữa, mấy chục năm “ẩn danh” lại là thời đoạn Nguyễn Kiến Giang viết và dịch một khối lượng có thể nói là đồ sộ ít người sánh được. Từ khoảng cuối những năm 70, rất nhiều viện nghiên cứu và báo chí-trong đó có Tạp chí “Học tập” và Học viện Nguyễn Ái Quốc, đã “đặt hàng” cho Nguyễn Kiến Giang viết hoặc dịch nhiều đề tài lớn như “Từ điển minh triết phương Đông” (NXB Khoa học xã hội, 1997); “Đạo giáo và các tôn giáo Trung Quốc”, 1999; “Phê phán tính hiện đại”, NXB Thế giới, 2003…; một số công trình này và nhiều bài báo đã được công bố thời đoạn này với các bút danh Lương Dân, Lê Diên, Huyền Giang và gần hai chục bút danh khác nữa trên báo chí cả nước, trong đó có báo: Nhân Dân, Thanh Niên, Lao Động, Tuổi Trẻ...

 

Xin trích vài nhan đề bài báo Nguyễn Kiến Giang đã viết để thấy ông đã tham gia cuộc “đổi mới” thực sự của đất nước hồi năm 1986 như thế nào: “Xây dựng lối sống XHCN ở Việt Nam” (Tạp chí Cộng sản, tháng 2/1981), “Dân chủ và Chủ nghĩa xã hội” (Đề cương trình bày tại Viện Marx-Lenin năm 1987)… Trên Báo Lao Động, từ năm 1986, ông có hàng chục bài viết: “Phê bình và đổi mới” (3/1986), “Vai trò của báo chí và tính công khai” (1/1988)...

 

Hai cuốn sách “Suy nghĩ 90” “Nguyễn Kiến Giang (1931-2013) Niên biểu và Di cảo” vừa xuất bản bìa cứng, khổ lớn, tổng cộng dày 1.100 trang (NXB Thông tin và Truyền thông-Hà Nội, 2025) chỉ là một phần nhỏ trong các công trình nghiên cứu và dịch thuật mà Nguyễn Kiến Giang đã thực hiện. Hai người con của Nguyễn Kiến Giang sưu tập, biên soạn hai cuốn sách này cho biết: “Di sản văn hóa của ông để lại có 30 đầu sách viết, 48 tác phẩm dịch, 62 tiểu luận, đề cương và 66 bài đăng trên các báo… Các tiểu luận của ông thật đa dạng, đủ mọi đề tài đã vượt ra khỏi các giới hạn định chế của xã hội bấy giờ bởi chúng luôn cập nhật tri thức mới của thời đại, truyền tải về tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị, những giá trị phổ quát mà ông mong muốn chúng trường tồn cùng đất nước trong tương lai…”.

 

Tuy mới chỉ là một phần nhỏ di sản tinh thần Nguyễn Kiến Giang để lại được công bố, nhưng từ đây bạn đọc đã có thể hình dung được phẩm cách và trí tuệ của một trí thức suốt đời luôn tìm đến “những giá trị phổ quát” của nhân loại vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Mặt khác, việc 2 cuốn sách của Nguyễn Kiến Giang được “chính danh” đến với bạn đọc rộng rãi có thể xem là một tín hiệu đáng mừng vào lúc đất nước sang xuân, chuẩn bị bước vào “kỷ nguyên mới”, được xem như là cuộc “đổi mới” lần 2, khơi dậy mọi tiềm năng nhằm “xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc” như Chủ tịch nước Lương Cường đã viết trong Thông điệp chúc Tết Ất Tỵ 2025…

Nguyễn Khắc Phê



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/nguoi-tri-thuc-mang-ten-dong-song-que-huong-2224252/

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available