Хранитель души пчеловодческой профессии в У Мине

Г-н Тран Ван Нхи (Ут Нхи, 65 лет, проживает в Гамлете 1, коммуне Нгуен Пхич, городе Минь, Камау) — редкий человек, который уже почти 50 лет занимается поддержанием и развитием профессии пчеловода — нематериального культурного наследия. . драгоценное тело земли У Минь Ха.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên01/02/2025

Sinh ra và lớn lên giữa rừng tràm bạt ngàn, nơi nghề gác kèo ong ăn sâu vào hơi thở cuộc sống cư dân, năm 17 tuổi, ông Nhì đã theo người thân vào rừng học nghề. Những cú đốt đau buốt của ong khiến người mới vào nghề nản lòng, nhưng với ông, đó là thử thách cần vượt qua. Sau khi kiên trì học hỏi, ông trở thành thợ lành nghề, tinh thông các kỹ thuật khai thác mật ong để cho ra sản phẩm chất lượng. Đến nay, ông đã có 48 năm trong nghề.

Ba thế hệ gia đình ông Trần Văn Nhì theo nghề gác kèo ong

ẢNH: GIA BÁCH

Bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống

Ông Nhì chia sẻ, bí quyết gác kèo ong là phải chăm chút, kỹ lưỡng trong khâu chọn cây làm kèo, trong đó cây tràm luôn là sự lựa chọn số 1, bởi có chất lượng, thời gian sử dụng được khoảng 2 năm. Ngoài việc chọn loại cây ưng ý làm kèo thì địa điểm gác kèo cũng quyết định ong có về làm tổ hay không. Đó phải là nơi có trảng sậy, có nắng sáng và chiều soi rọi vào một phần kèo ong. Như vậy, khi ong làm tổ sẽ có mật chất lượng.

"Nhìn hoa tràm nở, tôi biết năm đó trúng hay thất mùa. Nhìn đàn ong bay, tôi biết chúng chọn làm tổ gần hay xa", ông Nhì nói với vẻ tự hào của người từng trải. Những năm tháng dài lặn lội trong rừng đã giúp ông hiểu rõ sự vận hành của tự nhiên.

Mỗi năm, ông Nhì thu hoạch khoảng 600 lít mật, thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng

ẢNH: GIA BÁCH

Ông Nhì không chỉ làm nghề cho riêng mình. Cả gia đình ông, từ con trai là ông Trần Văn Chơn (44 tuổi) đến cháu nội Trần Tuấn Anh (mới 13 tuổi) đều nối nghiệp ông. Từ năm 16 tuổi, ông Chơn đã thành thạo kỹ thuật gác kèo ong, còn cậu bé Tuấn Anh cũng theo ông nội vào rừng học việc từ khi mới lên 10 tuổi. Ba thế hệ cùng chung sống và bảo vệ nghề truyền thống như một di sản thiêng liêng, là minh chứng cho tình yêu và sự cống hiến của ông Nhì dành cho nghề gác kèo ong.

Tâm huyết và ý thức giữ gìn nghề thôi thúc ông Nhì không ngừng học hỏi, chia sẻ với cư dân lân cận. Trước năm 1975, ông cùng 40 hộ gia đình thành lập Tập đoàn Phong Ngạn, một mô hình quản lý và khai thác rừng tập thể. Tập đoàn không chỉ đảm bảo sinh kế cho các hộ gia đình mà còn giúp bảo vệ rừng, không để xảy ra tranh chấp hay cháy rừng trong suốt nhiều thập niên. Hiện tại, tập đoàn được nâng cấp thành Hợp tác xã 19.5 để có tính pháp lý cao hơn, tiếp tục quản lý và khai thác rừng trên diện tích 540 ha, trong đó gia đình ông Nhì quản lý 13,5 ha.

Gần 50 năm trong nghề gác kèo ong, ông Nhì luôn tâm niệm không pha trộn làm giảm chất lượng mật

ẢNH: GIA BÁCH

Theo ông Nhì, đối với những người thợ gác kèo ong, tiêu chuẩn đầu tiên để tồn tại trong tập thể là ý thức gìn giữ tài sản chung. Tài sản đó chính là những cánh rừng bạt ngàn, nơi nuôi sống đông đảo người dân nơi đây. "Bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống của chúng ta", ông Nhì nói.

Nhờ nỗ lực không ngừng và kinh nghiệm phong phú, mỗi năm, ông Nhì thu hoạch khoảng 600 lít mật, thu nhập hơn 300 triệu đồng. Kết hợp với các nguồn thu khác, tổng thu nhập gia đình ông hơn 500 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Hợp tác xã 19.5, cho biết nhiều năm qua, các nhóm ăn ong được tổ chức chặt chẽ, trong đó có những điều luật nghiêm ngặt như phải hỗ trợ lẫn nhau, không trộm tổ ong của người khác, không pha nước vào mật... Các thành viên đều tuân thủ tuyệt đối những điều này.

Gìn giữ di sản

Nghề gác kèo ong trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2020. Đó là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân như ông Út Nhì. Ông Nhì tự hào: "Để có mật ong chất lượng, phải giữ đàn ong. Để có ong, chúng ta phải giữ rừng. Đó là trách nhiệm của người làm nghề như tôi".

Trong khi nhiều bạn bè đã chuyển sang nghề khác làm ăn thì ông Nhì vẫn giữ lửa đam mê, tiếp tục truyền dạy nghề cho thế hệ sau. Chính sự kiên định này góp phần làm cho thương hiệu mật ong U Minh vươn xa, trở thành niềm tự hào của vùng đất Cà Mau.

Trồng và giữ rừng là cách ông Nhì giáo dục con cháu để bảo vệ nguồn sống

ẢNH: GIA BÁCH

Không chỉ giữ lửa nghề, ông Nhì còn lan tỏa tình yêu rừng đến con cháu, nhắc nhở họ về giá trị tài nguyên và di sản thiên nhiên. "Giữ rừng là giữ tương lai, giữ thương hiệu mật ong U Minh là giữ gìn sự sống của chúng ta", ông nói với niềm tin vững chắc.

Hơn nửa đời gắn bó với nghề gác kèo ong, ông Nhì luôn tâm niệm, dù khó khăn đến mức nào cũng không được làm ăn gian dối, không được pha trộn mật ong. "Khai thác mật như thế nào tôi sẽ giữ nguyên như vậy rồi bán cho khách hàng, mấy mươi năm nay chưa bao giờ thay đổi. Chỉ cần một lần bán sản phẩm kém chất lượng thì khách sẽ mất niềm tin, mà đời người mất chữ tín xem như mất hết", ông Nhì bộc bạch.

Nhờ những người như ông, nghề gác kèo ong không chỉ là một công việc mưu sinh, mà còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên, giữa cuộc sống và văn hóa vùng đất U Minh Hạ. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cà Mau, cho biết: "Nghề gác kèo ong không chỉ tạo ra sinh kế bền vững cho nhiều người dân sống dưới tán rừng tràm, mà hiện còn là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Những trải nghiệm ăn ong lấy mật là một trong những hoạt động hấp dẫn nhất đối với khách du lịch khi đến Cà Mau. Từ đây, hình ảnh vùng đất và con người Cà Mau tử tế, hào sảng hiện lên một cách rõ nét".

Nghề gác kèo ong ở H.U Minh và H.Trần Văn Thời (Cà Mau) được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2020. Sản phẩm mật ong U Minh được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xếp vào top 100 quà tặng du lịch năm 2021.


Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available