«Нет другого пути, кроме как содействовать развитию частных предприятий»

Частный бизнес-сектор является эндогенным потенциалом, глубоко укоренившейся, непреходящей ценностью страны, но его развитие идет медленно. Тем не менее, Вьетнаму еще есть куда расти.

VietNamNetVietNamNet08/02/2025

Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp phần hai cuộc thảo luận với TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông bình luận như thế nào về mục tiêu tăng trưởng hai con số liên tục trong hai thập kỷ tới?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Trước hết, mục tiêu này là một áp lực cần thiết mà các nhà lãnh đạo đưa ra để thúc đẩy hệ thống phấn đấu.

Ở bên ngoài, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Trung Quốc từng phát triển hai con số trong thời gian dài để trở thành các quốc gia thu nhập trung bình cao.

Trong khi đó, Việt Nam chưa bao giờ đạt tốc độ tăng trưởng 10% trong gần 40 năm sau Đổi mới. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là năm 1995 với 9,5% và sau đó chỉ đi xuống, mỗi thập kỷ lại giảm một điểm phần trăm.

Việt Nam đang nghiên cứu kế hoạch của 5 năm tới với mục tiêu tăng trưởng cao có thể đến 7,55 - 8%, thậm chí cao hơn nữa. Giả sử chúng ta cố gắng đạt mục tiêu 8%, thì vẫn khiêm tốn hơn so với các nước tôi vừa đề cập, nhưng cũng là một bước đảo ngược lại quỹ đạo tăng trưởng lâu nay.

Ông Vũ Thành Tự Anh: Để tăng trưởng 8% và hơn nữa thì không có cách nào khác là phải thúc đẩy xuất khẩu vì nhu cầu nội địa quá thấp. Ảnh: VietNamNet

Tăng trưởng phụ thuộc vào những điều gì? Câu trả lời là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào ba trụ cột là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Tiêu dùng hộ gia đình là tăng trưởng chậm kể từ thời Covid. Chúng tôi tính toán, tiêu dùng hộ gia đình trừ lạm phát chỉ còn tăng khoảng 5-5,5%, còn nửa so với trước. Tiêu dùng hộ gia đình chiếm hơn 60% tổng GDP, mà tốc độ tăng chỉ ở mức đó rõ ràng khó đạt mục tiêu tăng 8% rồi, chưa kể chuyện già hóa dân số.

Ở trụ cột đầu tư, Việt Nam đang thu hút được nhiều vốn FDI từ cục diện địa chính trị hiện nay. Nhưng chúng ta phải lường đến tình huống nếu ngày mai Việt Nam bị quy là nơi trung chuyển hàng của Trung Quốc thì lập tức lợi thế đó chấm dứt. Tức là cơ hội thì rất lớn nhưng rủi ro kèm theo cũng rất lớn.

Vì thế, chúng ta cần quản lý được các rủi ro để tối ưu hóa các cơ hội. Đấy là bài toán cực kì lớn mà tôi chưa thấy được thảo luận.

Vấn đề nữa là xuất khẩu. Chúng ta từng bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ khi thặng dư thương mại đứng thứ 5 và bây giờ là thứ 3. Thặng dư thương mại của Trung Quốc là khoảng hơn 200 tỷ đô la, của Mexico khoảng 150 tỷ USD và Việt Nam khoảng 104 tỷ USD.

Để tăng trưởng 8% và hơn nữa thì không có cách nào khác là phải thúc đẩy xuất khẩu vì nhu cầu nội địa quá thấp. Khi đó, chúng ta có thể lên vị trí thứ hai. Vậy thì rủi ro xuất hiện…

Như vậy, những mâu thuẫn như thế, niềm khát vọng trong nước trong tương quan với chính trị quốc tế đã được tính toán một cách thấu đáo hay chưa? Nếu không kiểm soát được những rủi ro này thì rất nhiều công sức chúng ta làm công phu sẽ xuống sông xuống biển.

Năng lực nội sinh của đất nước

Thưa ông, gần đây bắt đầu có quan điểm rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân cần trở thành động lực quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế. Ông nhìn nhận sao về quan điểm này?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Trước hết cần nhìn xem, vì sao khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức lại chỉ chiếm có 10% GDP thôi.

Năng lực nội sinh của đất nước nằm ở đâu? Hiển nhiên nó nằm ở khu vực doanh nghiệp tư nhân. Thế mà khu vực này cứ dặt dẹo như thế. Đấy là điều tôi lo lắng. Năng lực cốt lõi, giá trị sâu rễ, bền gốc của mình để có niềm tin bền vững của sức sống dân tộc thì đang dặt dẹo.

Nói như vậy để thấy, Việt Nam còn có rất nhiều cơ hội cho phát triển. Trọng tâm chính sách của đất nước phải tập trung để thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Tuy vậy, đến thời điểm này các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa mạch lạc.

Chẳng hạn, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 lại ghép các doanh nghiệp quy mô khác nhau vào chung một rọ. Chuyện đấy về mặt luật rất tiện, nhưng về mặt chính sách không thể nào tách bạch được hai vai trò rất khác nhau trong hệ sinh thái doanh nghiệp.

Ví dụ, đa số các doanh nghiệp là siêu nhỏ, một doanh nghiệp chỉ có 10-15 lao động làm sao họ đổi mới, sáng tạo, làm sao họ kết nối với Samsung và Intel? Họ chẳng có cửa nào cả.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ giúp đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội. Họ gắn với kinh tế địa phương, những gì địa phương cần là họ có thể đáp ứng được ngay.

Nhưng với doanh nghiệp vừa, bài toán của họ hoàn toàn khác với doanh nghiệp siêu nhỏ. Họ có nhiều nhân viên, họ ở vị thế kết nối được với các tập đoàn toàn cầu.

Thế mà chính sách lại gom chung cho tất cả, thì những doanh nghiệp nhỏ làm sao kết nối được. Con thuyền thúng hơn 10 người làm sao bám vào thuyền lớn để đi ra đại dương được!.

Việt Nam không có cửa nào khác là phải thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân bằng cách nâng tầm quản lý, quản trị trong Kỷ nguyên mới tới đây. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần kết nối với các doanh nghiệp lớn và từ đó họ trưởng thành, đi lên các cái nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đây là con đường của đa số các tập đoàn ở Đài Loan. Chúng ta nên học Đài Loan về phương diện này, chứ không phải học Hàn Quốc, nơi phát triển các chaebol.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp phải thay đổi. Điều này các bác ở Tổ tư vấn của Thủ tướng đã nói hơn 20 năm trước rồi.

Giờ đây, bản thân các nhà làm chính sách phải nhúng mình để hiểu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, họ phải giữ sự tự chủ chứ đừng trở thành con tin, đừng bị thao túng. Singapore có chính sách đãi ngộ rất tốt để công chức không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng… Công chức của họ có vị thế rất cao trong xã hội và họ có niềm tự hào về việc họ đang làm.

Còn công chức Việt Nam lương ba cọc ba đồng, chính sách đãi ngộ không có nhưng lại quản lý và có quyền hành quá lớn đối với một đống tài sản kếch xù. Vậy là xin – cho, lạm quyền đúng không? Đã đến lúc cần có cải cách về lương.

Vậy theo ông, động lực nào cho tăng trưởng bây giờ?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn cứ phải trông chờ vào FDI đi kèm với xuất khẩu, cộng thêm đầu tư của khu vực nhà nước. Trong bối cảnh cơ hội đang đến và rồi sẽ đóng lại nhanh, nghĩa là không thể chờ doanh nghiệp tư nhân lớn lên vụt trong vòng năm năm tới.

Vì thế, Việt Nam vẫn phải nhờ vào FDI và xuất khẩu. Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm, chúng ta đã quá nuôi dưỡng, nuông chiều khu vực này trong vòng mấy chục năm qua bất chấp chuyện họ đóng vai trò rất khiêm tốn theo nghĩa tạo giá trị gia tăng, tạo việc làm trong nền kinh tế.

Còn trong trung hạn chắc chắn phải dựa vào khu vực tư nhân vì khu vực này không thể lớn lên ngay lập tức để có tăng trưởng.

Rất tiếc là khu vực doanh nghiệp trong nước lại bị hắt hủi. Tôi thấy chúng ta đang có điều gì đó vô cùng sai lầm, chúng ta phế bỏ võ công của mình. Tôi vẫn hay nói, doanh nghiệp nhà nước là “con đẻ”, doanh nghiệp FDI là “con nuôi”, còn doanh nghiệp tư nhân là “con ghẻ”.

Việt Nam không có cửa nào khác là phải thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân bằng cách nâng tầm quản lý, quản trị trong Kỷ nguyên mới tới đây. Vì sao Tổng Bí thư phải chỉ đạo: Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm?.

Vì lâu nay, họ bị nhiều xiềng xích, họ bị bắt đeo tạ. Bây giờ, Nhà nước phải nâng năng lực quản trị lên, đồng thời giải phóng năng lượng của khu vực tư nhân thì lúc đấy cánh cửa độc lập, tự chủ sẽ mở ra cho đất nước.

Nói tóm lại, chúng ta phải thực sự cải cách môi trường kinh doanh, coi đột phá về thể chế là đột phá của đột phá.

Bên cạnh đó là nâng cao năng lực, kỹ năng của người Việt Nam. Tôi nói chuyện với nhiều công ty thiết kế chip, họ khẳng định là họ phải phải đào tạo lại hết. Các doanh nghiệp này cần rất nhiều chất xám, rất nhiều kỹ sư có năng lực để thực hiện các công nghệ cao, nhưng không tìm ra người.

Hơn nữa, công nghệ càng cao càng đòi hỏi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng lớn. Đây cũng là điểm Việt Nam cần quan tâm.

Nhìn lại sự phát triển èo uột của khu vực doanh nghiệp tư nhân thì thấy, quyền tài sản vẫn rất yếu, quyền sở hữu trí tuệ chưa được tôn trọng… doanh nhân vướng vòng lao lý thì cả doanh nghiệp điêu đứng, phá sản. Làm sao để xử lý vấn đề này để họ phát triển đúng tầm?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Năm 2008, nhóm chúng tôi có ra cuốn “Lựa chọn thành công”, trong đó mô tả các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Việt Nam nằm ở chính giữa, chúng ta rẽ trái thì sang Đông Á, còn rẽ phải là Đông Nam Á.

Bên Đông Á có Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển vươt bậc. CEO của Samsung gặp vấn đề như vậy nhưng cả tập đoàn vẫn vận hành tốt. Trong khi đó, doanh nhân ở Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Việt Nam mà lâm vào hoàn cảnh tương tự thì doanh nghiệp khó hoạt động, đúng không? Hệ quả này liên quan đến thể chế, đến suy nghĩ của các nhà lãnh đạo, của xã hội… như một lời nguyền của Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á nói chung là bị rơi vào cái bẫy này, không riêng gì Việt Nam đâu.

Bây giờ chọn cái gì là vấn đề vì chúng ta thực sự phải chọn một hệ thống phù hợp với căn tính của dân tộc mình.

Vì nếu sự cấy ghép thuần túy thì không thích nghi, không tồn tại được. Thế nhưng, để tạo ra được hệ thống mà nó vẫn phù phù hợp với căn tính theo thông lệ quốc tế là thách thức lớn. Đấy mới là cải cách thể chế.

Nhìn vào các doanh nghiệp của Việt Nam, đa số các doanh nghiệp tư nhân khi lớn lên là có xu hướng chia tay rồi. Vì sao họ lại có động cơ này? Tôi nghĩ, một trong những lý do quan trọng là bản thân doanh nghiệp có tầm nhìn ngắn hạn chứ không dám phát triển dài hạn. Nhưng chuyện này không thể trách họ được.

Bởi vì, môi trường kinh doanh chứa nhiều rủi ro, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Nếu họ làm gì cũng cho dài hạn thì họ không tồn tại được. Vì thế, phải tạo ra một môi trường chính sách ổn định và an toàn. Nếu không tạo ra được tâm lý an toàn cho doanh nghiệp, họ sẽ đánh quả thôi. Thể chế nào, doanh nghiệp đó mà.

Trong môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, phương án ứng xử tối ưu của họ là như thế. Vì thế, cuối cùng vẫn phải quay lại cải cách môi trường kinh doanh.

Về mặt luật pháp, hệ thống luật pháp phải minh bạch, công bằng, rõ ràng và quan trọng nhất là thực thi. Trong không ít trường hợp, luật của nước ta như thế nhưng lúc thi hành lại thiếu công bằng, ví dụ giữa các khu vực doanh nghiệp mà tôi đã nói.

Môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp cảm thấy an toàn và có thể đầu tư dài hạn là cực kỳ then chốt.

Đã đến lúc phá bỏ mọi rào cản để doanh nghiệp tư nhân làm ăn, phát triển. Đây là điều quan trọng nhất, là sức mạnh nội sinh của đất nước trong bối cảnh thế giới rất phức tạp, cạnh tranh ngày càng gay gắt, biến đổi khí hậu ghê gớm, mà hệ lụy đang tích tụ và dồn nén rất lâu rồi.

TS Vũ Thành Tự Anh: Đợt cải cách bộ máy này rất đáng được cổ vũ vì được thực hiện rất quyết liệt, nhanh gọn và tạo được sự ủng hộ rộng lớn của xã hội. Làn sóng này cho thấy Tổng Bí thư Tô Lâm là người cải cách.

Ông thể hiện là người kiến tạo và xây dựng quốc gia. Ông thực sự trở thành người đại diện cho những tiếng nói cải cách mạnh mẽ nhất và đồng thời là người thực hiện những cải cách đó mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất.

Tôi tin là cải cách thể chế lần này sẽ tạo ra được niềm tin xã hội để xã hội được tiếp thêm sức sống mới, niềm hứng khởi mà chúng ta từng có khi gia nhập WTO. Đấy là điều tốt lành cho Việt Nam.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/khong-con-cua-nao-khac-la-thuc-day-doanh-nghiep-tu-nhan-2369360.html


Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available