Quy định xe đưa đón học sinh có hiệu lực hơn 1 tháng, thực hiện vẫn rối

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ13/02/2025

Dù các quy định mới về xe đưa đón học sinh đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, nhưng đến nay nhiều đơn vị vẫn còn gặp rắc rối khi cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn.


Quy định xe đưa đón học sinh: vẫn rối - Ảnh 1.

Học sinh sử dụng xe đưa đón tại Trường THCS-THPT Hồng Hà (TP.HCM) - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Để chuẩn bị cho nghị định số 151 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, đội xe đưa đón học sinh của Trường song ngữ quốc tế EMASI Vạn Phúc (TP.HCM) đã được hợp tác xã vận tải liên kết bổ sung những trang thiết bị cần thiết. Trước hết là dán những biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Ngoài ra, các xe được lắp thiết bị giám sát hành trình, camera ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Về yêu cầu thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe, hợp tác xã này cho gắn một chuông báo ở phía cuối xe và tài xế sẽ ấn chuông khi các em đã xuống xe để phòng còn sót những em bỏ quên. Cạnh đó, mỗi chỗ ngồi có thêm một dây đai an toàn.

Cần thêm quy chuẩn

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho học sinh trên xe đưa rước đã được trường triển khai trước đây nên khi có nghị định 151, nhà trường và đơn vị hợp tác xã vận tải không quá bỡ ngỡ. Vì nhìn chung, theo cô Cúc, các trang thiết bị mới cũng nhằm mục đích nâng cao bảo vệ an toàn cho chính các học sinh.

Theo đại diện hợp tác xã vận tải T.S. (TP.HCM) - đơn vị đang có hơn 200 xe đưa rước tại TP.HCM, việc lắp đặt các trang thiết bị mới không quá khó với các hợp tác xã hiện nay nhưng vấn đề đang nằm ở các quy chuẩn của những trang thiết bị này. Chẳng hạn, đâu là quy chuẩn đối với thiết bị có chức năng cảnh báo bỏ quên trẻ em trên xe? Và đơn vị sử dụng chuông báo thì có đúng chuẩn hay không?

"Không có các quy chuẩn sẽ dẫn tới trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nào cũng sắm trang thiết bị nhưng không biết đã đúng hay chưa, phù hợp hay không?", vị này nói.

Ông Đức Dũng, lái xe đưa đón học sinh cho một trường tại quận 12 (TP.HCM), cho biết quy định hiện tại yêu cầu biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở học sinh phải có kích thước lớn (350 x 350mm). Kích thước này là khá lớn, vì vậy khi đặt biển báo này ở phía trước xe sẽ làm giảm góc nhìn của tài xế.

"Nên chăng điều chỉnh lại kích thước hoặc vị trí của biển báo này. Nếu không rất có thể từ mục đích là đảm bảo an toàn cho xe đưa đón, chúng ta có thể gây mất an toàn hơn khi tài xế bị hạn chế tầm nhìn", ông Dũng nói.

Ngại sơn vàng xe đưa đón học sinh

Một quy định đáng chú ý khác trong nghị định 151 là ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe.

Cô Hà Thị Kim Sa, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (TP.HCM), cho biết hiện đây là quy định tương đối khó triển khai thực tế tại trường mình. Dù đội xe đang hoạt động trực tiếp cho trường nhưng khó có thể ép yêu cầu các chủ xe này sơn lại màu vàng. Vì ngoài giờ chạy xe cho trường, các xe có thể nhận những hợp đồng kinh doanh vận tải riêng. Chuyển sang màu vàng có thể gây khó khăn cho họ trong các hoạt động kinh doanh này.

"Quy định yêu cầu sơn xe màu vàng đậm với xe đưa đón học sinh rất tốt nhưng trên thực tế ở Việt Nam tôi nghĩ rất khó có thể triển khai. Chưa kể màu vàng đậm nào sẽ là màu chuẩn, hiện vẫn chưa có hướng dẫn thêm ở đây. Do đó hiện tại đội xe của trường đã được lắp đặt các trang thiết bị theo yêu cầu, chỉ còn màu xe vàng là chúng tôi vẫn đang chờ", cô Kim Sa nói.

Tương tự, giám đốc điều hành một hệ thống trường tư thục tại quận Tân Phú cho biết lâu nay phần thân xe thường được các trường tận dụng cho quảng cáo và nhận diện thương hiệu. Chẳng hạn, trường đang trang trí trên nền trắng bằng các logo của trường, một số hình ảnh hoạt động kèm thông tin liên hệ, tuyển sinh.

"Chuyển sang màu sơn vàng có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của chúng tôi. Vì vậy hiện tôi vẫn đang tính toán kỹ trước khi có quyết định cuối cùng", vị này nói.

Cần có làn đường ưu tiên

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho biết mới đây hiệp hội cũng đã có một số kiến nghị liên quan đến màu sơn xe riêng cho xe vận chuyển học sinh. Theo đó, việc phải sơn một màu vàng đậm riêng có thể khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã khó kinh doanh thêm loại hình khác nhằm nâng cao năng suất vận chuyển. Do vậy, hiệp hội kiến nghị chỉ những xe chuyên kinh doanh vận tải học sinh mới cần sơn màu riêng biệt.

Bên cạnh đó, hiệp hội đề xuất TP.HCM xem xét triển khai làn đường ưu tiên hoặc chuyên biệt cho xe đưa đón học sinh nhằm đảm bảo các em đến trường đúng giờ. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp các đơn vị vận hành tăng tần suất chuyến xe.

Đề xuất chưa xử phạt theo nghị định 168

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đề nghị hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ theo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, để đảm bảo triển khai đồng bộ và thống nhất các quy định trong Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn cần có sự hướng dẫn chi tiết từ các bộ ngành liên quan, đặc biệt là đối với hoạt động xe đưa đón học sinh.

Chẳng hạn, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị cảnh báo bỏ quên trẻ em trên xe. Do đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị Bộ Công an sớm ban hành quy chuẩn chi tiết để các đơn vị vận tải có cơ sở thực hiện đúng quy định; ngoài ra xem xét điều chỉnh kích thước hoặc vị trí gắn biển báo để đảm bảo phù hợp với thực tế và an toàn giao thông.

Trong thời gian chờ hướng dẫn từ các đơn vị thực hiện, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị lực lượng chức năng xem xét chưa xử phạt vi phạm đối với các phương tiện nêu trên theo nghị định 168.



Nguồn: https://tuoitre.vn/quy-dinh-xe-dua-don-hoc-sinh-co-hieu-luc-hon-1-thang-thuc-hien-van-roi-20250213064152373.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available