Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 quy định nghiêm cấm việc dạy thêm trong trường học, cấm dạy thêm với học sinh tiểu học, cấm việc giáo viên dạy chính học sinh của mình... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường học thêm đang diễn ra rất sôi động.
Gia sư "đắt hàng"
Theo khảo sát của Báo PNVN, đến nay, nhiều trường đã thực hiện dừng việc học thêm, đặc biệt với cả học sinh cuối cấp. Điều này khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng, loay hoay tìm chỗ học thêm mới cho con khi các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT đang đến gần.
Có 2 con đều học THCS, trong đó có 1 con học lớp 9, chị Nguyễn Ngân (phố Chùa Láng, Q.Đống Đa, Hà Nội) phải chi khá nhiều tiền học thêm cho con.
"Con gái tôi học lớp 9, chuẩn bị thi chuyển cấp nên học thêm khá nhiều. Ngoài các buổi học thêm ở trường, tôi còn thuê 2 gia sư cho con. 1 gia sư dạy môn Toán với học phí 180.000 đồng/buổi, 1 gia sư dạy môn tiếng Anh với học phí 300.000 đồng/buổi. Giờ đây, học thêm ở trường phải dừng, tôi đang tìm thêm gia sư môn Ngữ Văn cho con. Nhiều năm nay, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội cạnh tranh rất khốc liệt nên khi các trường dừng dạy thêm, các phụ huynh đều lập tức tìm chỗ học cho con, bởi đa phần các phụ huynh đều mong muốn con đỗ vào trường công lập tốt", chị Ngân chia sẻ.
Học gia sư online một kèm một đang là một trong những lựa chọn của nhiều phụ huynh hiện nay. Ảnh minh hoạ
Không chỉ phụ huynh ở Hà Nội, mà phụ huynh có con chuẩn bị thi chuyển cấp ở các địa phương cũng đang sốt sắng tìm chỗ học cho con khi nhà trường bị cấm dạy thêm. Chị Nguyễn Thị Dịu (35 tuổi, trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, trước kia, ngoài thời gian học tập trên lớp, buổi tối các ngày thứ 7, chị Dịu vẫn cho con theo học thêm môn Toán tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Cùng theo học với con chị Dịu còn có 6 học sinh khác.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2024, chị Dịu nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm của con trai về việc lớp học thêm sẽ dừng. "Việc học thêm bị dừng khiến vợ chồng tôi đang rất rối trong việc lên kế hoạch học tập cho cháu", chị Dịu chia sẻ.
Để đảm bảo việc học tập của con không bị gián đoạn, ra Tết, chị Dịu phải nhờ người quen giới thiệu các trung tâm dạy thêm có uy tín để con theo học. "Nếu như trước kia, số tiền phải bỏ ra để cháu học thêm là 70.000 đồng/buổi thì hiện tại, vợ chồng tôi phải bỏ ra số tiền gấp đôi (150.000 đồng/buổi) để cho cháu theo học tại trung tâm nhưng chưa biết rõ kết quả mang lại thế nào. Kỳ thi vào lớp 10 rất khốc liệt, nếu không bổ trợ kiến thức, tôi nghĩ con không thể đỗ được vào trường công lập", chị Dịu chia sẻ thêm.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi nhà trường thông báo dừng các lớp học thêm nhưng gia đình chị Phạm Tuyết Mai (38 tuổi, trú tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại lựa chọn phương án cho con trai học thêm trực tuyến một kèm một với mức phí 200.000 đồng/buổi. Mặc dù việc học trực tuyến có nhiều hạn chế nhưng theo chị Mai, đây là phương án khả dĩ nhất gia đình có thể áp dụng vào thời điểm này. Dù rằng với mức học phí từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/buổi là số tiền khá lớn, không phải gia đình nào cũng có thể bỏ ra cho con học.
Cũng theo vị phụ huynh này, khi biết thông tin các lớp học thêm tại trường sẽ không được thu phí, nhà trường cũng không có kinh phí để vận hành các lớp này nên phải dừng theo quy định, nhiều phụ huynh đã có ý kiến đề nghị được hỗ trợ kinh phí giúp giáo viên có thể tiếp tục giảng dạy nhưng nhà trường cũng không thể đồng ý vì lo trái quy định.
Cho con học nhóm nhỏ với cô giáo dạy tư cũng là phương án của nhiều bố mẹ hiện nay. Ảnh minh hoạ
Nhiều năm nay, chị Hoàng Hồng Hạnh, tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội (trú tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mở lớp học tại nhà và có khá nhiều học sinh đến học với mức học phí 100.000 đồng/buổi. Hơn 20 học sinh của chị Hạnh rất đa dạng, gồm cả học sinh Tiểu học, THCS, thậm chí có cả học sinh THPT (những học sinh THPT đã theo học chị từ ngày lớp 1 đến giờ).
"Thời gian này, có nhiều phụ huynh đến xin tôi cho con học thêm, trong đó có cả học sinh Tiểu học và học sinh THCS nhưng mỗi nhóm, tôi chỉ dạy vài ba em để việc học của các em đạt hiệu quả nhất nên không thể nhận thêm học sinh mới", chị Hạnh chia sẻ.
Trung tâm luyện thi kín chỗ
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm ra đời cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của các trung tâm luyện thi. Anh Nguyễn Khúc Trường, quản lý một trung tâm luyện thi trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, ngay từ thời điểm cuối năm 2024, số lượng phụ huynh tìm hiểu, đăng ký học tập cho con học cuối cấp tăng cao so với những năm trước đó.
"Như trung tâm chỗ tôi đang quản lý, hiện tại các lớp học luyện thi cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đều đã kín. Nhiều phụ huynh đến tìm hiểu nhưng trung tâm đã phải thông báo không nhận thêm học sinh", anh Trường chia sẻ.
Các trung tâm luyện thi sôi động hơn khi nhà trường bị cấm dạy thêm. Ảnh minh hoạ
Nam quản lý trung tâm luyện thi này cũng cho hay, hiện tại trung tâm đang tổ chức 3 lớp luyện thi cho học sinh lớp 9 và 2 lớp cho học sinh lớp 12 với số lượng cụ thể mỗi lớp là 8 - 10 em. Ngoài giảng dạy trực tiếp, với những phụ huynh đến tìm hiểu, trung tâm cũng sẽ tư vấn thêm hình thức dạy trực tuyến nhưng số lượng học sinh theo học hình thức này không nhiều.
Một trung tâm luyện thi khác có địa chỉ tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết các lớp luyện thi cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đều đã đủ học sinh. Nhân viên trực tại Trung tâm này cũng giới thiệu thêm hình thức học ôn thi trực tuyến hoặc gia sư một kèm một tại nhà với mức giá giao động từ 160.000 đồng đến 300.000 đồng/buổi.
Thực tế cho thấy, cấm dạy thêm trong trường chưa thực sự giúp giảm học thêm mà chỉ khiến thị trường này chuyển dịch sang mô hình khác, với mức phí cao hơn và ít kiểm soát hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ, để dạy thêm - học thêm không tiếp tục "biến tướng"...
* Còn tiếp
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/thi-truong-day-them-soi-dong-nhieu-co-so-tu-choi-nhan-them-nguoi-hoc-20250212183857477.htm
Bình luận (0)