Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu phải trở thành cường quốc AI thay vì chỉ là người tiêu dùng. Nhưng điều này không hề dễ dàng.
Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về AI diễn ra trong hai ngày 11 và 12-2 tại Paris, Pháp - Ảnh: ĐỖ DŨNG
Tại Paris (Pháp), Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI Action Summit) quy tụ các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và doanh nhân AI hàng đầu thế giới.
Đáng chú ý, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định quyết tâm đẩy nhanh đầu tư AI với 109 tỉ euro, kêu gọi châu Âu phải trở thành cường quốc AI thay vì chỉ là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tham vọng này không dễ dàng khi phần lớn số tiền đầu tư lại đến từ các "đại gia" dầu mỏ Trung Đông và những gã khổng lồ chính từ Bắc Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi về tính chủ quyền của AI châu Âu và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Vì sao châu Âu yếu về đầu tư AI?
Châu Âu gặp khó khăn trong việc đầu tư AI do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) ở châu Âu vẫn duy trì tư duy ngân hàng truyền thống: chậm rãi, an toàn và ngại rủi ro. Trong khi đó tại Mỹ, những quỹ như Sequoia hay Andreessen Horowitz sẵn sàng rót hàng chục tỉ USD vào AI.
Thứ hai, châu Âu chưa có những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Microsoft hoặc Amazon, khiến các start-up AI trong khu vực thiếu nguồn tài trợ quy mô lớn để phát triển. Cuối cùng, rào cản pháp lý là một trở ngại lớn. Quy định AI Act của EU, dù mang tinh thần đạo đức, lại hạn chế sự linh hoạt của doanh nghiệp AI, trái ngược với cách Mỹ và Trung Quốc khuyến khích thử nghiệm công nghệ mới.
Hội nghị AI Action Summit cho thấy sự chia rẽ giữa EU với Mỹ và Anh. Khi châu Âu nhấn mạnh "trách nhiệm đạo đức" trong AI, Mỹ và Anh đã từ chối ký tuyên bố chung.
Điều này dấy lên câu hỏi liệu châu Âu có thực sự dẫn đầu "Kỷ nguyên ánh sáng mới" trong AI hay không khi các trung tâm đổi mới sáng tạo ở Mỹ và châu Á đang không ngừng phát triển mạnh mẽ. Nếu châu Âu không vượt qua được chính mình - vừa kiên định với các giá trị nhân văn vừa đủ linh hoạt để cạnh tranh - họ có thể đánh mất cơ hội để định hình tương lai AI.
Thay vì chỉ tập trung vào quản lý, châu Âu có thể học hỏi từ mô hình DEPA (Data Empowerment and Protection Architecture) của Ấn Độ, được Thủ tướng Modi giới thiệu tại hội nghị. Đây là một sáng kiến hạ tầng dữ liệu công cộng, cho phép người dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu minh bạch.
Nhờ vậy các công ty khởi nghiệp có thể cạnh tranh với những tập đoàn công nghệ lớn mà không bị lệ thuộc hoàn toàn vào họ. Chương trình này đã giúp tạo ra một mô hình AI phi tập trung, vừa thúc đẩy đổi mới vừa bảo vệ lợi ích của công dân.
50 sắc thái AI toàn cầu
Một trong những điểm nhấn của hội nghị là việc trưng bày 50 dự án AI xuất sắc nhất thế giới, do Paris Peace Forum tuyển chọn. Những dự án này đại diện cho nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, giáo dục, an ninh mạng và xã hội dân sự. Mục tiêu là nhấn mạnh giá trị nhân văn trong sự phát triển AI và đảm bảo rằng công nghệ này không bị lãng quên trong quá trình phát triển toàn cầu.
Đáng chú ý, một dự án AI đến từ Việt Nam - Enfarm - đã được vinh danh tại hội nghị. Đây là công nghệ cảm biến đất thông minh, giúp nông dân tối ưu hóa sản xuất bằng cách phân tích dữ liệu đất đai theo thời gian thực, đồng thời cung cấp tư vấn bằng AI tạo sinh.
Enfarm là dự án duy nhất từ Việt Nam và là một trong bốn dự án từ châu Á được chọn để giới thiệu trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp. Điều này không chỉ là niềm tự hào cho Việt Nam mà còn cho thấy AI không chỉ là cuộc chơi của các cường quốc công nghệ, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp các nước đang phát triển tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự hiện diện của những công nghệ nhân văn và bền vững như Enfarm tại hội nghị là một thông điệp quan trọng mà tổng thống Pháp muốn truyền tải: rằng để không bị tụt lại trong cuộc đua AI, châu Âu cần không chỉ tập trung vào cạnh tranh công nghệ mà còn phải đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Đồng thời châu Âu cũng cần hợp tác với những nền kinh tế trẻ và năng động ở Nam bán cầu, nơi AI có thể đem lại những giải pháp đột phá, góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững hơn.
Nâng cao nhận thức về tác động của AI
Ngày 11-2 (giờ Paris), tại Hội nghị AI Action Summit, 61 quốc gia đã thông qua tuyên bố chung về một AI "mở, toàn diện và đạo đức". Tuyên bố nhấn mạnh lần đầu tiên AI và năng lượng được giải quyết trong bối cảnh đa phương, đồng thời kêu gọi nâng cao nhận thức về tác động của AI với thị trường lao động.
Các quốc gia cũng cam kết phối hợp quản lý AI, ngăn chặn độc quyền để tăng tính tiếp cận đồng thời thúc đẩy bảo mật, độ tin cậy và phát triển AI bền vững.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-toan-cau-ve-ai-khi-chau-au-doi-mat-voi-thach-thuc-20250213063059075.htm
Bình luận (0)