(Dân trí) - Các trường học ở tỉnh Gia Lai đã quán triệt quy định mới về dạy thêm, học thêm. Giáo viên cũng dừng việc dạy thêm từ trước Tết và triển khai hồ sơ đăng ký dạy theo quy định mới.
Thông tư số 29 năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2. Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã quán triệt đến giáo viên để thực hiện nghiêm quy định từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ông Bùi Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cho biết, những năm trước, học sinh của trường thường phải vượt hàng chục cây số ra thị trấn Chư Sê để tìm các điểm học thêm.
Trong trường, giáo viên thường tổ chức các lớp dạy thêm cho học sinh yếu, trung bình nhằm giúp các em củng cố kiến thức. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh vượt qua kỳ thi THPT của trường luôn đạt 100% trong nhiều năm liên tục. Một số học sinh còn đậu vào các trường đại học nổi tiếng.
Giáo viên, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chấp hành nghiêm quy định mới về dạy thêm, học thêm (Ảnh: Trường THPT Trần Cao Vân).
Theo ông Vinh, khi có quy định mới, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên, học sinh dừng việc dạy thêm, học thêm ngoài trường, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Đến nay, nhà trường chỉ cho các giáo viên dạy môn toán và văn cho học sinh lớp 12 nhằm giúp các em củng cố kiến thức trước kỳ thi THPT sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Tàu, Hiệu trường Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho rằng, quy định mới có tác động xã hội rất lớn đến nhiều giáo viên trong trường. Nhà trường cũng quán triệt toàn thể giáo viên, ký cam kết thực hiện đúng quy định.
"Nhiều giáo viên trong trường đã làm hồ sơ để xin tham gia các cơ sở dạy thêm ngoài trường. Tuy nhiên, nhà trường đang chờ hướng dẫn của tỉnh, ngành rồi mới xét duyệt hồ sơ của các giáo viên theo quy định", ông Tàu cho hay.
Các giáo viên đang làm hồ sơ để đăng ký theo hoạt động kinh doanh dạy thêm, học thêm theo quy định (Ảnh: Chí Anh).
Hầu hết các giáo viên trường công lập đều đồng tình và thực hiện nghiêm quy định mới về dạy thêm, học thêm.
Các giáo viên cho rằng, quy định mới sẽ tránh tình trạng "ép học sinh" của mình đi học, tạo công bằng hơn trong việc dạy và học, đặc biệt là khu vực thành phố.
Thầy N.V.T, giáo viên môn toán tại huyện Chư Sê cho biết, thời gian trên lớp thường không đủ để học sinh nắm vững kiến thức và làm các bài tập ứng dụng. Bởi vậy, học sinh thường tìm đến các giáo viên để đăng ký học thêm ngoài giờ. Xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh, một số giáo viên đã tổ chức dạy thêm với mong muốn giúp các em học tập tốt và giáo viên có thêm thu nhập.
"Tuy nhiên, sau khi được nhà trường quán triệt, các giáo viên đã dừng việc dạy thêm để chờ hướng dẫn đăng ký mở lớp. Do trường ở vùng khó khăn, không có cơ sở dạy thêm đáp ứng đủ điều kiện nên học sinh chỉ học chính khóa và tự học ở nhà", thầy T. nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, cho biết, phòng đã quán triệt đến các trường học thực hiện đúng quy định mới về việc tổ chức dạy thêm, học thêm. Phòng cũng chỉ đạo các trường lập danh sách về nhu cầu dạy thêm của giáo viên và học thêm của học sinh để triển khai thực hiện theo quy định.
Theo ông Thức, việc giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh của mình đang dạy là hoàn toàn phù hợp. Quy định mới sẽ tránh tình trạng giáo viên không tập trung vào dạy chính khóa, việc lộ đề hay học sinh đua nhau chọn thầy cô giáo đang dạy trên lớp.
"Giáo viên trong trường công đã được hưởng lương và những ưu đãi. Chính vì vậy, việc siết chặt quản lý việc dạy thêm, học thêm sẽ tạo ra công bằng, minh bạch giữa các giáo viên, học sinh trong trường. Chất lượng từ phòng học, giá tiền dạy thêm cũng được cơ quan chức năng quản lý chặt hơn", ông Thức nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-dam-bao-cong-bang-giua-cac-giao-vien-20250210133104191.htm
Bình luận (0)