Huyện Củ Chi đề xuất đổi tên quốc lộ 22, đoạn từ ngã tư An Sương đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh (cổng chào) thành đường Phan Văn Khải.
Thông tin được bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết chiều 27/12. Việc đề xuất đặt tên đường cố Thủ tướng Phan Văn Khải nhằm kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông. Đồng thời, việc này cũng để thể hiện lòng biết ơn của người dân thành phố nói chung và người dân huyện Củ Chi nói riêng với công lao của cố Thủ tướng.
Theo bà Hiền, khi đổi tên đường người dân sống ở khu vực sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, hiện không còn dùng sổ hộ khẩu giấy nên thủ tục đơn giản hơn. “Chính quyền sẽ hỗ trợ người dân đổi giấy tờ liên quan khi cần thiết”, bà Hiền nói.
Quốc lộ 22 dài gần 60 km, là đường nối liền TP HCM đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Tuyến bắt đầu tại ngã tư An Sương quận 12, đi qua các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP HCM), thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) và kết thúc tại cửa khẩu Mộc Bài. Đây là trục nằm trong dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài đang được chuẩn bị triển khai.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (thường được gọi với tên Sáu Khải) sinh ngày 25/12/1933 ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ông tham gia phong trào cách mạng khi mới 14 tuổi, vào Đảng năm 26 tuổi. Ông từng kinh qua các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó thủ tướng.
Tháng 9/1997, ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng. Tháng 7/2002, ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai. Đến tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ một năm. Ông là người trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) ký chính thức năm 2001; là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Mỹ, gặp Tổng thống Bush năm 2005 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa hai nước.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần ngày 17/3/2018, hưởng thọ 85 tuổi. Ngày ông mất, hàng nghìn người dân xếp hàng đưa tiễn. Nhiều người dân Củ Chi lập bàn thờ đón ông về quê nhà an nghỉ.
Nguyễn Trà