Trong 5 dự án BOT cửa ngõ TP.HCM theo nghị quyết 98, các đơn vị tư vấn đề xuất 3 dự án đi trên cao, 2 dự án còn lại đi thấp.
Chiều 14-11, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức hội nghị tham vấn về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án BOT cửa ngõ theo nghị quyết 98. Hội nghị có sự tham dự của rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng giao thông như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải…
Theo ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hội nghị nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư, làm cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình các cấp có thẩm quyền trong quý 4-2024. Theo kế hoạch, các dự án sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong quý 3-2025.
3 dự án BOT đi trên cao
Tai hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết dự án mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) được đề xuất 2 phương án đi thấp và đi trên cao. Sau quá trình nghiên cứu, đơn vị đề xuất phương án đi trên cao bằng cầu cạn. Tổng mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng.
Với dự án mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi thấp do thi công đơn giản, đường hiện hữu vẫn đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình thi công. Tổng mức đầu tư khoảng 15.897 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3) dài khoảng 8,7km, với tổng mức đầu tư 8.810 tỉ đồng (bao gồm lãi vay). Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi thấp bằng cách mở rộng mặt đường và làm cầu vượt tại các nút giao do chi phí thấp nhất trong các phương án.
Dự án đường trục Bắc – Nam (đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành) có tổng chiều dài 8,6km, tổng mức đầu tư hơn 8.483 tỉ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án đi trên cao bằng cầu cạn lệch tim. Lý do không chọn đi thấp là vì sẽ giao cắt với nhiều luồng giao thông, phải bố trí nhiều nút giao và cần đảm bảo giao thông cho dự án metro số 4 đi dọc tuyến.
Dự án BOT cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) có tổng chiều dài 3,66km, với tổng mức đầu tư hơn 6.863 tỉ đồng cũng được đề xuất đi trên cao.
Nhà đầu tư lo giải phóng mặt bằng
Theo đơn vị tư vấn, nguyên tắc chọn giá vé cho 5 dự án BOT căn cứ theo quãng đường thực tế lưu thông, miễn giảm phí cho cư dân sống dọc theo tuyến dự án. Mức giá vé sẽ linh hoạt theo nguyên tắc đường trên cao thì giá vé cao hơn… Thời gian thu phí các dự án từ 15-20 năm.
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quỳnh Mai, phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, góp ý rằng cần phải thống nhất tiêu chí mềm là phương án thu hồi vốn cho các dự án khoảng 20 năm, không nên để vòng đời dự án cao hơn. Thứ hai để minh bạch và công bằng, các dự án cần thu phí theo chặng (km) thay vì phương án thu theo lượt.
“Ngoài ra, chi phí mặt bằng các dự án đa số rất cao, vượt qua 50% tổng mức đầu tư. Do đó cần thiết phải tính toán tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng do cơ quan nhà nước thực hiện. Bởi công tác giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư”, ông Mai nói.
Cùng quan điểm về tách bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Lê Quốc Bình, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, nói thêm: Thực tế thời gian qua, nhiều dự án BOT khi thực hiện vướng mắc mặt bằng rất lâu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư rất lớn. Cho nên hồ sơ mời thầu cần xác định phải bàn giao 90% giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư mới bắt đầu thi công.
“Theo tôi, cần phải có chế tài cụ thể khi các bên không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay Luật PPP chưa có quy định rõ nếu Nhà nước không thực hiện cam kết với nhà đầu tư thì ai phải chịu trách nhiệm về kinh phí phát sinh…”, ông Bình góp ý.
Phản hồi nhà đầu tư, ông Trần Quang Lâm cho biết cả 5 dự án BOT cửa ngõ đều được tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng. Sau khi tách dự án thì thành phố sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng.
Góp ý kiến tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho rằng nên rút ngắn tiến độ, khởi công sớm 1-2 dự án trong nhóm 5 dự án BOT cửa ngõ này. Đồng thời thành phố có thể nghiên cứu để doanh nghiệp nào trúng thầu phát hành trái phiếu để có vốn làm dự án mà không phải vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Viết Hải, chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, cũng nêu những ý kiến góp ý để nhà đầu tư phát huy sáng kiến, đổi mới công nghệ. Ông Hải đặt vấn đề trong quá trình triển khai dự án thì nhà đầu tư có quyền thay đổi thiết kế kỹ thuật tới mức nào? Có khi nhà đầu tư đề xuất làm rẻ hơn thì sao? Để đảm bảo việc đẩy nhanh tiến độ, cần thiết phải cho phép để nhà đầu tư tự quyết.
Nguồn: https://tuoitre.vn/5-du-an-bot-mo-rong-cua-ngo-tp-hcm-60-000-ti-dong-chuyen-gia-nha-dau-tu-muon-lam-nhanh-20241114164408908.htm