Thay vì đổ xuống biển Dung Quất, chính quyền Quảng Ngãi cho phép chủ đầu tư bán 900.000 m3 bùn cát nhiễm mặn sau nạo vét để tận dụng khoáng sản.
Thông tin được nêu trong quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường dự án nạo vét khu bến cảng và luồng hàng hải phục vụ Khu Kinh tế Dung Quất do Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký, hôm 22/8.
Theo đó, 900.000 m3 bùn, đất, cát nhiễm mặn sẽ được vận chuyển và đổ ở khu vực rộng 50 ha cách nơi nạo vét (gần bờ) khoảng 11 km ở vùng biển Dung Quất. Quá trình nạo vét và nhấn chìm, nếu có đơn vị cần cát để san lấp, chủ dự án được phép ưu tiên cung cấp để tận dụng khoáng sản.
Trước đây, bùn cát từ quá trình nạo vét thường được đổ xuống biển ở vị trí khác, song nhiều chuyên gia cho rằng số bùn, cát này có thể tận dụng thay vì đổ xuống biển.
Công ty Hào Hưng Quảng Ngãi – chủ đầu tư dự án nạo vét, cho biết số bùn, cát này có thể tận dụng cho xây dựng. Tuy nhiên, để bán được doanh nghiệp này phải lập các thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Cảng Hào Hưng thuộc Khu Kinh tế Dung Quất hoạt động từ năm 2017, gồm 4 bến cập cho tàu tải trọng 30.000-50.000 tấn và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác để đáp ứng xuất – nhập khẩu hàng hóa. Do nhu cầu tăng cao, chủ đầu tư đã đề xuất nâng cấp bến chuyên dùng cho tàu 70.000 tấn cập cảng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nạo vét và nhận chìm khi thời tiết tốt, hạn chế làm đục nước; có phương án thu gom chất thải phát sinh trong quá trình nạo vét để hạn chế ảnh hưởng hệ sinh thái; đồng thời bảo đảm an toàn cho các phương tiện.
Trước đó, tỉnh Bình Định cũng đồng ý cho Bộ Giao thông Vận tải nạo vét và nhấn chìm 3,8 triệu m3 bùn cát cách bờ biển Quy Nhơn 12 km.