Cụ thể, ngân sách bố trí 4,5 tỷ đồng cho Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để đầu tư hàng rào khuôn viên và các hạng mục phụ trợ khu nuôi cứu hộ các cá thể hổ tiếp nhận từ Vườn quốc gia Pù Mát, nhằm đảm bảo các điều kiện sinh sống của các cá thể hổ ngày mỗi lớn.

Số tiền này được phân bổ bởi nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2025.

ảnh 2.jpg

Các cá thể hổ đang được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: CTV

Theo các chuyên gia, loài hổ khi trưởng thành cần có không gian vận động gần gũi với môi trường tự nhiên nên cần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để tạo nên khu cách ly an toàn, thuận lợi cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc động vật hoang dã, cũng như các hoạt động nghiên cứu và du lịch mở rộng.

Để làm được điều này cần xây dựng khu nuôi mở rộng liền kề với 3 khu nuôi nhốt hổ hiện có, gồm 6 chuồng nuôi riêng biệt ngăn cách bằng hàng rào thép và các hạng mục phụ trợ khác.

2 năm qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã chăm sóc và nuôi dưỡng 7 cá thể hổ Đông Dương. Đây là những cá thể hổ được giải cứu vào tháng 8/2021 từ một vụ án hình sự do Công an tỉnh Nghệ An thực hiện.

ảnh 4.jpg
Khu vực nuôi hổ. Ảnh: CTV

Khi được đưa về Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để nuôi dưỡng và bảo vệ, đơn vị đã xây dựng phương án chăm sóc phù hợp, vừa giúp hổ phát triển tốt, vừa bảo đảm gần gũi với môi trường sống tự nhiên của hổ.

Trong 7 cá thể hổ này có 2 cá thể đực và 5 cá thể cái. Mỗi năm, chi phí thức ăn cho 7 cá thể hổ hơn 1 tỷ đồng. Khẩu phần ăn ngày 2 bữa với thịt gà, bò. Sau hơn 2 năm nuôi dưỡng, 7 cá thể hổ Đông Dương đã trưởng thành, con lớn nhất nặng khoảng 160kg, chiều dài trên 1,5m, những cá thể hổ còn lại nặng 120kg.

Cũng theo Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hiện hổ quá lớn và cần xây hàng rào bao quanh khu bán hoang dã cao và kiên cố hơn để tránh hổ phá khu chuồng trại, chạy vào rừng.