Năm 2024, trường Đại học Giao thông vận tải (UTC) tuyển 6.000 sinh viên, tăng 200 so với năm ngoái và dự kiến mở ngành Kỹ thuật máy tính.
Cụ thể, Đại học Giao thông vận tải tuyển 4.500 sinh viên tại trụ sở chính ở Hà Nội và 1.500 sinh viên cho phân hiệu TP HCM. Trong đó, tại Hà Nội, trường dự kiến mở ngành Kỹ thuật máy tính với 50 sinh viên. Những năm trước, trường đã đào tạo hai ngành cùng nhóm là Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin.
Đại học Giao thông vận tải cho biết sử dụng 4 phương thức tuyển sinh, với các điều kiện tương tự năm ngoái. Trong đó, phương thức đầu tiên (PT1) là xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
Phương thức thứ hai (PT2) là xét học bạ THPT. Ở Hà Nội, trường xét tổng điểm trung bình ba năm ở ba môn tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên. Ngưỡng điểm nộp hồ sơ đăng ký sẽ được trường thông báo sau, nhưng không môn nào dưới 5,5.
Tại phân hiệu TP HCM, các điều kiện xét học bạ tương tự nhưng trường chỉ xét điểm ba môn thuộc tổ hợp của 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12).
Thứ ba, trường xét điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành đào tạo tại Hà Nội và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM với một số ngành ở phân hiệu TP HCM (PT3).
Cuối cùng, trường xét tuyển kết hợp chứng chỉ IELTS và tổng điểm học bạ hai môn, gồm Toán và một môn trong tổ hợp xét tuyển (không phải Ngoại ngữ), áp dụng với một số ngành tại Hà Nội (PT4). Tổng điểm hai môn này là điểm trung bình lớp 10, 11 và 12 và điểm ưu tiên. Mức cần đạt là 15 điểm trở lên.
Chỉ tiêu, phương thức và tổ hợp xét tuyển từng ngành của Đại học Giao thông vận tải tại Hà Nội như sau:
Riêng ba ngành cuối có liên kết quốc tế, trường tuyển 90 sinh viên. Các chương trình này do trường đối tác cấp bằng, sẽ có thông báo tuyển sinh riêng. Trường chưa thông báo chỉ tiêu cụ thể từng ngành ở phân hiệu TP HCM.
Năm ngoái, Đại học Giao thông vận tải lấy điểm chuẩn cao nhất là 26,12 ở phương thức xét điểm tốt nghiệp, với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Nhìn chung, các ngành đào tạo tại Hà Nội lấy đầu vào cao hơn, điểm trúng tuyển chủ yếu trong khoảng 21-25, chỉ hai ngành lấy dưới 19 là Kỹ thuật xây dựng công trình thủy (18,3) và Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (18,9). Còn tại phân hiệu TP HCM, điểm chuẩn dao động 16,15-24,83.