Truyền thông Mỹ dẫn lời quan chức phương Tây cho biết Ukraine có thể nhận tiêm kích F-16 vào năm sau, song chưa rõ quốc gia chuyển giao.
Vấn đề huấn luyện phi công Ukraine vận hành tiêm kích F-16 dự kiến nằm trong số các chủ đề thảo luận tại hội nghị lãnh đạo các nước thành viên NATO tại Litva vào tháng tới, tờ Politico ngày 23/6 đưa tin.
Một số quan chức phương Tây cho biết việc chuyển giao F-16 cho Ukraine có thể bắt đầu vào đầu năm 2024, song chưa rõ thời gian cụ thể và quốc gia nào sẽ tặng mẫu tiêm kích này.
Theo một quan chức Mỹ, hai quốc gia dẫn đầu nỗ lực huấn luyện phi công Ukraine là Hà Lan và Đan Mạch có khả năng cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine cao nhất, song chưa thỏa thuận nào được chốt.
Các quốc gia phương Tây đang nhận định Romania là địa điểm khả thi để huấn luyện phi công Ukraine và có thể bắt đầu chương trình vào mùa hè này. Romania đang vận hành 17 tiêm kích F-16 mua lại từ Bồ Đào Nha, đồng thời đang thảo luận mua 32 chiếc từ Na Uy.
“Các đồng minh đang đàm phán về cách thức cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine, song không phải là toàn bộ NATO”, bài viết trên Politico có đoạn. “Mỹ, Anh, Pháp và Đức về cơ bản sẽ viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, đồng thời duy trì nỗ lực trên sau khi xung đột giữa quốc gia Đông Âu với Nga kết thúc”.
Một trong những vấn đề lộ ra trong xung đột Nga – Ukraine là “ngành công nghiệp quốc phòng của phương Tây không vững chắc như nhiều người nghĩ”. Các lãnh đạo NATO dự kiến ký kế hoạch tăng sản lượng thiết bị quân sự tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Litva tháng tới.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước nhận định nỗ lực trên “sẽ kết nối hiệu quả hơn năng lực ngành công nghiệp với kế hoạch quốc phòng của chúng tôi, đồng thời tạo thêm nhiều điều kiện mua sắm chung giúp đáp ứng mục tiêu năng lực của NATO và hỗ trợ đồng minh thực hiện tiêu chuẩn của khối”.
Các quan chức Ukraine trong nhiều tháng đề nghị phương Tây viện trợ tiêm kích tiên tiến, đặc biệt là mẫu F-16 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng hạ tầng tại Ukraine không đủ điều kiện để vận hành F-16, cũng như mẫu tiêm kích này khó mang lại ưu thế nổi bật hoặc thay đổi đáng kể cục diện chiến sự.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5 nói Mỹ ủng hộ chương trình đào tạo chung của một số quốc gia nhằm huấn luyện phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16. Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết giới chức nước này chưa đưa ra quyết định cuối về việc có viện trợ F-16 cho Ukraine hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/6 cảnh báo F-16 sẽ cháy rụi tại Ukraine giống như xe tăng chủ lực Leopard 2. Ông Putin cũng cảnh báo Ukraine nguy cơ kéo NATO vào xung đột nếu triển khai tiêm kích ở lãnh thổ các nước thành viên liên minh lân cận.
Nguyễn Tiến (Theo Politico)