Với gam màu đậm – nhạt, sáng – tối tương phản, làm nổi bật chủ đề tuyên truyền, nhiều khẩu hiệu được lồng ghép xen kẽ trong các bức tranh tham gia hội thi để người xem dễ hiểu.
Cô Võ Tuyết Ngân, Bí thư Ðoàn trường Cao đẳng Cộng đồng, thông tin: “Vừa qua, Ðoàn trường tổ chức hội thi vẽ tranh cổ động phòng, chống ma tuý, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Không đơn thuần chỉ dừng lại ở sân chơi phát huy năng khiếu, sở trường, mà còn nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, ma tuý, giáo dục các biện pháp phòng, chống ma tuý trong học đường”.
Cuộc thi phát động trong toàn trường, hình thức cá nhân và nhóm 2 người. Kết quả, có 32 tác phẩm vào vòng sơ tuyển, chọn ra 11 tác phẩm, tương ứng với 11 giải. Phạm Ngọc Chúc, sinh viên năm 3, ngành Giáo dục mầm non, chia sẻ: “Với chất liệu màu nước, tôi vẽ một đầu thuốc lá đang toả khói, một bên là phụ nữ đang mang thai và bên còn lại là trẻ em, vị thành niên đang phải hít khói thụ động, dù chỉ là cách gián tiếp nhưng tác hại mang lại khôn lường cho nhóm đối tượng trên”.
Tác phẩm của sinh viên Phạm Ngọc Chúc.
Từ thực trạng giới trẻ hiện nay sử dụng thuốc lá điện tử như một công cụ giải trí, Huỳnh Ngọc Thơ, sinh viên năm 2, ngành Giáo dục mầm non, lấy đó làm ý tưởng sáng tạo cho tác phẩm: “Ðây là lần thứ 2 tôi thi vẽ tranh cổ động, cả hai lần đều đạt thứ hạng cao. Trong tranh, tôi phác hoạ tác hại của ma tuý cùng thuốc lá điện tử, đây là 2 loại chất gây nghiện mà nhiều bạn trẻ hay vướng vào. Ban đầu sẽ không biểu hiện rõ rệt nhưng càng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và các bộ phận của cơ thể, khuyên giới trẻ nên tránh xa, không nên thử dù chỉ một lần”.
Tác phẩm của thí sinh Huỳnh Ngọc Thơ đạt giải Nhất hội thi vẽ tranh cổ động phòng, chống ma tuý, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
“Thí sinh có thể tự do sáng tạo, sự đa dạng về nội dung phản ánh cũng được các bạn hết sức chú trọng, như: hậu quả của ma tuý, thuốc lá đối với sức khoẻ; lồng ghép các khẩu hiệu tuyên truyền về việc tự bảo vệ bản thân, bạn bè, gia đình trước tệ nạn xã hội…”, cô Tuyết Ngân chia sẻ thêm.
Ðối với việc truyền thông về ma tuý, thuốc lá và các tệ nạn xã hội, nhà trường quan tâm, phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức truyền thông vào đầu năm học, tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên. Tại đây, các báo cáo viên tuyên truyền để sinh viên hiểu hơn về phòng chống ma tuý, tệ nạn và tội phạm ma tuý; phân tích tác hại của các loại thuốc lá; đặc điểm nhận dạng một số loại ma tuý thế hệ mới; thủ đoạn và biểu hiện của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội… dẫn chứng thiết thực, cảnh báo mọi người hết sức cảnh giác.
Lấy sức trẻ để tuyên truyền, sau hội thi hoặc các buổi diễn thuyết, mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ là tuyên truyền viên tích cực cho cộng đồng xã hội./.
Yến Nhi