TPO – Theo cơ quan kiểm toán, các trường hợp sai phạm mang tính chất nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu vừa qua đều có sự cấu kết, thông đồng hết sức tinh vi giữa các cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan.
Kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước là một trong những trọng điểm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Mỹ Dung – Phó Tổng KTNN – về vấn đề này.
– Báo cáo tổng hợp kết quả của KTNN những năm qua đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng cho thấy, vẫn còn tồn tại, sai phạm xảy ra tại một số dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước đã được KTNN quan tâm ngay từ khi mới thành lập. KTNN đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng.
Trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN đều lựa chọn một số nhiệm vụ kiểm toán các dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, trong các cuộc kiểm toán ngân sách tại các bộ, địa phương, doanh nghiệp cũng lựa chọn một số dự án nhóm B, C để kiểm toán, nhằm đánh giá công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư của các đơn vị.
Bà Hà Thị Mỹ Dung – Phó Tổng KTNN (ảnh: Cổng thông tin KTNN). |
Qua kiểm toán lĩnh vực này, KTNN đã chỉ ra các tồn tại hạn chế trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu thanh toán, quyết toán.
Một số sai sót phổ biến như: Phê duyệt dự án chưa phù hợp quy hoạch được duyệt, chưa phù hợp với chủ trương đầu tư, xác định nguồn vốn, nội dung đầu tư chưa phù hợp, điều chỉnh dự án chưa đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, còn tình trạng áp dụng sai định mức, đơn giá xảy ra tại hầu hết các dự án được kiểm toán; áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đảm bảo quy định…
Kết quả kiểm toán thời gian qua trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
– Vừa qua, tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu… Bà lý giải ra saovề vấn đề này?
Trước hết chúng ta cần xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Theo đó, KTNN là cơ quan có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hoạt động kiểm toán là hoạt động chuyên môn có sự khác biệt với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra khác.
Mục tiêu chính của các cuộc kiểm toán là xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN), báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động, chương trình, dự án được kiểm toán…
Với những đặc thù trên, hiệu quả hoạt động của KTNN chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa, phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi NSNN, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
“Trường hợp phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm, KTNN kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định. Thực tế thời gian vừa qua, KTNN đã chuyển nhiều hồ sơ, vụ việc đến các cơ quan để phục vụ cho hoạt động điều tra, giám sát”, bà Hà Thị Mỹ Dung cho hay.
Đối với lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng, KTNN thực hiện kiểm toán trên cơ sở hồ sơ tài liệu do chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp. Đối tượng kiểm toán là các hoạt động đầu tư xây dựng đã diễn ra, nên không chứng kiến quá trình thi công, không chứng kiến việc nghiệm thu vật tư vật liệu đầu vào…
Vì vậy, trong trường hợp các sai phạm được các đối tượng cấu kết thông đồng hợp thức hồ sơ, tạo lập hồ sơ trái pháp luật nhằm nghiệm thu công trình để thanh quyết toán rất khó để phát hiện qua hoạt động kiểm toán.
Kết quả kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng góp phần phòng ngừa, ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công (ảnh minh họa). |
Ngoài ra, với điều kiện hạn chế về thời gian, cũng như việc kiểm toán viên Nhà nước chưa được đào tạo về nghiệp vụ điều tra cũng tạo nên những khó khăn nhất định.
Thực tế cho thấy, các trường hợp sai phạm mang tính chất nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu vừa qua đều có sự cấu kết, thông đồng hết sức tinh vi giữa các cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan; hồ sơ thầu được hợp thức hóa theo quy định và nằm ngoài khả năng, phạm vi tiếp cận, phương pháp kiểm toán của KTNN.
– Vậy giải pháp căn cơ để ngăn chặn, hạn chế các tồn tại, sai phạm xảy ra đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách là gì, thưa bà?
Về phía KTNN, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa và bổ sung đảm bảo hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia, kiểm toán việc thực hiện các cơ chế đặc thù; KTNN tham gia ngay từ khâu xem xét quyết định chủ trương đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, thanh, quyết toán.
Chúng tôi cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức kiểm toán, đảm bảo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ, phù hợp với từng loại hình kiểm toán.
Riêng đối với việc hạn chế các sai phạm trong đấu thầu, tôi cho rằng cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ liên quan, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu, đảm bảo lựa chọn được đơn vị phù hợp nhất…
– Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://tienphong.vn/pho-tong-kiem-toan-noi-ve-cac-sai-pham-trong-dau-thau-du-an-post1642637.tpo