Sửa quy định thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Báo Đô thịBáo Đô thị07/02/2025

Kinhtedothi - Chính phủ ban hành Nghị định 17/2025/NĐ-CP ngày 6/2/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.


Sửa đổi, bổ sung quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu Thầu
Sửa đổi, bổ sung quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu Thầu

Theo đó, Nghị định số 17/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, Luật Đất đai về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Bổ sung hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện khoản 5 Điều 3 của Luật Đấu thầu

Trong đó, Nghị định số 17/2025/NĐ-CP bổ sung thêm Điều 2a vào sau Điều 2 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện khoản 5 Điều 3 của Luật Đấu thầu như sau:

Trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu, Chính phủ quyết định việc áp dụng quy định về đấu thầu theo trình tự, thủ tục như sau:

1. Trước khi đàm phán, cơ quan chủ quản dự án gửi cơ quan chủ trì đàm phán văn bản đề xuất việc áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu. Nội dung của văn bản đề xuất gồm:

a) Các quy định của nhà tài trợ hoặc tổ chức quốc tế có nội dung khác hoặc chưa quy định tại Luật Đấu thầu;

b) Sự cần thiết và đánh giá tác động của việc áp dụng các nội dung quy định tại điểm a khoản này.

2. Cơ quan chủ trì đàm phán lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan về đề xuất áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu cùng với nội dung của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài. Các cơ quan được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan chủ trì đàm phán trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan.

3. Trước khi ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài, cơ quan chủ trì đàm phán trình Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng theo quy định của nhà tài trợ hoặc của tổ chức quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sửa đổi quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Đồng thời, Nghị định số 17/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024.

Theo quy định mới, đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm s khoản 3 Điều 82 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP:

a) Căn cứ hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do cơ quan, đơn vị đề xuất, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan, đơn vị khác thẩm định;

b) Hồ sơ gồm: tờ trình, dự thảo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các văn bản, tài liệu liên quan. Tờ trình về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt bao gồm những nội dung: thông tin cơ bản về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu (tên dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; nguồn vốn, tổng mức đầu tư của dự án, giá trị dự toán mua sắm, giá gói thầu; thời gian dự kiến thực hiện; các nội dung cần thiết khác); đối với gói thầu quy định tại khoản 1 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, giải trình về sự cần thiết và lý do nếu áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu thì không thể thực hiện được theo chỉ đạo tại Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; đối với gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, giải trình về sự cần thiết và điều kiện phải bảo đảm về một hoặc một số yếu tố liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lý do không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu; đối với gói thầu quy định tại điểm s khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, giải trình về sự cần thiết và điều kiện đặc thù đối với một hoặc một số nội dung về quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng, lý do không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu; dự thảo phương án lựa chọn nhà thầu gồm những nội dung chủ yếu sau: quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và các nội dung liên quan khác để đáp ứng các điều kiện đặc thù của gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện khả thi, hiệu quả. Dự thảo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm nội dung theo quy định tại điểm đ khoản này;

c) Trong quá trình thẩm định, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ lấy ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó (nếu cần thiết) đối với gói thầu quy định tại khoản 1 và điểm s khoản 3 Điều 82 của Nghị định này; lấy ý kiến của một hoặc các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao theo từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý về sự cần thiết và điều kiện phải bảo đảm về một hoặc một số yếu tố liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ và ý kiến của các cơ quan liên quan khác (nếu cần thiết) đối với gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

d) Căn cứ ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm c khoản này, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định lập báo cáo thẩm định, gồm các nội dung sau: đánh giá về sự cần thiết, lý do áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; ý kiến về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và dự thảo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp kiến nghị chấp thuận; kiến nghị Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận hoặc không chấp thuận việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt;

đ) Căn cứ hồ sơ đề nghị, báo cáo thẩm định, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các nội dung: chấp thuận việc áp dụng và phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm; trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; các yêu cầu khác trong quá trình triển khai thực hiện gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm (nếu có).

Đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế giao cơ quan, đơn vị trực thuộc lập hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời giao cơ quan, đơn vị khác tổ chức thẩm định;

b) Hồ sơ gồm: tờ trình, dự thảo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản, tài liệu liên quan. Tờ trình về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt bao gồm những nội dung: thông tin cơ bản về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu (tên dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; nguồn vốn, tổng mức đầu tư của dự án, giá trị dự toán mua sắm, giá gói thầu; thời gian dự kiến thực hiện; các nội dung cần thiết khác); giải trình về sự cần thiết và điều kiện đặc thù đối với một hoặc một số nội dung quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Đấu thầu, lý do không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu; dự thảo phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt gồm những nội dung chủ yếu sau: quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và các nội dung liên quan khác để đáp ứng các điều kiện đặc thù của gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện khả thi, hiệu quả;

c) Căn cứ hồ sơ đề nghị và báo cáo thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Trường hợp tổ chức quốc tế, nhà sản xuất thuốc, vắc xin, thiết bị y tế có quy định riêng về điều kiện mua bán, điều kiện ký kết hợp đồng (nếu có), tạm ứng, thanh toán là điều kiện ràng buộc để cung cấp thuốc, vắc xin, thiết bị y tế thì được thực hiện theo quy định của tổ chức quốc tế, nhà sản xuất đó.

Đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế giao cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đặt hàng vắc xin;

b) Chủ đầu tư căn cứ kế hoạch tiêm chủng mở rộng, dự kiến số lượng, chủng loại vắc xin cần mua, thời gian cung cấp vắc xin (có thể đặt hàng mua vắc xin cho nhiều hơn 01 năm); đơn giá dự kiến; giá gói thầu và các nội dung cần thiết khác, lập tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt. Trường hợp đặt hàng cho nhiều năm thì phải dự kiến giá trị mua sắm trong từng năm. Hồ sơ trình gồm: tờ trình, dự thảo quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản, tài liệu liên quan;

c) Căn cứ tờ trình của chủ đầu tư và báo cáo thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

d) Căn cứ kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, chủ đầu tư phê duyệt quyết định đặt hàng và ký hợp đồng với nhà sản xuất vắc xin trong nước để sản xuất, cung cấp vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng;

đ) Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, các nhà sản xuất vắc xin lập hồ sơ phương án giá tương ứng với số lượng cung cấp trong năm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, trình Bộ Y tế để gửi Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt và thông báo giá vắc xin tối đa;

e) Căn cứ giá vắc xin tối đa do Bộ Tài chính thông báo, Bộ Y tế quyết định phê duyệt giá cụ thể nhưng không vượt giá tối đa. Giá trị thanh toán hợp đồng hằng năm căn cứ theo số lượng vắc xin cung cấp và giá cụ thể được Bộ Y tế phê duyệt.

Đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP:

a) Cơ quan, đơn vị chủ trì giải quyết vụ kiện xây dựng các tiêu chí, điều khoản tham chiếu, cơ chế kiểm soát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư để xác định danh sách (không ít hơn 03) tổ chức hành nghề luật sư, luật sư dự kiến được thuê; chỉ lựa chọn vào danh sách các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư danh tiếng, nhiều kinh nghiệm;

b) Cơ quan chủ trì giải quyết vụ kiện tổ chức đàm phán hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có ưu thế nhất trên cơ sở các tiêu chí, điều khoản tham chiếu và cơ chế kiểm soát tổ chức hành nghề luật sư, luật sư trong vụ kiện;

c) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì giải quyết vụ kiện phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư;

d) Cơ quan, đơn vị chủ trì giải quyết vụ kiện hoàn thiện, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư.

 



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/sua-quy-dinh-thu-tuc-lua-chon-nha-thau-trong-truong-hop-dac-biet.html

Chủ đề: đấu thầu

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available