Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng cần có chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước “bắt tay” với khu vực FDI, để giúp họ từng bước ra sân chơi thế giới.
Chia sẻ tại hội nghị với các nhà đầu tư Bắc Âu, ngày 12/3, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư chọn lọc vào các dự án có kết nối lan tỏa giữa khu vực có vốn nước ngoài (FDI) và trong nước.
Theo đó, doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của nhà đầu tư ngoại thông qua mở rộng hợp tác. “Cần có chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước hợp tác, làm ăn với khu vực FDI”, Phó thủ tướng nói.
Ông cũng cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn mình, từng bước tiến ra sân chơi thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thu hút vốn FDI đạt gần 4,3 tỷ USD trong hai tháng đầu năm. Mức này tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Na Uy và Thụy Điển), Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất, với trên 2 tỷ USD rót vào Việt Nam.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các doanh nghiệp Bắc Âu tìm hiểu cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như tài chính, ngân hàng, công nghiệp xanh, giáo dục đào tạo, y tế.
Cùng đó, ông mong các doanh nghiệp khu vực này là cầu nối thông tin về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam đến các nhà đầu tư nước họ.
Để thu hút đầu tư, theo Phó thủ tướng, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tăng chuyển đổi số, phân cấp cho địa phương và cam kết cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu nguồn điện được điều chỉnh theo hướng nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, tất cả thủ tục hành chính sẽ được đưa lên môi trường mạng để nhà đầu tư tìm hiểu, hạn chế chi phí không cần thiết”, ông nói.
Việt Nam cũng bảo đảm số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài nỗ lực từ phía Việt Nam, Phó thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp Bắc Âu cùng hợp tác trong đào tạo nghề chuyên sâu.
Riêng với ngành bán dẫn, ông thông tin Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến 2030. Hiện, Chính phủ liên kết đào tạo với các trung tâm đào tạo lớn và doanh nghiệp FDI thành công tại Việt Nam, như Samsung, LG, Intel.